MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dành 10 triệu/tháng mua vàng vẫn dư 3 triệu tiết kiệm, nhìn bảng chi tiêu xong ai cũng thở dài: Thế này vẫn còn than?

26-05-2025 - 11:01 AM | Sống

Nhiều người sau khi nghe tâm sự của cô vợ này chỉ biết thốt lên: "Đúng là người biết đủ là người hạnh phúc".

Có tiền để mua nhà, mua xe và tậu thêm các tài sản lớn khác là mong muốn chung của phần lớn chúng ta. Đây cũng là mục tiêu của không ít người, đặc biệt là những người đã lập gia đình. Ngoài việc ổn định cuộc sống hiện tại, ai cũng muốn mua thêm mảnh đất, ngôi nhà coi như "của để dành" cho con sau này.

Tâm sự của cô vợ trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy. Tuy nhiên, nhìn vào hoàn cảnh hiện tại của gia đình cô, nhiều người chỉ biết thở dài...

Thu nhập 40 triệu/tháng, tháng nào cũng mua vàng và gửi tiết kiệm nhưng vẫn thấy "sốt ruột"

Nguyên văn chia sẻ của cô vợ như sau: "Em năm nay 30 tuổi, đã lập gia đình, có 2 con nhỏ. Hiện vợ chồng em đang ở chung với mẹ chồng.

Bọn em đã có nhà và ô tô nhưng là do gia đình 2 bên cho. Thu nhập của 2 vợ chồng là 40 triệu/tháng, hiện nhà em đang chi tiêu như bên dưới, nhưng lúc nào em cũng có cảm giác lo lắng và sốt ruột. Thậm chí có lúc thấy stress vì nhìn xung quanh, mọi người mua đất mua nhà rất nhanh, và giàu có nữa...".

Dành 10 triệu/tháng mua vàng vẫn dư 3 triệu tiết kiệm, nhìn bảng chi tiêu xong ai cũng thở dài: Thế này vẫn còn than?- Ảnh 1.

Các khoản chi hàng tháng do cô vợ chia sẻ

Nhìn vào bảng chi tiêu này, có thể thấy với mức thu nhập 40 triệu/tháng, thực tế gia đình cô tiết kiệm được tới 15 triệu. Trong đó: 10 triệu mua vàng, 3 triệu gửi tiết kiệm, 2 triệu đóng bảo hiểm. Tính ra hàng tháng, vợ chồng cô chi tiêu tổng cộng 25 triệu cho gia đình 3 người lớn và 2 trẻ em.

Đây là con số có phần khá hợp lý, các khoản chi cũng không có khoản nào cao bất thường, chủ yếu là các nhu cầu cơ bản.

Với tình hình thu nhập và chi tiêu như thế này, nhiều người cho rằng cô cảm thấy "lo lắng, sốt ruột, stress" vì bản thân chưa học được cách biết đủ với hiện tại, cũng như biết ơn những điều kiện mà không phải ai cũng có được.

"Thấy không cắt giảm được khoản nào luôn đó, toàn là những khoản cố định rồi. Thu nhập 2 vợ chồng ổn, chi tiêu cũng hợp lý, lại còn được bố mẹ tặng nhà tặng xe mà vẫn thấy lo thì mình cũng không biết phải khuyên gì nữa..." - Một người thẳng thắn chia sẻ.

"Chi tiêu 2/3 thu nhập, để dành được 1/3 là ok rồi mà. Có nhà, có xe, có vàng, có tiền tiết kiệm là mơ ước của rất nhiều người đó bạn. Biết đủ thì mới hạnh phúc được, mỗi người có 1 cuộc sống, 1 hoàn cảnh khác nhau, sống sao cho gia đình luôn êm ấm, hạnh phúc là được. Chứ cứ so sánh bản thân với người khác làm gì, làm thế cũng chẳng giàu nhanh hơn đâu, chỉ tổ mệt người thôi" - Một người khuyên.

"Người ta bảo biết đủ là hạnh phúc là đúng đấy chị ạ. Có rất nhiều người đang ước được như chị, trong đó có em đây nhưng em cũng không đến mức lo lắng sốt ruột, stress làm gì. Đơn giản là mình biết mình phải cố gắng thì mình tập trung thời gian, sức lực để kiếm tiền. Biết đủ chứ không phải là thỏa mãn với cuộc sống đến mức chây ì, không cố gắng nữa" - Một người khác chia sẻ.

Đừng tự tạo thêm áp lực cho mình chỉ vì "thảm cỏ xanh" nhà người khác!

Cuộc sống hiện đại với muôn kiểu thước đo thành công, hạnh phúc vô tình đẩy chúng ta vào tình cảnh "không thể không so sánh bản thân với người khác". Ngay cả khi bạn đang ở một vị thế mà nhiều người mơ ước: Công việc ổn định, thu nhập tốt, có tài sản, có tiền tiết kiệm,... thì cảm giác bất an, thiếu thốn vẫn cứ âm thầm gặm nhấm tâm can, nếu bạn không ngừng nhìn sang "cỏ xanh" nhà hàng xóm.

Dành 10 triệu/tháng mua vàng vẫn dư 3 triệu tiết kiệm, nhìn bảng chi tiêu xong ai cũng thở dài: Thế này vẫn còn than?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bản chất của sự so sánh xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của con người trong việc đánh giá vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin bùng nổ như hiện nay, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những mặt tốt đẹp nhất mà người khác muốn phô bày. Những bức ảnh du lịch lung linh, những bài đăng khoe thu nhập, thành tựu công việc,... tất cả tạo nên một bức tranh màu hồng. Nhìn vào đó, chúng ta dễ cảm thấy mình thua kém, thiếu sót.

Nhưng mong bạn đừng quên mất rằng mỗi người đều có một hành trình riêng, với những khó khăn và thử thách khác nhau. 

"Cỏ xanh" nhà hàng xóm có thể được tưới tắm bằng những giọt mồ hôi, nước mắt mà chúng ta không nhìn thấy. Việc chỉ tập trung vào kết quả mà bỏ qua quá trình sẽ dẫn đến những so sánh khập khiễng và gây ra những cảm xúc tiêu cực như ghen tị, tự ti, thậm chí là oán hận.

Thế nên, thay vì nhìn người khác, hãy tập trung nhìn vào chính mình. Giống như tâm sự của gia đình trong câu chuyện phía trên, họ đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho cuộc sống: Chi tiêu khéo léo, thu nhập ổn và tiết kiệm được gần 1 nửa tiền lương. Đó là những thành quả đáng trân trọng, đáng ghi nhận, là điều ai cũng thấy chỉ có người trong cuộc là ra sức phủ nhận. Sự so sánh trở thành một rào cản vô hình, ngăn họ hưởng những gì mình đang có. Và điều đó quả thực chẳng đáng, vì nếu cứ giữ tinh thần so sánh như vậy, chẳng biết bao giờ mới có thể thảnh thơi tâm trí, vì người giỏi thì luôn có người giỏi hơn.

Hạnh phúc thực sự không đến từ việc bạn sở hữu những gì, mà đến từ cách bạn cảm nhận và trân trọng những gì mình đang có. Điều này thoạt nghe thì thấy có vẻ giáo điều, nhưng thử ngẫm kỹ sẽ thấy, nó chưa bao giờ là sai.

Sự so sánh duy nhất nên làm, nên ghi nhớ là so sánh hiện tại với quá khứ của chính mình, thay vì chạy theo những tiêu chuẩn thành công do xã hội hoặc người khác đặt ra.

Theo Ngọc Linh

Phụ nữ số

Trở lên trên