Hàng hóa Trung Quốc lại có chiêu né thuế quan mới: Cam kết hàng đến tay khách với giá trước thuế, doanh nghiệp Mỹ tìm mua ngày càng nhiều
Khi Mỹ siết chặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, một số nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn đang tìm cách cung cấp hàng hóa đến tay người tiêu dùng Mỹ với giá không đổi.

Thủ thuật “bao trọn thuế”
Bằng hình thức giao hàng “delivered-duty-paid” (DDP) – trong đó người bán chịu toàn bộ chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu và trách nhiệm pháp lý, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã duy trì mức giá hấp dẫn cho khách hàng Mỹ ngay cả khi thuế quan tăng vọt.
Theo các chuyên gia pháp lý và chuỗi cung ứng, một số nhà xuất khẩu đã khai thấp giá trị đơn hàng, thay đổi nhãn sản phẩm để giảm số thuế phải nộp. Họ còn sử dụng các công ty vỏ bọc – đăng ký dưới tên các pháp nhân hoặc cá nhân nước ngoài, để làm “nhà nhập khẩu chính thức” (importer of record) trong các tờ khai hải quan.
Các công ty nhập khẩu này phải có bảo lãnh hải quan tối thiểu 50.000 USD, nhưng một khi bị yêu cầu thanh toán thuế, nhiều công ty “ma” chỉ cần biến mất, để lại khoản nợ thuế cho nhà nước và nhà bảo hiểm chịu rủi ro.
“Họ không nộp đơn phá sản. Họ chỉ cần tắt điện thoại, đóng email và đăng ký công ty mới bằng một địa chỉ khác,” luật sư David Forgue từ công ty luật Barnes, Richardson & Colburn tại Chicago cho biết.
Dù không phải là mới, thủ thuật này bùng nổ trở lại sau khi Mỹ áp thuế mạnh với hàng hoá Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, chỉ cần tìm kiếm cụm từ “giao trọn gói, bao thuế 2 lần” sẽ cho ra vô số quảng cáo chào bán thiết bị nhà bếp, đồ điện lạnh và nội thất, cam kết giao tận cảng Mỹ với đầy đủ thuế phí.
Ash Monga – CEO công ty chuỗi cung ứng Imex Sourcing Services tại Quảng Châu, cho hay: “Đây là bí mật công khai trong ngành. Mở một công ty vỏ bọc chỉ mất vài trăm USD và chưa đầy vài giờ.”
Nhiều doanh nghiệp Mỹ hiện đang chủ động đề nghị đối tác Trung Quốc sử dụng phương thức này để giảm giá thành.
Rủi ro pháp lý với các doanh nghiệp Mỹ
Các luật sư cảnh báo rằng, ngay cả khi không đứng tên trong hồ sơ nhập khẩu, các doanh nghiệp Mỹ vẫn có thể chịu trách nhiệm dân sự và hình sự nếu bị phát hiện liên quan đến hành vi trốn thuế.
“Có đến 90% doanh nhân Mỹ nghĩ rằng nếu họ không phải là người đứng tên nhập khẩu, thì sẽ không sao. Đó là sai lầm lớn,” Dan Harris, luật sư tại hãng luật Harris Sliwoski ở Seattle cho biết.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã bị Hải quan Mỹ yêu cầu truy thu thuế, hoặc bị tịch thu lô hàng, khi công ty nhập khẩu không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc né tránh trách nhiệm thông qua các công ty ảo đang bị giám sát chặt chẽ.
Không chỉ là vấn đề pháp lý, tình trạng này còn khiến các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp bị đặt vào thế bất lợi.
“Khách hàng sẽ chọn sản phẩm rẻ hơn dù chúng được nhập khẩu một cách vi phạm pháp luật. Các công ty tuân thủ sẽ bị cạnh tranh ép giá không công bằng,” Cze-Chao Tam – CEO công ty Trinity International tại California chia sẻ.
Công ty của bà Tan đang thương lượng tăng giá với các đối tác bán lẻ do thuế nhập khẩu tăng đến 55%, nhưng gặp nhiều trở ngại.
Hệ thống hải quan Mỹ vốn đang chịu áp lực khổng lồ. Với khối lượng thương mại từ Trung Quốc quá lớn, chỉ một phần nhỏ hàng hóa có thể được kiểm tra kỹ lưỡng. Trong tháng 4, thậm chí có sự cố khiến hệ thống hải quan ngừng hoạt động 10 giờ, không thể áp mã thuế mới cho các lô hàng đang trên đường tới Mỹ.
Về phía chính phủ, Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã tuyên bố sẽ ưu tiên điều tra và truy tố các hành vi gian lận thương mại và thuế quan, bao gồm hành vi trốn thuế nhập khẩu.
Trong khi đó, báo cáo từ Goldman Sachs cho thấy thiệt hại do trốn thuế do các doanh nghiệp không muốn chịu mức thuế mới lên tới 110 - 130 tỷ USD trong năm 2023. Hành vi khai thấp giá trị và ghi sai mã hàng hóa chiếm khoảng 80 tỷ USD, phần còn lại là do thay đổi xuất xứ – đưa hàng qua nước thứ 3 để né thuế.
Tổng thuế nhập khẩu mà Hải quan Mỹ thu được trong năm tài khóa 2023 chỉ là 92,3 tỷ USD – thấp hơn giá trị gian lận ước tính.
Tham khảo CNBC
Nhịp sống thị trường