Gửi nhầm hơn 180 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm của người chồng quá cố, người phụ nữ đòi lại tiền nhưng bị ngân hàng từ chối: “Chúng tôi không có quyền xử lý”

Người phụ nữ Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan sau khi gửi nhầm tiền vào tài khoản tiết kiệm đứng tên người chồng cũ đã qua đời.
- 27-05-2025Gửi tiết kiệm 30 tỷ đồng, sau 5 năm đến rút, người phụ nữ nhận thông báo: Số tiền đã chuyển thành bảo hiểm, đợi thêm 66 năm nữa mới được rút
- 26-05-2025Dành 10 triệu/tháng mua vàng vẫn dư 3 triệu tiết kiệm, nhìn bảng chi tiêu xong ai cũng thở dài: Thế này vẫn còn than?
- 25-05-2025Càng tiết kiệm càng nghèo: 6 thói quen "tích cóp" đang âm thầm phá nát ví tiền của bạn
Tháng 7/2015, bà Hoàng, cư dân quận Xương Bình, Bắc Kinh, Trung Quốc, đến ngân hàng để gửi 50.000 NDT (hơn 180 triệu đồng) tiền mặt vào tài khoản tiết kiệm. Sau khi hoàn tất giao dịch và nhận lại biên lai, người phụ nữ này mới phát hiện ra mình đã mang nhầm sổ tiết kiệm của chồng cũ, người đã qua đời vì bạo bệnh không lâu trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền 50.000 NDT trên đã được gửi nhầm vào tài khoản của chồng cũ thay vì của bà Hoàng.
Do không thể cung cấp mật khẩu tài khoản của chồng, bà Hoàng đã thương lượng với nhân viên ngân hàng để họ chuyển tiền sang tài khoản tiết kiệm của mình. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết: “Đây là tài khoản thuộc sở hữu của bên thứ ba. Chúng tôi không có quyền xử lý.”
Để lấy lại số tiền trên, ngân hàng gợi ý bà Hoàng nên xuất trình các giấy tờ pháp lý cần thiết như: giấy ủy quyền, giấy chứng nhận quyền thừa kế do công chứng viên hoặc tòa án các cấp, nhằm chứng minh bà là người thừa kế hợp pháp khoản tiền tiết kiệm của chồng đã khuất.
Dẫu vậy, khi đến văn phòng công chứng để hoàn tất thủ tục, bà Hoàng lại được thông báo rằng khoản tiền 50.000 NDT không phải là tài sản của chồng bà khi còn sống nên không được công nhận là tài sản thừa kế. Trong tình thế bế tắc, bà quyết định khởi kiện ngân hàng ra Tòa án nhân dân quận Xương Bình nhằm đòi lại số tiền đã gửi nhầm.

Ảnh minh họa: Internet
Tại tòa, đại diện ngân hàng cho rằng, giao dịch gửi tiền của bà Hoàng được thực hiện đúng quy trình. Khi nhận tiền gửi, theo quy định nội bộ, ngân hàng không có nghĩa vụ phải xác minh danh tính hay tình trạng pháp lý của người đứng tên tài khoản, nhất là trong trường hợp không phát sinh giao dịch rút tiền – vốn đòi hỏi có mật khẩu. Từ đây, ngân hàng cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về bà Hoàng vì bà mang nhầm sổ tiết kiệm. Cũng vì vậy nên họ không có trách nhiệm phải hoàn lại tiền.
Tại thời điểm đó, vụ việc vẫn đang được Tòa án nhân dân quận Xương Bình xem xét và chưa có phán quyết cuối cùng. Dù kết quả vụ việc không được công bố, song theo quan điểm của một số chuyên gia pháp lý Trung Quốc, số tiền bà Hoàng gửi nhầm vào tài khoản của chồng cũ khi người này đã qua đời không nên xem là tài sản thừa kế và phía ngân hàng nên hoàn lại tiền cho khách hàng.
Một trường hợp tương tự cũng từng xảy ra tại tỉnh Sơn Đông. Trong vụ việc đó, tòa án địa phương đã yêu cầu ngân hàng cho phép người gửi rút cả gốc lẫn lãi từ tài khoản đứng tên người đã qua đời. Mức lãi suất được áp dụng theo quy định tại thời điểm gửi tiền.
Câu chuyện của bà Hoàng sau khi được chia sẻ đã làm dấy lên nhiều thảo luận về giao dịch ngân hàng tại Trung Quốc, đặc biệt là với tài khoản của người đã khuất. Bên cạnh đó, vụ việc còn được xem là lời nhắc nhở đối với mọi người khi thực hiện các giao dịch tài chính. Để tránh những rủi ro tương tự, khách hàng cần thận trọng kiểm tra kỹ lưỡng và xác nhận đầy đủ thông tin trước khi tiến hành bất kỳ giao dịch nào với ngân hàng.
(Theo The Paper)
Đời sống và Pháp luật