Tịch thu 3 bất động sản hạng sang và phát hiện 7.300 tỷ đồng trong tài khoản của nhóm nhân viên 1 công ty tài chính

9 nhân viên của công ty này đã bị cảnh sát bắt giữ và tịch thu hàng loạt tài sản giá trị sau khi vụ lừa đảo bị vỡ lở.
Cách đây 5 năm, một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất tại Thâm Quyến (Trung Quốc) đã bị phơi bày. Theo đó, nhiều hoạt động sai phạm nghiêm trọng tại Công ty China Gold Rich, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản và đầu tư tài chính, đã bị “vỡ lở”.
Theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc và các cơ quan điều tra, 9 nhân viên chủ chốt của công ty đã bị cảnh sát bắt giữ vì bị nghi ngờ có hành vi chiếm đoạt trái phép tiền của nhà đầu tư, lừa đảo thông qua các sản phẩm quản lý tài chính không rõ ràng, sai giấy phép hoặc thậm chí không được cơ quan chức năng phê chuẩn.
Trong khoảng thời gian trước khi vụ việc bị phát giác, công ty này đã huy động trên 2 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 7.300 tỷ đồng) từ các nhà đầu tư. Các nạn nhân chủ yếu là các hộ gia đình trung lưu và người về hưu mong muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với các kênh tiết kiệm truyền thống.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát Trung Quốc đã thu giữ ba bất động sản hạng sang, một xe hơi cao cấp và đóng băng hơn 30 tài khoản ngân hàng có liên quan đến hoạt động huy động vốn và luân chuyển tiền bất minh của China Gold Rich. Các tài khoản bị đóng băng được cho là chứa nhiều khoản tiền lớn, được chia nhỏ và phân tán tại các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc để tránh sự chú ý từ cơ quan giám sát tài chính.
Điều đáng nói là China Gold Rich đã từng hoạt động dưới hình thức hợp pháp, được đăng ký tại Thâm Quyến và quảng bá rầm rộ thông qua các nền tảng trực tuyến, các hội thảo tài chính và chương trình "lợi nhuận cố định" để thu hút người dân đầu tư.
Tuy nhiên, theo điều tra, công ty này không có giấy phép đầy đủ để triển khai các sản phẩm đầu tư tài chính có tính chất cam kết lợi nhuận và phần lớn dòng tiền huy động được sử dụng vào mục đích trả lãi cho nhà đầu tư cũ - dấu hiệu của mô hình đa cấp.
Vụ việc đã làm rúng động thị trường tài chính bán lẻ Trung Quốc, nơi hàng loạt công ty "tài chính quản lý tài sản tư nhân" đã mọc lên và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về rủi ro tài chính.
Hơn 3.000 nhà đầu tư được cho là đã rót tiền vào China Gold Rich trước khi vụ việc bị vỡ lở, nhiều người trong số đó hiện vẫn chưa thể thu hồi được vốn đầu tư.
Chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), sau vụ việc này đã đẩy mạnh các chiến dịch thanh tra và kiểm soát doanh nghiệp tài chính phi ngân hàng, đồng thời cảnh báo người dân về việc tham gia các sản phẩm đầu tư "lãi cao không rủi ro” - thường là chiêu trò dẫn dụ trong các vụ lừa đảo tài chính.
Theo Yicai Global
Đời sống pháp luật
CÙNG CHUYÊN MỤC
