Máy bay ‘made in China’ đạt thành tích kinh ngạc sau 2 năm khiến Boeing, Airbus dè chừng: Nhận không xuể hàng trăm đơn đặt hàng, có mặt tại mọi trung tâm đô thị hàng đầu Trung Quốc
Máy bay C919 của Trung Quốc mở rộng mạng lưới khai thác, bước sang năm thứ ba vận hành thương mại.
- 21-05-2025Huyền thoại Warren Buffett khuyên chân tình đầu tư vào thứ ‘không sợ lỗ’, người biết chọn là người nắm chắc thành công và hạnh phúc
- 21-05-2025Lợi suất trái phiếu siêu dài hạn Nhật Bản tăng vọt lên mức cao chưa từng có: Chuyện gì đang xảy ra?
- 21-05-2025Tịch thu số vàng, kim cương trị giá 70 tỷ đồng cùng 27 tỷ tiền mặt của một chủ doanh nghiệp bất động sản, phá dỡ toàn bộ dự án đang xây dựng
Chiếc máy bay thân hẹp C919 do Trung Quốc tự phát triển là biểu tượng tham vọng công nghệ của nước này. Tuần tới, chiếc máy bay này sẽ bước vào năm thứ ba vận hành thương mại. Cột mốc này được đánh dấu bằng việc gia tăng tần suất khai thác và mở rộng mạng lưới đường bay.
Ngay trước thềm kỷ niệm, hai thành phố mới đã được bổ sung vào mạng lưới bay của C919 là Thâm Quyến – trung tâm công nghệ và kinh tế lớn ở phía Nam Trung Quốc và Hạ Môn – thành phố du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Phúc Kiến. Như vậy, C919 hiện đã phục vụ tổng cộng 15 thành phố tại Trung Quốc đại lục.
Từ tháng 1 năm nay, C919 cũng đã thực hiện các chuyến bay hằng ngày giữa Thượng Hải và Hồng Kông.
Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy đơn hàng C919 cả trong nước lẫn quốc tế. Tham vọng trong dài hạn của Trung Quốc là trở thành đối thủ của hai “ông lớn” ngành hàng không là Boeing và Airbus.
Với việc khai thác thêm tuyến Thâm Quyến, C919 hiện đã có mặt tại cả bốn trung tâm đô thị hàng đầu Trung Quốc gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Những điểm đến lớn khác của C919 bao gồm Trùng Khánh, Thành Đô, Vũ Hán và Hàng Châu. Đây đều nằm trong nhóm 10 thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất Trung Quốc năm 2024.
Ngoài ra, C919 còn khai thác đến các thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây), Thẩm Dương (Liêu Ninh), Thái Nguyên (Sơn Tây), Ôn Châu (Chiết Giang), Trường Sa (Hồ Nam), cũng như hai điểm đến du lịch nổi tiếng là Hải Khẩu và Tam Á trên đảo Hải Nam.
“C919 hiện đã phủ sóng các thành phố lớn và điểm đến du lịch trọng điểm của Trung Quốc. Số lượng chuyến bay tăng dần là minh chứng cho độ tin cậy trong vận hành cũng như tiềm năng sinh lời của dòng máy bay này”, chuyên gia Jason Zheng tại nền tảng thông tin hàng không Airwefly nhận định.
Ông cũng cho biết các hãng hàng không và cơ quan quản lý nước ngoài đang theo dõi sát sao hiệu suất vận hành của C919. Việc tiếp tục khai thác ổn định ở những đường bay lợi nhuận cao như Bắc Kinh – Thượng Hải hay Thượng Hải – Thâm Quyến sẽ giúp chứng minh năng lực thực tế của dòng máy bay này.
Kể từ chuyến bay thương mại đầu tiên từ Thượng Hải đến Bắc Kinh do China Eastern Airlines thực hiện vào tháng 5/2023, hai hãng hàng không quốc gia khác là Air China và China Southern Airlines cũng đã tiếp nhận và đưa C919 vào khai thác.
Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) – nhà sản xuất C919 – đã nhận được hơn 360 đơn đặt hàng từ các khách hàng trong nước. Đây là bước tiến đáng kể trong bối cảnh thị trường trước kia từng bị chi phối bởi hai dòng máy bay thân hẹp Boeing 737 và Airbus A320.
COMAC cũng đã nộp hồ sơ xin cấp chứng nhận vận hành cho C919 lên Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA).
Là hãng hàng không đầu tiên khai thác C919, China Eastern hiện đang tận dụng tốt đội bay này. Theo dữ liệu từ hãng và nền tảng hàng không Hangban Guanjia, thời gian khai thác trung bình đạt 7,6 giờ mỗi ngày và hơn 3,8 chuyến bay, chủ yếu là các chặng ngắn.
Để so sánh, một máy bay Airbus A320 tại Trung Quốc thường được khai thác từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày cho các chuyến bay ngắn kéo dài 1–2 tiếng, luân phiên nhiều lượt trong ngày.
Tuy được xem là dòng máy bay nội địa, C919 vẫn sử dụng nhiều linh kiện công nghệ cao nhập khẩu, bao gồm cả động cơ từ Mỹ và các nhà cung ứng phương Tây khác. Dù vậy, Trung Quốc đang trong quá trình phát triển các lựa chọn thay thế từ nội địa.
Bên cạnh đó, dòng máy bay khu vực ARJ21 (còn được gọi là C909) do Comac sản xuất cũng đã đánh dấu hai năm khai thác thương mại cùng hãng hàng không giá rẻ TransNusa của Indonesia. Đây là khách hàng quốc tế đầu tiên của dòng máy bay này.
C909 hiện đạt trung bình 8 giờ khai thác mỗi ngày, với 14 tuyến bay nội địa tại Indonesia cùng 3 tuyến quốc tế, trong đó có hai tuyến đến Quảng Châu và Thượng Hải, Trung Quốc.
Theo SCMP
Nhịp Sống Thị Trường