Chuyên gia VPBankS: Thị trường chứng khoán còn dư địa phục hồi, khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng

"Với xu hướng mua ròng đã kéo dài khoảng 4 tuần tại châu Á, tôi kỳ vọng chuỗi mua ròng sẽ được duy trì khi Việt Nam và các quốc gia khác chờ đón câu chuyện đàm phán với Mỹ", vị chuyên gia đưa ra quan điểm.
Ngày 7/5, sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 4,25-4,5%. Mức này đã được duy trì từ cuối năm ngoái.
Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết trong phiên họp, Fed khẳng định kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng rất vững chắc.
Với mức giảm GDP quý 1, Fed nhấn mạnh rằng kết quả này do biến động của xuất khẩu ròng, liên quan đến hoạt động nhập khẩu “chạy thuế”. Chi tiêu nội địa, chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng trưởng tốt, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, thất nghiệp duy trì ở mức 4,2%. Rủi ro suy thoái từ góc nhìn của Fed vẫn rất thấp, kinh tế Mỹ mặc dù có biến động về thuế quan nhưng vẫn ổn.
Trong bài phát biểu sau cuộc họp, ông Jerome Powell bày tỏ lo ngại lạm phát có thể tăng lên trong thời gian tới, phản ánh yếu tố từ chiến tranh thương mại. Theo dự báo của thị trường tương lai, khả năng hạ lãi suất đang tăng cao vào thời điểm tháng 7, tháng 10 và tháng 12.
Chuyên gia VPBankS cũng cho biết thêm, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực sau cuộc họp. Dòng tiền vào những tài sản rủi ro như bitcoin cũng khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang rất vững vàng.
Nhà đầu tư ngoại quay trở lại Đông Nam Á
Thêm vào đó, điều tích cực là NĐT nước ngoài đã quay lại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung trong khoảng 4 tuần nay.
"Trong giai đoạn diễn biến bất ngờ về thuế quan, đồng USD giảm mạnh, lợi suất trái phiếu tăng rất cao, làm cho nhiều NĐT nhận định rằng tài sản bằng đồng USD trở nên kém hấp dẫn", ông Sơn nêu rõ.
Đặc biệt, do NĐT cảm thấy chính sách thương mại của Mỹ rất khó lường, nên để đảm bảo cho tài sản, nhiều người đã giảm bớt tỷ trọng đầu tư tại Mỹ. Đến nay, USD đã giảm khoảng 7,5% so với đầu năm. Ngược lại, tiền tệ tại các quốc gia khác có dấu hiệu phục hồi, trong đó đồng yen Nhật Bản đã đi lên khoảng gần 10% so với đầu năm, won Hàn Quốc, bảng Anh, euro đều tăng rất tốt.
So sánh tương quan giữa S&P 500 và MSCI của châu Âu, Emerging Market (thị trường mới nổi), sau tháng 4, S&P 500 vận động rất kém, vẫn còn âm gần 4% so với đầu năm. Nhưng thị trường mới nổi và cận biên cũng như MSCI châu Âu đã phục hồi rất nhanh chóng, tăng hơn 5% so với đầu năm. Điều này cho thấy dòng tiền đã trở lại những thị trường trên.
Theo thống kê trong 2 phiên gần nhất, khối ngoại trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, sau tuần mua ròng tích cực trước đó.
"Tín hiệu tại khu vực đang tạo ra động lực tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Với xu hướng mua ròng đã kéo dài khoảng 4 tuần tại châu Á, tôi kỳ vọng chuỗi mua ròng sẽ được duy trì khi Việt Nam và các quốc gia khác chờ đón câu chuyện đàm phán với Mỹ", vị chuyên gia đưa ra quan điểm.
Vừa qua, Anh đã có kết quả đàm phán sơ bộ khá tích cực. Trung Quốc và Mỹ cũng đã đàm phán, mặc dù chưa có thông tin chi tiết, nhưng câu chuyện đàm phán sẽ giúp hai bên giảm bớt thiệt hại do chính sách thuế quan. Ông Trần Hoàng sơn cũng kỳ vọng kết quả đàm phán Việt Nam sẽ tích cực, đem lại động lực cho thị trường.
Thị trường sẽ tiếp tục phục hồi
Từ nay đến tháng 6, chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục trong pha phục hồi.
Về chiến lược, NĐT cần cân nhắc đóng vị thế đối với những mã đang lỗ nặng và không có điểm cắt lỗ cũng như tái cấu trúc toàn bộ danh mục. NĐT nên đưa ra mục tiêu, mục đích đầu tư rõ ràng.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng thuế quan, nhiều cổ phiếu bị giảm rất mạnh, do đó, NĐT nên hạn chế kỳ vọng và lựa chọn thời điểm phù hợp để đóng vị thế.
Tóm lại, vị chuyên gia khuyến nghị NĐT nên đầu tư tập trung, chọn những ngành nghề có thể theo dõi hoặc hiểu rõ, đồng thời, cần có khẩu vị rủi ro và định hướng rõ ràng.
Nhịp sống thị trường