Lợi suất trái phiếu siêu dài hạn Nhật Bản tăng vọt lên mức cao chưa từng có: Chuyện gì đang xảy ra?
Sau phiên đấu giá trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 20 năm thất bại, lợi suất trái phiếu tăng cao.
- 20-05-2025Hàng hóa Trung Quốc lại có chiêu né thuế quan mới: Cam kết hàng đến tay khách với giá trước thuế, doanh nghiệp Mỹ tìm mua ngày càng nhiều
- 20-05-2025CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ: Thuế quan chưa "phát huy" hết ảnh hưởng, cảnh báo thị trường chứng khoán có thể giảm 10%
- 20-05-2025Huyền thoại đầu tư Ray Dalio gióng hồi chuông cảnh báo: Người nắm giữ tài sản này có thể chịu rủi ro lớn hơn tưởng tượng
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn dài nhất đã tăng vọt lên mức cao chưa từng có trong phiên giao dịch thứ Ba. Đây là hệ quả sau một phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 20 năm không đạt kỳ vọng, khiến nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu nắm giữ trái phiếu.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn siêu dài đã tăng liên tục trong nhiều tuần qua. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ duy trì ở mức cao, đồng thời xuất hiện lo ngại rằng Nhật Bản có thể tăng chi tiêu tài khóa trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện quan trọng vào tháng 7. Đây là một bài toán khó cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và có thể buộc cơ quan này phải hành động sớm.
BOJ thời gian qua đã dần thu hẹp các biện pháp hỗ trợ thị trường khi cắt giảm lượng trái phiếu mua vào hàng tháng, qua đó từng bước chấm dứt chính sách kích thích tiền tệ quy mô lớn kéo dài suốt hàng thập kỷ.
Một số đảng phái đã kêu gọi cắt giảm thuế tiêu dùng, song Thủ tướng Shigeru Ishiba cho đến nay vẫn từ chối. Hôm thứ Hai, ông phát biểu trước Quốc hội rằng tình hình tài khóa của Nhật Bản hiện “còn tệ hơn Hy Lạp” ở thời điểm đỉnh cao của khủng hoảng nợ châu Âu.
Phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 20 năm của Bộ Tài chính không thu hút được người mua. Đây là chất xúc tác khiến thị trường bán tháo trong phiên thứ Ba.
Các chuyên gia phân tích tại JPMorgan nhận định nhu cầu đối với trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn dài đang suy giảm. Họ nhấn mạnh cần phải ngăn chặn sự sụp đổ của trái phiếu siêu dài hạn. Nếu không, các cú sốc mới có thể xuất hiện, đặc biệt nếu xảy ra việc hạ bậc tín nhiệm hoặc có thêm các biện pháp tài khóa.
Ngay sau khi Bộ Tài chính công bố kết quả đấu giá đầu giờ chiều tại Tokyo, lợi suất trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn 20 năm đã tăng tới 15 điểm cơ bản, lên 2,555%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2000.
Lợi suất kỳ hạn 30 năm vọt 17 điểm cơ bản lên 3,14%, mức cao nhất mọi thời đại. Trong khi đó, trái phiếu kỳ hạn 40 năm tăng 15 điểm cơ bản lên mức kỷ lục 3,6%.
Lợi suất trái phiếu 10 năm cũng tăng tới 4,5 điểm cơ bản, đạt 1,525%. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 28/3.
Chiến lược gia Shoki Omori của Mizuho gọi kết quả đấu giá là “ảm đạm”, lưu ý “tình trạng mất cân đối cung – cầu kéo dài ở phân khúc siêu dài hạn và làm dấy lên nghi ngại rằng không rõ ai sẽ đứng ra mua vào”.
Theo ông Omori, các nhà môi giới và nhà đầu tư dường như không muốn nắm giữ hàng tồn, làm tăng nguy cơ xảy ra một chuỗi bán tháo lan rộng từ kỳ hạn 20 năm sang cả kỳ hạn 10 và 30 năm.
Lợi suất kỳ hạn 5 năm tăng thêm 2 điểm cơ bản, lên 1,015%. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 2/4, ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế quan.
Lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng chạm mức 0,73%, cao nhất kể từ ngày 3/4.
Hợp đồng tương lai trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn 10 năm giảm tới 0,47 yên, xuống 138,78 yên, thấp nhất kể từ ngày 2/4. Giá trái phiếu và lợi suất biến động ngược chiều nhau. Lợi suất tăng thì giá trái phiếu giảm và ngược lại.
Theo Reuters
Nhịp Sống Thị Trường
CÙNG CHUYÊN MỤC
