MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vợ chồng dự chi 153 triệu/tháng, sốc nhất tiền ăn 1 triệu/ngày: Họ ăn gì mà đắt dữ vậy?

19-05-2025 - 19:22 PM | Lifestyle

Vợ chồng dự chi 153 triệu/tháng, sốc nhất tiền ăn 1 triệu/ngày: Họ ăn gì mà đắt dữ vậy?

Mức chi tiêu của gia đình này vượt sức tưởng tượng của nhiều người.

Mới đây, một thành viên trong nhóm kín về quản lý chi tiêu gia đình đã chia sẻ bản dự toán tài chính trước khi lập gia đình. Người viết - một bạn trẻ 26 tuổi đã chủ động liệt kê toàn bộ kế hoạch chi tiêu gia đình mình (dự kiến có 3 người) sau khi lập gia đình. Tổng số tiền lên tới 153 triệu/tháng, trong đó "choáng" nhất là khoản ăn uống lên đến 1 triệu đồng mỗi ngày.

Cụ thể, bảng chi tiêu được liệt kê như sau:

- Phí quản lý tòa nhà: 16.000đ/m² x 140m² = 2,5 triệu đồng.

- Điện nước, sinh hoạt chung: 4 triệu đồng/tháng.

- Ăn uống (3 người): 1 triệu/ngày x 30 ngày = 30 triệu đồng.

- Học phí 1 bé: 300 triệu/năm, trung bình 35 triệu đồng/tháng.

- Tiền nuôi ô tô: 2 xe x 6 triệu đồng = 12 triệu/tháng

- Chi tiêu cá nhân 2 vợ chồng: 30 triệu/người = 60 triệu đồng/tháng.

Dù người đăng bài chỉ đơn thuần muốn xin góp ý để tính toán tốt hơn cho tương lai, nhưng nhiều dân mạng đã bày tỏ cảm xúc trước bảng chi tiêu này. Rất nhanh chóng, bài viết đã nhận được nhiều quan tâm với hàng loạt bình luận từ bối rối đến… tự ti:

- "Học phí 35 triệu, chi tiêu 60 triệu, tiền nuôi xe còn cao hơn lương mình nữa..."

- "Ăn gì mà hết 1 triệu/ngày vậy trời? Tôm hùm 3 bữa?"

- "Đây chắc là chi tiêu của nhà đại gia, mình xin vía thôi chứ không dám góp ý gì luôn."

- "153 triệu/tháng là hơn 1.8 tỷ/năm. Mình đi làm 10 năm mới cày được chừng ấy!".

Vợ chồng dự chi 153 triệu/tháng, sốc nhất tiền ăn 1 triệu/ngày: Họ ăn gì mà đắt dữ vậy?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ở phần bình luận, có thể thấy rõ hai luồng ý kiến nổi bật. Một bên ngỡ ngàng vì mức chi tiêu cao đến mức "vượt tầm tưởng tượng", bên còn lại lại... rất bình tĩnh vì cho rằng đây là điều hoàn toàn bình thường nếu thu nhập đủ mạnh:

- "Chắc chắn người ta đã có nền tảng tài chính tốt rồi. Thu nhập cao thì chi tiêu cao cũng hợp lý."

- "Chi cho 2 vợ chồng 60 triệu là tương đương với 30 triệu/người. Mình nghĩ mức sống đó không quá xa lạ với nhiều cặp đôi làm nghề tốt, vị trí cao."

- "Mình đang sống kiểu chỉ 200k/ngày, nhìn bài này chỉ biết cười nhẹ thôi."

Chi tiêu bao nhiêu không quan trọng bằng cách bạn quản lý tài chính

Giữa những tranh luận về mức chi tiêu cao – thấp, có một sự thật không thể phủ nhận: sống ở thành phố lớn đắt đỏ đòi hỏi bạn phải có tư duy tài chính rõ ràng. Không quan trọng bạn chi 10 triệu hay 100 triệu mỗi tháng – điều quan trọng là bạn có biết mình đang tiêu gì, tiêu vì sao và tiêu để làm gì.

Dưới đây là 3 nguyên tắc quản lý tài chính gia đình mà bất kỳ ai kể cả người tiêu 153 triệu/tháng cũng nên áp dụng:

1. Lập bảng chi tiêu - càng cụ thể, càng tốt

Bạn trẻ trong bài viết trên dù gây "sốc" với mức chi tiêu, nhưng lại nhận được nhiều lời khen vì tư duy rõ ràng và minh bạch. Bạn ấy đã tính toán chi tiết đến từng hạng mục, thậm chí còn chia trung bình chi phí học cho con theo từng tháng.

Đây chính là kỹ năng quan trọng trong quản lý tài chính: biết mình đang chi tiêu cho những gì, và mỗi khoản ấy có ý nghĩa gì.

Nếu chưa quen, bạn có thể bắt đầu bằng cách ghi chép từng khoản trong 1 tháng. Sau đó, phân loại thành các nhóm:

- Nhóm thiết yếu (ăn uống, thuê nhà, điện nước)

- Nhóm mong muốn (mua sắm, ăn ngoài, du lịch)

- Nhóm tích lũy - đầu tư (gửi tiết kiệm, quỹ học cho con, quỹ hưu trí)

Việc ghi chép không giúp bạn tiêu ít hơn ngay lập tức, nhưng nó giúp bạn ý thức được hành vi tài chính của chính mình - điều rất nhiều người đang thiếu.

Vợ chồng dự chi 153 triệu/tháng, sốc nhất tiền ăn 1 triệu/ngày: Họ ăn gì mà đắt dữ vậy?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

2. Ưu tiên quỹ dự phòng - trước cả đầu tư

Một nguyên tắc quan trọng của quản lý tài chính là: trước khi nghĩ đến tăng tiền, hãy đảm bảo mình không dễ bị mất trắng.

Quỹ dự phòng chính là "tấm lưới an toàn" giúp bạn không bị rơi vào khủng hoảng nếu có biến cố: mất việc, tai nạn, bệnh tật, con cái ốm đau... Đối với một gia đình sống ở thành thị, bạn nên có ít nhất 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt được để riêng - không tiêu vào, không đầu tư mạo hiểm.

Với những người thu nhập cao (trên 50 triệu/tháng), quỹ dự phòng cần tương ứng lớn hơn. Điều này không chỉ đảm bảo đủ tiền mặt, mà còn cần có sự phân bổ khôn ngoan (gửi ngân hàng, trái phiếu, vàng vật chất...).

3. Thu nhập cao không đồng nghĩa với tài chính vững vàng

Bài học lớn nhất từ bảng chi tiêu 153 triệu đồng/tháng là: nếu không kiểm soát tốt, thu nhập càng cao thì nguy cơ "vỡ trận" càng lớn.

Nhiều người rơi vào tình trạng "Lifestyle Inflation", tức càng kiếm được nhiều thì càng chi tiêu nhiều, nâng cấp phong cách sống theo tốc độ thu nhập. Cho đến một ngày thu nhập đột ngột giảm (do mất việc, bệnh tật, thay đổi thị trường), họ mới nhận ra mình không có bất kỳ khoản dự phòng hay đầu tư nào đủ sức chống đỡ.

Để tránh rơi vào cái bẫy này, hãy luôn giữ cho mình một tỷ lệ tích lũy ổn định, tương đương ít nhất nhất 20–30% thu nhập hằng tháng, và không chi quá 50% cho các khoản "thiết yếu".



Theo Nguyệt

Thanh niên Việt

Trở lên trên