Xuất hiện loại vàng giả “không sợ lửa”, qua mặt được cả chủ tiệm vàng nhiều năm kinh nghiệm

Ảnh minh họa
Chủ tiệm đã sử dụng đèn khò đốt dây chuyền để thử vàng, nhưng không thấy tình trạng đổi màu hay bốc khói đen. Phải đến khi dùng các thiết bị chuyên dụng mới phát hiện vàng giả.
- 28-05-2025Đồng 1 xu giúp nước Mỹ tiết kiệm hơn 50 triệu USD?
- 28-05-2025Ngân hàng đề nghị khách hàng cảnh giác khi được yêu cầu: “Chuyển một số tiền vào tài khoản thanh toán rồi duy trì trong vài phút”
- 28-05-2025Hơn 138.000 tài khoản đăng ký đầu tư vào một “đồng tiền không giá trị": Tổng số tiền lên đến 10.000 tỷ đồng nhưng 55% đã bị "chủ sàn" rút ra tiêu xài
Đầu năm 2025, ông Lý – chủ tiệm vàng tại khu kinh doanh sầm uất thuộc quận Kỳ Tân, thành phố Hạc Bích, Trung Quốc – tiếp một khách nam nói giọng địa phương lạ, tự xưng họ Đoạn. Người này mang theo một dây chuyền vàng nặng 52,7 gram, khẳng định đó là vàng nguyên chất và ngỏ ý bán gấp với giá 665 nhân dân tệ/gram vì “đang thua bạc, cần tiền gấp”.
Dựa trên kinh nghiệm, ông Lý dùng đèn khò đốt dây chuyền để thử vàng – một cách kiểm tra phổ biến – và không thấy dây chuyền đổi màu hay bốc khói đen. Tin tưởng đây là vàng thật, ông đã chuyển hơn 35.000 nhân dân tệ để mua lại.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, một người khác cũng mang dây chuyền tương tự đến tiệm, muốn bán lại. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, ông Lý mời chuyên gia kiểm định đến kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng. Kết quả cho thấy dây chuyền không phải vàng nguyên chất mà được pha trộn kim loại nặng như rheni và wolfram. Ông Lý từ chối giao dịch, người đàn ông lập tức rời đi.
Sau đó, ông Lý kiểm tra lại sợi dây chuyền mua từ Đoạn trước đó và phát hiện cũng bị pha trộn rheni và wolfram, nên lập tức báo cảnh sát.
Nhận được tin báo, cảnh sát Trung Quốc tiến hành điều tra. Dựa vào thông tin từ ông Lý và hình ảnh trích xuất từ camera giám sát, cảnh sát phát hiện hai nghi phạm đi cùng một chiếc taxi và nhanh chóng xác định danh tính là Đoạn và Ngô.
Trong lúc lực lượng chức năng đang thu thập bằng chứng, một tiệm vàng khác tại khu vực cũng báo bị lừa với thủ đoạn tương tự. Cảnh sát có mặt kịp thời và bắt giữ một nghi phạm – chính là Đoạn – tại hiện trường. Ông Lý cũng nhận diện được người này là kẻ đã lừa bán vàng giả cho mình.
Để tiếp tục truy bắt đối tượng còn lại, cảnh sát lên kế hoạch “dụ rắn khỏi hang” bằng cách để ông Lý giả vờ liên hệ với Ngô, tỏ ý muốn mua vàng giá rẻ. Khi Ngô quay lại tiệm, lực lượng chức năng phục kích và bắt giữ ngay tại chỗ.
Qua điều tra, cảnh sát xác định các dây chuyền vàng giả trong vụ việc được chế tác từ lõi kim loại rheni và wolfram, phủ bên ngoài lớp vàng mỏng. Cả hai kim loại này có tỷ trọng gần bằng vàng, điểm nóng chảy cao và độ dẻo tốt, nên rất khó phân biệt bằng các phương pháp thử thông thường như đốt lửa hay cân trọng lượng.
Ngoài ra, các nghi phạm còn sử dụng “chiến thuật tâm lý” như tạo tình huống khẩn cấp như “cần tiền gấp”, “bán lỗ”, đánh vào lòng tin của nạn nhân, đặc biệt là tại các tiệm thu mua vừa và nhỏ – nơi thiếu trang thiết bị kiểm định hiện đại.
Ban đầu, Đoạn và Ngô đều phủ nhận hành vi gian lận, cho rằng bản thân cũng là “nạn nhân không biết dây chuyền bị pha”. Tuy nhiên, trước bằng chứng không thể chối cãi, cả hai đã cúi đầu nhận tội và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân.
Hiện hai nghi phạm đã bị tạm giữ hình sự theo đúng quy định pháp luật. Cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Cảnh sát Trung Quốc khuyến cáo các tiệm thu mua vàng, đặc biệt là cửa hàng nhỏ lẻ, cần tăng cường cảnh giác, đầu tư thiết bị kiểm định chuyên dụng và không nên tin hoàn toàn vào các phương pháp thử truyền thống. Đồng thời, người dân cũng cần thận trọng trước những lời mời giao dịch hấp dẫn, giá rẻ bất thường – đặc biệt từ người lạ, không rõ nguồn gốc sản phẩm.
Theo Toutiao
An ninh tiền tệ
CÙNG CHUYÊN MỤC

Từ 1/9 sẽ xóa sổ những tài khoản ngân hàng sau
09:22 , 29/05/2025