Vợ Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp bất động sản đăng ký bán sạch 24% cổ phần công ty

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu bà Thắm muốn sạch cổ phần.
Trong thông báo mới đây, bà Trần Thị Thắm, vợ ông Bùi Văn Phú – Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư PVR Hà Nội (mã: PVR) đăng ký bán toàn bộ gần 12,5 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương ứng 24,0% vốn công ty. Mục đích để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Thời gian thực hiện từ ngày 15/5 tới ngày 13/6, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Nếu thành công, bà Thắm sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu nào tại công ty. Trong khi đó, chồng bà Thắm là Chủ tịch HĐQT PVR đang sở hữu 5,23% công ty, tương đương nắm hơn 2,7 triệu đơn vị.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PVR đang trong diện hạn chế giao dịch do tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Thị giá PVR đứng im ở mức giá 1.100 đồng/cp chốt phiên 14/5 và hầu hết đều không có thanh khoản. Tạm tính theo mức giá này, bà Thắm có thể thu về gần 14 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu bà Thắm muốn sạch cổ phần. Trước đó, từ 15/08-10/09/2024, bà từng đăng ký bán với khối lượng tương tự nhưng không thực hiện được do không có thanh khoản.

Trong thông báo hồi cuối tháng 12/2024, công ty ra quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh năm 2025 (từ 1/1-31/12/2025). Lý do được đưa ra là không có kinh phí để duy trì hoạt động. Công ty cần sắp xếp lại nhân sự và tìm kiếm giải pháp, phương hướng hoạt động kinh doanh mới để vượt qua giai đoạn khó khăn đang gặp phải.
Trước đó, cuối tháng 10/2023, PVR thông báo tài khoản ngân hàng bị phong tỏa do phát sinh vụ kiện tranh chấp với Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã PVX). Vì vậy, doanh nghiệp không đủ kinh phí vận hành. Đến giữa tháng 11/2023, PVR tạm ngừng hoạt động kinh doanh đến ngày 14/11/2024 với lý do cũng để sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.
Do ngừng kinh doanh nên PVR không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trong quý 1/2025. Doanh thu tài chính ghi nhận vỏn vẹn 48 nghìn đồng, trong khi chi phí tài chính gần 322 triệu đồng và chi phí quản lý gần 61 triệu đồng. Kết quả, công ty lỗ ròng gần 383 triệu đồng.
PVR có tổng tài sản hơn 976 tỷ đồng tại ngày 31/3/2025 nhưng tiền mặt tại quỹ chỉ còn vỏn vẹn 92 triệu đồng. Phần lớn tài sản là hàng tồn kho với số dư cuối kỳ 693 tỷ đồng (chiếm 71%), chủ yếu nằm tại dự án Ha Noi Time Tower. Ngoài ra, công ty còn một khoản đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác hơn 231 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, PVR còn khoản người mua trả tiền trước gần 257 tỷ đồng nhận từ năm 2021 phát sinh từ dự án Ha Noi Time Tower. Dự án này còn được biết với tên gọi CT10-11 Văn Phú (Hà Đông) đã chậm tiến độ từ năm 2013 và đến nay vẫn tạm ngừng thi công. Trước đó, PVR đã giao dịch với khách hàng, thu tiền trước bằng hợp đồng mua bán, góp vốn và thỏa thuận đặt cọc.
Theo tìm hiểu, PVR thành lập từ tháng 11/2006, tiền thân là CTCP Dầu khí Tản Viên, một thành viên của PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Công ty đảm nhiệm lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Tính đến cuối quý 1/2025, PVR đang lỗ lũy kế hơn 89 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường