Chi 80 triệu mua vòng vàng, đến lúc cần bán mới phát hiện là vàng giả: Cửa tiệm thẳng thừng tuyên bố “Chúng tôi không chịu trách nhiệm”
Người phụ nữ ngỡ ngàng vì chiếc vòng yêu thích là đồ giả.
- 13-05-2025Vòng vàng chảy chất lỏng lạ và mất luôn 1.7 gram, chủ cửa hàng đáp trả bằng 1 câu khiến ai cũng phẫn nộ
- 12-05-2025Mang vòng vàng đi bán thấy nó rỉ nước, khi cân lại giảm gần nửa chỉ
- 24-03-2025Người phụ nữ Trung Quốc chi 60 triệu mua vòng vàng, 2 năm sau phát hiện là đồ giả, chủ cửa hàng: Hãy thử kiện chúng tôi đi!
Sự việc xảy ra tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Một người phụ nữ họ Trương, khoảng 40 tuổi, đã đến một trung tâm thương mại lớn để mua một chiếc vòng tay vàng. Cửa hàng được đặt tại vị trí mặt tiền đẹp, nhân viên ăn mặc chỉnh tề, sản phẩm được trưng bày trong tủ kính sang trọng. Tất cả đều khiến người ta yên tâm.
Bà Trương chọn một chiếc vòng vàng có thiết kế cầu kỳ, nặng tay, sáng bóng với giá niêm yết gần 24.000 nhân dân tệ (~ 80 triệu đồng). Trên sản phẩm có gắn tem nhỏ ghi rõ “Au999” – ký hiệu cho hàm lượng vàng 99,9% – tức vàng 24K. Cùng với đó là hóa đơn mua bán, giấy kiểm định, bao bì đóng gói chuyên nghiệp. Không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một sản phẩm có vấn đề.
Sau khi thanh toán, bà mang món đồ về và cất giữ cẩn thận trong tủ kính. Vì được xem là “của để dành”, chiếc vòng chưa từng được đeo ra ngoài. Đến đầu tháng 5 năm nay, khi thấy giá vàng đang tăng mạnh, bà Trương nảy sinh ý định đem chiếc vòng đi bán lại để kiếm chút lời.
Bà Trương đem vòng vàng đến một tiệm vàng khác để kiểm tra giá. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút dùng máy kiểm tra quang phổ, nhân viên tiệm đã đưa ra kết luận: "Chiếc vòng không đạt chuẩn vàng 999 như giấy chứng nhận. Chúng tôi không thể thu mua."

Ảnh minh hoạ
Không tin vào tai mình, bà Trương yêu cầu kiểm tra lại. Kết quả vẫn như cũ. Chiếc vòng chỉ được mạ vàng ở lớp ngoài, bên trong là hợp kim có tỷ trọng thấp, không có giá trị tương đương vàng thật. Tỷ lệ vàng ước tính chỉ vào khoảng 30% – 35%. Nói cách khác, chiếc vòng mà bà từng tin là "vàng ròng" thực chất là một sản phẩm vàng giả đội lốt vàng thật.
Vô cùng hoang mang, bà Trương lập tức quay lại cửa hàng nơi đã mua chiếc vòng. Nhưng thứ bà nhận được không phải là lời xin lỗi, mà là sự phủi trách nhiệm.
“Quá hạn khiếu nại, chúng tôi không chịu trách nhiệm”
Cửa hàng bán ra chiếc vòng đã từ chối giải quyết. Đại diện cửa hàng cho rằng sản phẩm đã được mua từ hơn một năm trước, thời gian bảo hành đã hết. Hơn nữa, tại thời điểm bán, khách hàng đã ký xác nhận nhận hàng đầy đủ, không có khiếu nại nào được ghi nhận.
Khi bà Trương yêu cầu được kiểm định lại tại chỗ, cửa hàng từ chối với lý do: “Khách hàng có thể đã làm hỏng, đánh tráo sản phẩm, hoặc bảo quản không đúng cách.” Đáng nói hơn, họ còn thách thức: “Nếu nghi ngờ gian lận, có thể báo công an. Chúng tôi không có nghĩa vụ bồi thường.”
Bị đẩy vào thế không lối thoát, bà Trương chỉ biết ôm chiếc vòng ra về, vừa tức giận, vừa bất lực.

Ảnh minh hoạ
Câu chuyện của bà Trương ngay lập tức được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, thu hút hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn bình luận. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ trước cách hành xử vô trách nhiệm của cửa hàng, dù đó là nơi kinh doanh ở vị trí trung tâm, có vẻ ngoài chuyên nghiệp.
Một số khác cảnh báo rằng: Trong bối cảnh thị trường vàng liên tục biến động, nhu cầu tích trữ và mua sắm vàng tăng cao, thì cũng là lúc những kẽ hở về niềm tin dễ bị khai thác nhất. Rất nhiều người mua vàng với tâm lý "phòng thân", nhưng lại không thực sự hiểu cách nhận biết chất lượng vàng, hoặc kiểm tra các thông số kỹ thuật cơ bản.
Thực tế cho thấy, công nghệ chế tác vàng giả ngày càng tinh vi. Chỉ cần một lớp mạ vàng thật ở bên ngoài, sản phẩm có thể qua mặt nhiều loại máy đo đơn giản. Người tiêu dùng nếu không có kiến thức cơ bản và không yêu cầu kiểm định kỹ lưỡng, thì rất dễ rơi vào bẫy.
Chiếc vòng tay trị giá 24.000 NDT mà bà Trương từng nâng niu như một tài sản an toàn giờ chỉ còn là vật trang trí không hơn không kém. Trong khi đó, người bán thì phủi sạch trách nhiệm, không ai đứng ra giải quyết, không ai đền bù.
Đây không chỉ là tổn thất tài chính, mà còn là vết thương lớn về niềm tin. Niềm tin rằng mình đã chọn nơi uy tín, rằng đã làm đúng tất cả các bước: kiểm tra, lấy hóa đơn, cất giữ cẩn thận. Nhưng hóa ra, đôi khi chính sự tin tưởng tưởng như đúng đắn lại trở thành cái bẫy.
Câu chuyện này là hồi chuông cảnh tỉnh với tất cả những ai đang đổ tiền vào vàng với hy vọng "giữ của an toàn". Không phải lúc nào vàng cũng là nơi trú ẩn tuyệt đối. Sự an toàn thật sự chỉ đến khi người tiêu dùng tỉnh táo, hiểu rõ giá trị và rủi ro, đồng thời sẵn sàng đặt câu hỏi, hoài nghi và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.
Theo Toutiao
Đời sống & pháp luật
CÙNG CHUYÊN MỤC
