MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi 200 triệu đồng mua sản phẩm đầu tư của ngân hàng, đến hạn gom lãi phát hiện nền tảng đã bị đóng, ngân hàng tuyên bố: Chúng tôi không liên quan

28-05-2025 - 00:56 AM | Sống

Chi 200 triệu đồng mua sản phẩm đầu tư của ngân hàng, đến hạn gom lãi phát hiện nền tảng đã bị đóng, ngân hàng tuyên bố: Chúng tôi không liên quan

Cứ ngỡ đầu tư một thời gian sẽ thu về khoản tiền lãi hậu hĩnh, người đàn ông Trung Quốc tá hỏa khi bị rơi vào cái bẫy không ngờ.

Tháng 7/2022, ông Lý sống ở huyện Tùy, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đến ngân hàng gửi tiền thì được nhân viên tư vấn mời mua một sản phẩm đầu tư được hứa hẹn sẽ sinh lời cao. Cảm thấy tin tưởng, ông Lý đã nhanh chóng đầu tư 55.100 NDT (khoảng 200 triệu đồng) vào một ứng dụng tài chính trực tuyến mà nhân viên trên giới thiệu.

Tuy nhiên, đến thời hạn rút tiền lãi, ông Lý ngỡ ngàng khi thấy ứng dụng ngừng hoạt động, toàn bộ nền tảng gửi và rút tiền đều bị đóng hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc ông Lý đã mất trắng số tiền đã bỏ ra. Ông tìm gặp quản lý ngân hàng để hỏi rõ về sự việc thì người này cho biết ngân hàng không hề có sản phẩm nào như vậy.

Ngoài ra, khi ông Lý yêu cầu ngân hàng phải chịu trách nhiệm, người đại diện phản hồi rằng ngân hàng không hề liên quan gì đến ứng dụng đầu tư kia nên không thể đền bù. Về phần nhân viên giao dịch, người này đã xin nghỉ việc từ tháng trước. Không còn cách nào khác, ông Lý đành phải báo cảnh sát, mong có thể lấy lại được 55.100 NDT (khoảng 200 triệu đồng) của mình.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện có 29.900 NDT (hơn 100 triệu đồng) trong số tiền bị lừa được chuyển từ tài khoản ông Lý vào tài khoản công ty của một doanh nghiệp ngoài tỉnh. Chủ doanh nghiệp là ông Đường khai rằng từng vài lần giao tài khoản công ty cho một nhân viên ngân hàng địa phương họ Lê sử dụng vì lý do “hỗ trợ nghiệp vụ”.

Cơ quan chức năng xác định, nhân viên ngân hàng họ Lê đã lợi dụng chức vụ để chiếm giữ trái phép tài khoản doanh nghiệp nói trên trong thời gian dài. Tất cả tiền lừa đảo, bao gồm cả tiền chiếm đoạt của ông Lý sẽ được Lê chuyển vào tài khoản này để qua mặt cơ quan điều tra. Anh ta không chỉ tự ý sử dụng mà còn giao tài khoản cho 2 đồng phạm khác sử dụng bất hợp pháp và thực hiện kế hoạch chiếm đoạt tiền.

Chi 200 triệu đồng mua sản phẩm đầu tư của ngân hàng, đến hạn gom lãi phát hiện nền tảng đã bị đóng, ngân hàng tuyên bố: Chúng tôi không liên quan- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Nhóm này giám sát giao dịch tài khoản của công ty theo thời gian thực, chờ khi có dòng tiền lớn đổ vào thì lập tức chuyển toàn bộ 281.000 NDT(hơn 1 tỷ đồng) thu được từ các lần lừa đảo sang tài khoản cá nhân của Lê. Số tiền sau đó được chúng rút ra thành tiền mặt và chia nhau.

Tháng 3/2024, Công an huyện Tùy đề nghị khởi tố Lê và hai đồng phạm với tội danh trộm cắp tài sản. Trước các bằng chứng cụ thể và lời khai đối chứng, Lê và 1 đồng phạm họ Hoàng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, một đồng phạm khác họ Vương lại phủ nhận, viện lý do “mất trí nhớ” và không thừa nhận lời khai tại cơ quan điều tra. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với các đoạn ghi hình thẩm vấn, lời khai ban đầu của Vương được xác định là phù hợp với diễn biến vụ án và lời khai của hai đồng phạm.

Cuối tháng 10/2024, Tòa án nhân dân huyện Tùy xét xử sơ thẩm, tuyên phạt cả 3 bị cáo 3 năm tù giam và phạt tiền. Trong phiên tòa, Lê và Hoàng nhận tội, đồng thời tự nguyện bồi thường 55.100 NDT (khoảng 200 triệu đồng) cho ông Lý và hoàn trả đầy đủ tổng số 281.000 NDT tiền chiếm đoạt. Vương không nhận tội và làm đơn kháng cáo vì cho rằng mức án quá nặng.

Đến tháng 12/2024, Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Tùy xử phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo, tuyên giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm. Sau khi bản án có hiệu lực, đơn vị mà Lê làm việc sau khi nghỉ ở ngân hàng cũ cũng ra quyết định buộc thôi việc đối với người này vì vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật ngành ngân hàng.

(Theo Toutiao)

Nguyên An

Đời sống pháp luật

Trở lên trên