Tôi đã thử uống nước tía tô khi bị Covid-19 và đây là điều bất ngờ xảy ra sau 3 ngày
Tôi từng bị Covid-19 khi mang bầu lần 2, cứ thế cắn răng chịu đựng, không dám uống gì. Đây là lần đầu tiên tôi thử uống nước tía tô khi bị Covid-19...
- 28-05-2025Việt Nam có 2 loại “nước trường thọ”, giá rẻ bèo nhưng bổ ngang nhân sâm, tổ yến: Người mắc Covid-19 nên bổ sung để tăng miễn dịch, phục hồi nhanh
- 28-05-2025Covid-19 có lây được qua khẩu trang, quần áo không? Câu trả lời của chuyên gia gây bất ngờ
- 27-05-2025Nhiều trẻ ở Hà Nội nhập viện vì COVID-19
Khi dịch Covid-19 âm thầm quay trở lại, tôi - cũng như nhiều người - bất ngờ trở thành "F0 bất đắc dĩ". Trong lúc cơ thể uể oải, tinh thần hoang mang, tôi tìm đến những mẹo dân gian được chia sẻ rầm rộ trên mạng, trong đó có một cái tên quen thuộc: Lá tía tô.
Bất ngờ lên vạch đỏ và hành trình tìm lại hơi thở dễ dàng
Tôi không nghĩ mình sẽ "dính" Covid-19 lần nữa, nhất là sau bao đợt dịch đã qua. Nhưng rồi, một sáng tỉnh dậy với cổ họng rát buốt và cái đầu ong ong, tôi thử test cho chắc. Chiếc que hiện vạch đỏ chót không chút nể nang.

Không hoảng loạn, nhưng thú thật tôi cũng chẳng bình tĩnh nổi. Lục lại trí nhớ, tôi nhớ đến những chia sẻ từng đọc trong group cư dân khu phố - nơi mà chị hàng xóm từng nói "đun nước tía tô uống vào, đỡ lắm đấy em ạ!". Đó là khi tôi đang có bầu. Sợ ảnh hưởng đến con, tôi không dám uống cái gì, cắn răng chịu đựng và có trải nghiệm sợ đến già.
Còn bây giờ, con tôi đã gần 3 tuổi. Vậy là lần thứ 2 bị Covid-19, tôi tự nhủ: "Thử uống lá tía tô xem sao!".
Nồi nước tía tô ấm nóng - mùi thơm gợi nhớ những ngày cảm cúm tuổi thơ
Tôi nhờ chồng ra chợ, tìm mua mớ lá tía tô tím đậm, rửa sạch rồi đun với nước, đơn giản như những gì mẹ từng làm khi tôi còn bé. Mùi lá tỏa ra thơm nhẹ, ấm nồng, mang lại cảm giác dễ chịu lạ thường.
Mỗi ngày, tôi uống 2 ly nước tía tô ấm vào sáng và tối. Kèm theo đó là ngủ đủ giấc, ăn cháo tía tô (tiện thể tận dụng luôn), bổ sung viên vitamin C, kẽm và uống thuốc hạ sốt khi cần. Sau 3 ngày, cơ thể tôi dần hồi phục. Sốt giảm, họng đỡ đau, tôi thở dễ hơn và tinh thần cũng bớt mệt mỏi.

Tía tô có thực sự "thần kỳ"?
Tôi không dám khẳng định nước tía tô đã giúp mình "đánh bay" Covid-19, nhưng rõ ràng nó giúp tôi thấy nhẹ nhõm hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, sau đó tôi đã hỏi ý kiến bác sĩ để hiểu rõ hơn vì không muốn chia sẻ thứ gì đó sai lệch.
BS Đông y Nguyễn Hữu Trường (TP.HCM) chia sẻ, lá tía tô là vị thuốc trong Đông y, có tính ấm, giúp giải cảm, hạ sốt, giảm ho và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh: "Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy lá tía tô có thể chữa khỏi Covid-19. Việc dùng tía tô có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng nhưng không nên coi đó là phương pháp điều trị".
Còn theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong tinh dầu lá tía tô có chứa perillaldehyde - một hoạt chất có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, có thể hỗ trợ miễn dịch cho người đang bị nhiễm virus.
Vậy nên, uống nước tía tô khi bị Covid-19 là tốt, nhưng cần nhớ những điều này
Từ trải nghiệm cá nhân và cả những lời khuyên từ chuyên gia, tôi đúc kết vài điều mà bất kỳ ai đang cân nhắc dùng nước tía tô khi bị Covid-19 nên lưu ý:

- Uống vừa đủ thôi nhé: Tía tô tính ấm, uống nhiều quá dễ gây nóng trong, khô miệng. Người lớn chỉ nên uống 1-2 ly/ngày, trong 3-5 ngày.
- Không được thay thế thuốc: Nước tía tô chỉ hỗ trợ, còn có phải dùng thuốc không, dùng thế nào thì phải có hướng dẫn từ bác sĩ.
- Nếu có bệnh nền, nên hỏi bác sĩ: Người bị cao huyết áp, tiểu đường, mẹ bầu… đừng tự ý dùng, tránh rủi ro.
- Dị ứng thì dừng ngay: Có người cơ địa không hợp, uống vào nổi mẩn ngứa, buồn nôn… thì nên dừng lại ngay.
Chọn tía tô sạch, rõ nguồn gốc: Lá phun chất kích thích, lá ôi hỏng… có thể "lợi bất cập hại".
Có thể với ai đó, việc uống nước tía tô chỉ là thói quen cũ kỹ. Nhưng với tôi, một F0 đơn độc trong căn phòng cách ly vài ngày, đó là món quà ấm áp, dễ chịu và quan trọng nhất: Giúp tôi thấy mình đang chăm sóc bản thân một cách tử tế.
Và nếu bạn đang là F0, hay đơn giản là người đang lo lắng trước dịch Covid-19 quay lại, hãy nhớ rằng: Tía tô tốt, nhưng không thần thánh. Hãy hiểu rõ mình đang dùng gì, vì sao dùng và luôn nghe theo lời khuyên từ bác sĩ nhé!
(Ảnh minh họa: Internet)
Phụ nữ số