MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao shipper lừa đảo đọc được đúng tên, địa chỉ, món hàng mà bạn đang mua: Công an Hà Nội ra cảnh báo

28-05-2025 - 21:45 PM | Sống

CATP Hà Nội đã tiếp nhận nhiều trường hợp đối tượng giả mạo shipper gọi điện yêu cầu người dân chuyển khoản tiền cọc để giao hàng hoặc thông báo trúng thưởng không có thật

Thời gian qua, nhiều người dân chia sẻ khi vừa đặt mua hàng trên mạng thì chỉ vài giờ sau đã có người gọi điện tự xưng là “shipper” đọc đúng tên, địa chỉ, món hàng và số tiền, yêu cầu chuyển khoản trước một phần tiền hàng vì lý do đơn hàng cần xác nhận.

Thực tế, CATP Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết một số vụ việc các đối tượng giả mạo shipper gọi điện yêu cầu người dân chuyển khoản tiền cọc để giao hàng hoặc thông báo trúng thưởng không có thật dựa trên thông tin đơn hàng bị lộ.

Tại sao shipper lừa đảo đọc được đúng tên, địa chỉ, món hàng mà bạn đang mua: Công an Hà Nội ra cảnh báo- Ảnh 1.

Cảnh báo nguy cơ lộ lọt thông tin đơn hàng khi mua sắm trực tuyến

Không chỉ dừng lại ở các vụ lừa đảo, thông tin đơn hàng bị lộ còn có thể được sử dụng cho các mục đích phức tạp hơn như phân tích hành vi tiêu dùng trái phép, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gửi thư rác, tin nhắn quảng cáo không mong muốn, hoặc nghiêm trọng hơn là tạo cơ sở dữ liệu cho các cuộc tấn công lừa đảo có chủ đích (phishing) đánh cắp các thông tin từ tài khoản ngân hàng, mạng xã hội của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Việc lộ lọt thông tin có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là việc thực hiện chưa đúng các biện pháp bảo mật an ninh an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội khuyến cáo một số nội dung phòng, tránh tình trạng lộ lọt thông tin đơn hàng như sau. 

1. Đối với các sàn TMĐT và đối tác:

- Tăng cường bảo mật hệ thống: Thường xuyên rà soát, vá các lỗ hổng bảo mật, mã hóa dữ liệu khách hàng, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm liên quan đến đơn hàng.

- Siết chặt quản lý đối tác: Yêu cầu các đối tác bán hàng và đơn vị vận chuyển tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật thông tin khách hàng. Có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Nâng cao nhận thức cho nhân viên: Đào tạo và phổ biến quy định bảo mật thông tin cho toàn bộ nhân viên, đặc biệt là đội ngũ giao hàng.

- Minh bạch hóa chính sách: Công khai, rõ ràng các chính sách thu thập, sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng.

- Hỗ trợ khách hàng: Xây dựng kênh tiếp nhận và xử lý nhanh chóng các phản ánh của khách hàng về việc lộ lọt thông tin.

2. Đối với người tiêu dùng:

- Cẩn trọng khi nhận hàng: Luôn kiểm tra kỹ thông tin người giao, đối chiếu với thông tin đơn hàng trên ứng dụng. Không vội vàng thanh toán hay cung cấp thông tin cá nhân nếu có nghi ngờ. Liên hệ trực tiếp với người bán hoặc tổng đài của sàn TMĐT để xác minh.

- Bảo mật tài khoản: Sử dụng mật khẩu mạnh, phức tạp và khác nhau cho các tài khoản mua sắm. Kích hoạt các biện pháp xác thực hai yếu tố.

- Hạn chế chia sẻ công khai: Không chia sẻ hình ảnh, thông tin chi tiết đơn hàng lên mạng xã hội.

- Xử lý bao bì cẩn thận: Xé nhỏ hoặc làm mờ thông tin cá nhân trên gói hàng trước khi vứt bỏ.

- Cập nhật thông tin: Theo dõi các cảnh báo từ cơ quan chức năng và các chuyên gia an ninh mạng về các hình thức lừa đảo mới.

- Thông báo khi có sự cố: Nếu nghi ngờ thông tin cá nhân bị lộ hoặc bị lừa đảo, cần nhanh chóng thông báo cho sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển và trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ.

(Theo Cổng TTĐT Công an TP. Hà Nội)


Đinh Anh

Đời sống pháp luật

Trở lên trên