Loài động vật cực kỳ quý hiếm tưởng sắp tuyệt chủng bất ngờ sinh sản mạnh, cả trăm con xuất hiện: Nhiều người Việt vui mừng
Đây là một loài động vật đặc hữu chỉ có tại khu vực này của Việt Nam, từng được liệt kê trong danh sách 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất toàn cầu.
Loài sinh vật đặc hữu chỉ khu vực này mới có
Nằm trên địa bàn huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, quần đảo Cát Bà được biết đến như một khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Nhờ giá trị đặc biệt về sinh học và môi trường, nơi đây đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004. Đặc biệt, Cát Bà là mái nhà duy nhất của loài linh trưởng quý hiếm, đó là voọc Cát Bà.
Loài voọc Cát Bà là động vật đặc hữu, chỉ phân bố tại quần đảo này và được liệt kê trong danh sách 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất toàn cầu. Voọc Cát Bà có tuổi thọ trung bình từ 25 đến 30 năm. Cá thể cái thường bắt đầu sinh sản khi đạt 5 – 6 tuổi. Sau mỗi lần sinh, cần ít nhất hai năm để chúng có thể tiếp tục chu kỳ sinh sản tiếp theo.

Ảnh: catba.com.vn
Theo các nghiên cứu gần đây do Dự án bảo tồn voọc Cát Bà thực hiện, loài voọc quý hiếm này hiện đang phân bố tại nhiều khu vực thuộc Vườn quốc gia Cát Bà. Đáng chú ý, hai tiểu quần thể có số lượng đông đảo nhất được ghi nhận đang sinh sống tại khu vực Cửa Đông và Giỏ Cùng, những địa bàn có điều kiện sinh thái phù hợp để voọc phát triển ổn định.
Tập tính sống theo bầy đàn của voọc Cát Bà cũng rất đặc trưng. Trong mỗi đàn, chỉ con đực đầu đàn mới có quyền giao phối với các con cái trưởng thành. Các con đực trưởng thành khác nếu muốn sinh sản phải rời đàn để thành lập nhóm mới hoặc thách thức và thay thế vị trí của đực đầu đàn.
Nhiều người vui mừng chứng kiến dấu hiệu tăng trưởng tích cực
Quần thể Voọc Cát Bà đã bị suy giảm mạnh từ những năm 1960. Sự suy giảm ngày càng lớn tỷ lệ với sự gia tăng các khu định cư và gia tăng dân số trên đảo Cát Bà những thập niên tiếp theo. Từ những năm 1970 đến 1986 thì tốc độ suy giảm của Voọc Cát Bà ngày càng tăng.
Từ năm 1999, nhiều đợt khảo sát chuyên sâu đã được triển khai nhằm tìm kiếm và đánh giá tình trạng bảo tồn loài voọc quý này cũng như hiện trạng đa dạng sinh học trên đảo. Kết quả cho thấy quần thể voọc Cát Bà từng bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt vào năm 2003, khi số lượng cá thể chỉ còn khoảng 40.
Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2024, số lượng cá thể voọc đã tăng lên khoảng 90, hơn cả gấp đôi sau hơn hai thập kỷ. Đây là một tín hiệu hết sức tích cực trong công tác bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này.

Ảnh: catba.com.vn
Sự gia tăng số lượng cá thể voọc Cát Bà trong thời gian gần đây đang mang lại niềm vui lớn cho giới khoa học và những người yêu thiên nhiên ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Đây là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực bảo tồn đang phát huy hiệu quả.
Vào tháng 5 năm ngoái, cộng đồng mạng đã xôn xao chia sẻ loạt hình ảnh những cá thể voọc con có bộ lông vàng cam đặc trưng, được mẹ ôm ấp chăm sóc. Theo thông tin từ Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, đó là ba cá thể non mới chào đời trong tháng 4, thuộc tiểu quần thể sinh sống tại khu vực Cửa Đông.
Khi mới chào đời, voọc Cát Bà sở hữu bộ lông vàng cam nổi bật, tạo nên vẻ ngoài bắt mắt và dễ nhận biết. Tuy nhiên, khi trưởng thành, bộ lông của chúng dần chuyển sang màu đen, chỉ còn phần đầu giữ lại màu trắng đặc trưng. Thời điểm sinh sản của loài linh trưởng này thường diễn ra vào giai đoạn trước mùa mưa hàng năm, khoảng thời gian được xem là lý tưởng cho sự phát triển của voọc non.

Ảnh: Huy Cầm
Voọc Cát Bà là loài linh trưởng đặc hữu, chỉ sinh sống tại khu vực này. Tuy nhiên, trong quá khứ, loài này từng đứng bên bờ tuyệt chủng do nạn săn bắn trái phép và môi trường sống bị xâm hại. Trước thực trạng đó, từ năm 2000, vườn thú Leipzig (Đức) cùng một số nhà khoa học quốc tế đã phối hợp triển khai Dự án bảo tồn voọc Cát Bà nhằm bảo vệ và khôi phục quần thể loài quý hiếm này.
Ông Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, chia sẻ rằng lực lượng kiểm lâm của vườn luôn túc trực tuần tra xuyên rừng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến voọc.
Ngoài ra, vườn còn thành lập ba tổ bảo vệ voọc với thành viên chủ yếu là người dân địa phương. Họ làm việc hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, gắn bó với rừng bằng sự yêu thương dành cho loài linh trưởng đặc biệt này. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, không còn ghi nhận trường hợp săn bắt voọc trái phép nào.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, voọc Cát Bà vẫn đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường sống bị thu hẹp và phân tán. Ngoài quần thể chính ở đảo Cát Bà, một số nhóm voọc còn sống rải rác trên các đảo nhỏ khác, dẫn đến tình trạng cô lập quần thể, nguy cơ giao phối cận huyết và làm suy giảm đa dạng di truyền.
(Tổng hợp)
Đời sống pháp luật