Bật điều hòa ngủ trong phòng kín 'gây rụng tóc, mệt mỏi'? Chuyên gia lý giải, chỉ ra 4 điều cần làm
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin ngủ trong phòng kín, bật điều hoà qua đêm "là nguyên nhân của rụng tóc, mệt mỏi". Thực hư chuyện này thế nào?
- 16-05-2025Bỗng dưng nhận thông báo nợ 3,2 tỷ đồng từ số điện thoại 0964.669.399, người phụ nữ Hải Dương lập tức đến thẳng công an phường
- 16-05-2025Có 1,4 tỷ đồng bồi thường, người phụ nữ mang đi gửi tiết kiệm, 5 năm sau đến rút thì được thông báo: Không có quyền nhận số tiền này
- 16-05-2025Người phụ nữ nhận được 360 triệu đồng tiền chuyển khoản nhầm, ngân hàng khẳng định: Người gửi giấu danh tính, nên không cần trả lại?
Thông tin này thu hút sự chú ý của rất nhiều người vì việc sử dụng điều hoà hiện nay là rất phổ biến trong xã hội hiện đại.
Theo bài viết, nguyên nhân gây ra rụng tóc mệt mỏi "là do nồng độ CO₂ cao từ việc bật điều hòa ngủ qua đêm trong phòng kín".
Liên quan vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) - cho biết nguồn phát thải CO₂ chính trong phòng ngủ là hơi thở của con người. Trung bình, một người trưởng thành thải ra khoảng 120–160 lít CO₂ sau 8 giờ ngủ. Trong phòng 20m², nếu không có hệ thống thông gió, nồng độ CO₂ sẽ tăng nhanh – nhất là khi có từ hai người trở lên trong phòng.
Điều hòa dân dụng (loại hai cục) thường không cấp gió tươi từ bên ngoài mà chỉ làm mát không khí tuần hoàn trong phòng. Do đó, dù nhiệt độ được điều chỉnh, CO₂ không được loại bỏ, dẫn đến sự tích tụ liên tục suốt đêm. Việc đóng kín cửa để tiết kiệm điện càng làm giảm khả năng trao đổi không khí.
“Chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy CO₂ gây rụng tóc. Tuy nhiên, yếu tố gián tiếp như stress, mất ngủ và ô nhiễm không khí trong môi trường thông gió kém có thể ảnh hưởng đến sức khỏe da đầu và tóc”, bác sĩ Huy Hoàng nói.

Ảnh do AI khởi tạo.
Theo khuyến nghị của WHO, EPA và Hiệp hội Kỹ sư Nhiệt lạnh và Điều hòa Hoa Kỳ (ASHRAE), mức CO₂ trong nhà nên dưới 1000 ppm để đảm bảo chất lượng không khí tốt. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật Đan Mạch (DTU) và các nhóm tại Singapore cho thấy trong phòng ngủ kín có điều hòa, nồng độ CO₂ thường đạt từ 1500 đến 1900 ppm, thậm chí cao hơn nếu phòng nhỏ hoặc nhiều người.
- Nếu mức độ CO₂ (ppm) dưới < 1000: Không ảnh hưởng đến giấc ngủ;
- Mức độ CO₂ (ppm) 1000 – 2000: Cảm giác ngột ngạt, buồn ngủ, đau đầu nhẹ, giảm chất lượng giấc ngủ;
- Mức độ CO₂ (ppm) 2000 – 5000: Mệt mỏi, đau đầu, giảm nhận thức, ảnh hưởng hiệu suất làm việc;
- Mức độ CO₂ (ppm) > 5000: Có nguy cơ gây ngạt, chóng mặt, buồn nôn.
Theo bác sĩ Huy Hoàng, CO₂ trên 1000 ppm làm gián đoạn giấc ngủ, giảm độ sâu và gây mệt mỏi sau khi thức dậy. Về lâu dài, giấc ngủ kém có thể dẫn đến mất ngủ mãn tính, đặc biệt ở người già và người có bệnh lý nền.
CO₂ cao làm giảm hiệu suất tư duy và khả năng tập trung. Một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley (Hoa Kỳ) cho thấy mức CO₂ 1000–2500 ppm ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định chiến lược và nhận thức.
Ngoài ra, không khí tù đọng, ngột ngạt kích hoạt phản ứng stress sinh lý. Đồng thời, ngủ không sâu do CO₂ cao làm giảm khả năng phục hồi tâm lý.
Cải thiện chất lượng không khí khi ngủ điều hòa
Bác sĩ Huy Hoàng cho biết để cải thiệc chất lượng không khí khi ngủ điều hoà cần lưu ý những điểm sau:
- Thông gió đúng cách: Bằng cách mở hé cửa sổ 5–10 cm tạo luồng khí lưu thông; Lắp quạt hút, điều hòa có cấp gió tươi hoặc hệ thống HRV/ERV (thu hồi nhiệt).
- Sử dụng điều hòa thông minh: Ưu tiên model có chế độ gió tươi hoặc cảm biến CO₂ tự động kích hoạt thông gió. Bảo trì định kỳ bộ lọc và dàn lạnh để tránh nấm mốc, bụi bẩn.
- Theo dõi CO₂ trong phòng: Dùng thiết bị cảm biến NDIR như Aranet4, Temtop đặt gần khu vực ngủ. Nếu CO₂ vượt 1000 ppm, cần thông gió ngay.
- Các biện pháp hỗ trợ: Máy lọc không khí: Giảm bụi mịn và vi khuẩn (không giảm CO₂); Duy trì độ ẩm lý tưởng 40–60% để hỗ trợ hô hấp; Trồng cây xanh: Giúp cải thiện tâm trạng nhưng không có hiệu quả làm giảm CO₂ ban đêm.
Việc ngủ trong phòng kín bật điều hòa không phải là vấn đề nếu biết cách kiểm soát chất lượng không khí. CO₂ tích tụ cao có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây mệt mỏi, căng thẳng và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Tuy nhiên, không cần phải ngưng dùng điều hòa – thay vào đó, nên kết hợp thông gió hợp lý và sử dụng các thiết bị theo dõi để đảm bảo môi trường ngủ lành mạnh, bác sĩ Huy Hoàng nói.
Đời sống pháp luật
CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngành 74 tỷ USD của Việt Nam đang thiếu gần 200.000 lao động
22:28 , 17/05/2025