Chinh phục 6 giải marathon danh giá nhất hành tinh chỉ trong 19 tháng, CEO startup dịch vụ hỗ trợ TMĐT số 1 Việt Nam kể chuyện từng leo 100 tầng lầu để đổi lấy bài học triệu đô

Từ bài học xương máu trên đường chạy đến thương vụ M&A mua lại công ty TMĐT Thái Lan giúp OnPoint mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, CEO Trần Vũ Quang cho biết chạy bộ đã thay đổi hoàn toàn tư duy lãnh đạo và triết lý kinh doanh của anh.
- 18-05-2025Tống Đông Khuê, CEO - tay chơi siêu xe khét tiếng là ai?
- 15-05-2025“Buồn” của người giàu: Phải chi tiền để "mua" sự yên tĩnh, nhiều CEO và lãnh đạo cũng tìm đến
- 26-04-2025Nữ CEO 9X vượt mặt Taylor Swift trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới: Khi sự "khác biệt" tạo nên kì tích
Cuối năm 2018, từ một lời rủ rê của Giám đốc nhân sự, CEO OnPoint (startup dịch vụ hỗ trợ TMĐT số 1 Việt Nam) Trần Vũ Quang quyết định thử sức với một thử thách hoàn toàn mới, không liên quan đến công việc: Chạy bộ. Khi ấy, anh đăng ký chạy 10km tại giải Techcombank Marathon dù chưa từng nghiêm túc chạy bộ từ sau đại học. Với đôi giày mới và ứng dụng Nike Run cài trên điện thoại, CEO OnPoint bắt đầu từ những buổi chạy ngắn rồi hoàn thành đường đua đầu tiên trong 85 phút – một cột mốc rất… khiêm tốn nhưng chính thức mở ra hành trình thay đổi cả thể chất lẫn tư duy lãnh đạo sau này.
Từ những đường chạy trong nước, sau 6 năm, doanh nhân này vừa chính thức hoàn thành cả 6 giải World Marathon Majors danh giá nhất hành tinh. Một thành tích không chỉ đòi hỏi sức bền, kỷ luật, mà còn là khả năng cân bằng giữa hai “đường đua” song song: Điều hành doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và duy trì phong độ thể chất đỉnh cao.
Trở về từ Boston Marathon – chặng đua cuối cùng trong hệ thống 6 giải Majors, CEO Trần Vũ Quang kể cho chúng tôi nghe về hành trình trở thành 1 trong 10 người Việt Nam đầu tiên được trao chiếc huy chương tuyết 6 cánh (Six Star Medal).

Là Founder/CEO của startup dịch vụ hỗ trợ TMĐT số 1 Việt Nam, công việc rất bận rộn, điều gì đã thôi thúc anh đặt mục tiêu chinh phục cả 6 giải World Marathon Majors danh giá, vốn sẽ tốn rất nhiều thời gian và sức lực?
Ban đầu tôi không đặt mục tiêu phải chinh phục 6 giải. Mỗi bước chạy chỉ đơn giản là hành trình khám phá bản thân và từng giải đấu mở ra một cấp độ cam kết mới. Tuy nhiên sau khi hoàn thành 1-2 giải, tôi nhận ra mục tiêu chinh phục cả 6 giải World Marathon Majors hoàn toàn nằm trong tầm tay nếu mình đủ cam kết và nghiêm túc với nó.
Các giải Major yêu cầu đăng ký sớm, luyện tập dài hạn, đạt các chỉ số rất cao trong các giải chạy trước đó. Anh làm thế nào để có suất tham dự cả 6 giải?
Để hoàn thành đủ 6 giải World Marathon Majors, tôi đã phải rất linh hoạt và kiên trì trong việc tìm kiếm suất tham dự. Bởi trong quá trình này, đam mê là chưa đủ, đôi khi còn cần cả chiến lược và rất nhiều may mắn.
Tôi đã thử hầu hết các hình thức đăng ký mà các giải cho phép: từ bốc thăm may rủi, đăng ký tour chính thức, cho đến hình thức cạnh tranh nhất là đăng ký qua các tổ chức từ thiện. Trong số đó, 4 trên 6 giải tôi tham gia là thông qua các chương trình gây quỹ vì trẻ em. Tôi luôn tin rằng giáo dục có thể mở ra những cánh cửa thay đổi không chỉ cuộc đời một đứa trẻ, mà còn thay đổi cả cộng đồng và tương lai của xã hội.
Tại Chicago, tôi may mắn trúng suất thông qua hình thức bốc thăm. Còn tại London, tôi đăng ký tham dự thông qua gói tour chính thức do ban tổ chức cung cấp.
Mỗi suất tham dự đều mang lại những kỷ niệm đặc biệt. Nhưng đối với tôi, đáng nhớ nhất là lần viết bài luận ngắn khi nộp hồ sơ tham dự giải Tokyo, cũng như quá trình cẩn thận lựa chọn và điền đơn đăng ký cho 30–50 tổ chức từ thiện khác nhau để có cơ hội tham gia giải Boston. Đây là hai giải khó vào nhất trong hệ thống Major. Các suất Boston rất hạn chế vì tổng số người tham dự bị giới hạn chỉ khoảng 30.000, thấp hơn nhiều so với các giải lớn như New York hay London với 50.000– 55.000 người. Tỷ lệ cạnh tranh rất khốc liệt – nhiều tổ chức chỉ chọn 1–2 người từ 200 hồ sơ. Tôi vẫn đùa với vợ: “Ngày xưa đi xin việc còn chưa từng nộp hồ sơ nhiều vậy!”

Việc hoàn thành 6 giải marathon lớn nhất thế giới đòi hỏi sự cam kết rất cao. Trong khi đó, CEO thường là người làm việc “24/7”, anh đã sắp xếp và điều chỉnh nhịp sống của mình ra sao để vẫn giữ được phong độ trên cả hai “đường chạy”?
Thú thực, điều này không hề dễ dàng. Nhiều người nhìn vào sẽ nói rằng “Ồ, anh ấy chạy được 42 cây số”, nhưng phía sau thành tích đó là hàng tháng trời khổ luyện, là vô số buổi chạy dài vào cuối tuần mà không phải ai cũng biết.
Để có thể duy trì phong độ trong cả công việc và luyện tập marathon, tôi buộc phải rèn luyện thói quen lên kế hoạch rất kỹ lưỡng. Tôi lên kế hoạch cả năm ngay từ đầu – xác định các mốc quan trọng như lịch chạy, họp HĐQT, rồi sắp xếp công việc xoay quanh.
Tôi cũng tập lên kế hoạch chi tiết cho từng tuần, từng ngày - luôn bắt đầu bằng việc ưu tiên các "big rocks" (những việc quan trọng nhất). Mỗi buổi sáng sớm, trước khi guồng quay công việc bắt đầu, là khoảng thời gian tôi dành riêng cho việc tập luyện. Quan trọng hơn cả, tôi học cách quản lý năng lượng chứ không chỉ quản lý thời gian: biết khi nào cần dồn lực, khi nào cần phục hồi để duy trì sự sắc bén cả trên đường đua lẫn trong điều hành doanh nghiệp.
Hành trình chinh phục 6 giải marathon của anh kéo dài khoảng 19 tháng. Đấy có phải là con số khiến anh hài lòng?
Khi tham dự giải Boston, tôi gặp những người đã theo đuổi hành trình này suốt 8 năm, thậm chí có người phải mất đến 20 năm mới hoàn thành đủ 6 giải. Rất hiếm những người trên thế giới đủ điều kiện cả về sức bền, tài chính, thời gian và may mắn để hoàn tất cả 6 giải chỉ trong vòng 1 năm.
Tính đến nay, trên toàn thế giới mới chỉ có hơn 20.000 người nhận được huy chương 6-Star Finisher. Còn ở Việt Nam, con số ấy hiện ở khoảng 10 người. Độ tuổi trung bình của 6 star finishers toàn cầu khoảng 51 tuổi, và thời gian trung bình để hoàn thành 6 stars là 7,5 năm, thậm chí nhiều người mất đến 10 - 20 năm để hoàn thành. Vì vậy với tôi, hành trình trọn vẹn chỉ trong 19 tháng là khá nhanh và là điều thực sự đặc biệt, nhất là khi có những giải tổ chức rất sát nhau. Tôi đã tham gia những giải chỉ cách nhau tầm 6-7 tuần.
Hành trình này kéo dài 19 tháng và khoảng 147.000 km bay để biến giấc mơ thành hiện thực. Nhưng vượt lên trên những con số và khoảng cách địa lý, điều quý giá tôi nhận được là góc nhìn mới về sức mạnh của mục tiêu, đam mê và sự bền bỉ.

Có bài học nào từ chạy bộ đã ảnh hưởng đến cách anh điều hành OnPoint và đưa startup này trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực hỗ trợ TMĐT tại Việt Nam?
Chạy bộ không tác động trực tiếp đến việc tôi chọn lĩnh vực TMĐT hay cung cấp giải pháp gì, nhưng lại ảnh hưởng rất sâu sắc đến triết lý điều hành mà tôi theo đuổi.
Tôi bắt đầu chạy bộ vào cuối năm 2018, và càng đi sâu vào hành trình này, tôi càng nhận ra một bài học triệu đô mà tôi đã mang theo sang cả công việc: Dục tốc bất đạt. Mọi thứ bền vững đều cần được xây dựng từ nền móng và cần sự kiên trì, không vội vàng.
Giữa năm 2019, tôi từng bị chấn thương sau khi tập luyện cho một giải chạy ở Đà Lạt. Vì quá nôn nóng cải thiện thành tích, tôi từng tập leo thang bộ đến 100 tầng mỗi tuần và chấn thương sụn gối – phải nghỉ chạy gần 4 tháng. Lúc đó tôi hiểu ra một điều rằng nếu muốn tiến xa hơn, nhanh hơn thì trước hết mình phải đủ sẵn sàng, không thể đốt cháy giai đoạn. Cơ bắp, hệ tim mạch, cả sự dẻo dai tinh thần đều cần thời gian để tích lũy và phát triển.
Và trong kinh doanh cũng vậy, nếu bạn muốn xây một tòa nhà cao tầng mà nền móng không đủ vững, thì càng xây cao, rủi ro càng lớn. Tôi luôn tin rằng muốn đi nhanh, trước hết phải đi chắc. Muốn đi xa, phải đi với sự kỷ luật, bền bỉ và một nền tảng đủ mạnh để nâng đỡ mọi tham vọng lớn.
Theo anh, điểm chung giữa tinh thần chạy marathon và tinh thần khởi nghiệp là gì?
Cả chạy marathon lẫn khởi nghiệp đều là “cuộc chơi đường dài” – nơi chiến thắng không đến từ một cú bứt tốc ngắn ngủi, mà từ hàng nghìn bước chân bền bỉ, lặp đi lặp lại trong thầm lặng. Ở mỗi lĩnh vực, người tham gia phải nuôi dưỡng nội lực: ý chí kiên trì vượt qua những giai đoạn “đau” mà người ngoài khó thấy, kỷ luật tự thân để tuân thủ giáo án hoặc chiến lược, và niềm tin rằng nỗ lực tích lũy hôm nay sẽ nở hoa vào ngày mai.
Thứ hai, cả hai đòi hỏi nghệ thuật phân phối sức và thích ứng liên tục. Một vận động viên giỏi phải biết điều chỉnh nhịp tim, tốc độ, dưỡng chất theo điều kiện thời tiết và địa hình; Một nhà sáng lập cũng phải điều chỉnh nguồn lực, định hướng, mô hình kinh doanh theo biến động thị trường. Vừa cứng rắn giữ vững mục tiêu đích, vừa linh hoạt thay đổi chiến thuật – đó là bí quyết tồn tại ở cả đường đua lẫn thương trường.
Cuối cùng, marathon và khởi nghiệp đều đem lại sự trưởng thành về tinh thần. Qua mỗi kilomet hay mỗi cột mốc phát triển của doanh nghiệp, bạn hiểu mình hơn, biết khi nào nên đẩy giới hạn, khi nào nên lắng nghe và hồi phục. Thành công không chỉ là vạch đích hay vòng gọi vốn; đó là con người bạn trở thành trong quá trình bền bỉ tiến về phía trước.

Nếu OnPoint là một vận động viên marathon, hiện tại nó đang ở “km” thứ bao nhiêu?
OnPoint đang ở km 26 - đã vượt qua nửa chặng, nhịp chạy ổn định, các lần “tiếp nước” Seed, rồi Series A, B và thương vụ M&A Crea giúp chúng tôi nạp thêm năng lượng. Phía trước là Heartbreak Hill, nhưng cũng là lúc để bứt tốc. Giai đoạn này giống như những km 30–32 trong giải Boston – khi cơ thể bắt đầu thấm mệt, nhưng cũng là lúc bản lĩnh, chiến lược và sự phân phối sức bền trở nên quan trọng nhất.
Càng về sau, hành trình sẽ càng đòi hỏi sự kỷ luật, sự điều chỉnh linh hoạt với “thời tiết thị trường”. Dẫu vậy đây cũng là quãng đường lý tưởng để bứt tốc khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Và rồi đến một thời điểm nào đó, khi chúng tôi bắt đầu một chiến lược mới, tiến ra một thị trường mới thì hành trình của OnPoint sẽ lại trở về km số 1. Với tôi, mỗi vạch đích luôn là điểm xuất phát của một thử thách kế tiếp.
Đâu là khoảnh khắc trong hành trình khởi nghiệp khiến anh cảm thấy như đang ở “km thứ 30” của một giải marathon?
Khoảnh khắc "km30" – thời điểm mà vận động viên marathon cảm thấy gần như kiệt sức, đã xuất hiện khá nhiều trong 3–4 năm đầu tiên của hành trình khởi nghiệp. Có những lúc công ty, và cả bản thân tôi, tưởng chừng đã chạm ngưỡng giới hạn, cảm giác như "hit the wall trong marathon" - hết nguồn lực, muốn buông bỏ, muốn đi bộ, muốn dừng lại.
Những lúc như vậy, tôi may mắn nhận được sự đồng hành và động viên lớn lao từ gia đình, từ những khách hàng tin tưởng, từ những đồng đội kiên trì sát cánh, và từ các thành viên Hội đồng Quản trị luôn cho tôi sự định hướng đúng lúc. Chính niềm tin và sự ủng hộ âm thầm nhưng mạnh mẽ ấy đã giúp tôi không gục ngã, từng bước vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, và tiến về phía trước.
Tôi nghĩ rằng là “km30” nó không chỉ đến một lần đâu. Những lúc ấy, không chỉ có thể lực, mà ý chí và sự kiên trì mới giúp chúng ta vượt qua. Giống như việc luyện tập thể lực, việc rèn luyện tinh thần cũng cần sự kiên trì và chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi đối mặt với khó khăn, nếu đã chuẩn bị tốt, có ý chí mạnh mẽ và được hỗ trợ từ những người xung quanh thì chúng ta sẽ vượt qua được những thử thách ấy.

Nếu qua được km30 và về đích, mục tiêu tiếp theo của OnPoint là gì? Một giải mới hay một “ultramarathon”?
OnPoint vẫn tiếp tục hành trình dài phía trước. Hiện tại, OnPoint đang định hình tầm nhìn cho 5–10 năm tới, đối mặt với 3-4 làn sóng lớn: Chuyển đổi nền tảng TMĐT - từ các sàn thương mại truyền thống sang social commerce như TikTok; thay đổi nhân khẩu học với với sự thay đổi trong độ tuổi và nhu cầu tiêu dùng; và ứng dụng của AI trong mua sắm.
Đối mặt với những làn sóng này, OnPoint đang chuẩn bị cho một hành trình dài như một cuộc ultramarathon, thậm chí là một cuộc thám hiểm đường trường nơi mà địa hình luôn thay đổi. Có thể phía trước là đường bằng phẳng, nhưng cũng có thể là sa mạc, đồi núi, băng tuyết – không ai có thể biết trước. Chúng tôi mong muốn xây dựng một công ty trường tồn, có ảnh hưởng lâu dài và đóng góp cho xã hội và cộng đồng.
Để làm được điều đó, OnPoint cần thời gian và một nền tảng đủ vững chắc để phát triển bền vững. Chính vì thế, sự chuẩn bị cũng cần phải kỹ lưỡng và có chiều sâu như cách một vận động viên chuẩn bị cho một cuộc ultramarathon – không chỉ chạy để về đích, mà chạy để được là chính mình, để phát triển, để cống hiến và để đi thật xa.
“Giấc mơ” 6-Star Finisher anh đã hoàn thành rồi, vậy còn giấc mơ phục vụ 100 triệu khách hàng Đông Nam Á của OnPoint thì sao?
OnPoint đang đi từng bước vững chắc để hiện thực hóa điều đó. Chẳng hạn, chỉ 4 tháng trước, tức tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã thực hiện một thương vụ M&A quan trọng. Đó là mua lại CREA, một công ty ở Thái Lan, để mở rộng phục vụ thị trường hơn 70 triệu dân này, và bước đầu thực hiện chiến lược vươn ra Đông Nam Á.
Đây là một bước ngoặt lớn bởi lâu nay chúng ta vẫn quen với việc các công ty Thái đầu tư vào và mua lại công ty của Việt Nam, chứ rất hiếm khi doanh nghiệp Việt mua lại công ty Thái. Cùng với thị trường Việt Nam, chúng tôi đang phục vụ một thị trường khu vực lên tới gần 170 triệu người.
Mặc dù xác định Việt Nam vẫn là thị trường cốt lõi, song OnPoint vẫn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới – không chỉ ở các thị trường khác trong khu vực, mà còn ở những mảng dịch vụ, giải pháp mới. Năm ngoái, chúng tôi bắt đầu thử nghiệm với Amazon nhằm đưa sản phẩm Việt ra thị trường Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một "vườn ươm sáng kiến", nơi những ý tưởng mới có thể được thử nghiệm, phát triển và nhân rộng.
Ngoài Việt Nam và Thái Lan, giải pháp công nghệ của OnPoint cũng đã được triển khai hơn 3 năm qua cho một đối tác hàng đầu tại Philippines. Điều đó có nghĩa là, OnPoint vẫn đang âm thầm phục vụ hàng triệu người tiêu dùng Đông Nam Á thông qua các đối tác lớn.
Giống như chạy bộ, mỗi bước tiến dù nhỏ cũng giúp chúng tôi mở rộng chân trời. OnPoint vẫn đang không ngừng rèn luyện và củng cố nền móng vững chắc, để khi cơ hội xuất hiện, chúng tôi đã có đủ sự chuẩn bị và bản lĩnh nắm bắt ngay lập tức.

6-Star Finisher đã là giới hạn của anh chưa?
Với tôi, 6-Star Finisher là dấu mốc, không phải giới hạn, "đích đến" chỉ là một điểm mốc, chứ không phải điểm kết thúc. Cũng như vậy, thành công không phải là cái gì đó mình chạy tới, mà là cái đồng hành cùng mình trên hành trình trưởng thành. Tôi cũng cho rằng đích đến không quan trọng bằng sự trưởng thành của mình trên hành trình đó – dù là 42km hay 10 năm khởi nghiệp.
Mục tiêu tiếp theo, tôi vẫn đang suy nghĩ. Có thể là một năm vẫn tiếp tục chạy thêm một hai giải khác và hạ thời gian chạy xuống 3h30. Còn trong công việc, tôi muốn đưa OnPoint phát triển xa hơn nữa, và IPO trong khoảng 3 năm tới.
2024 đánh dấu bước ngoặt: OnPoint có lãi trong ngành TMĐT – nơi hiếm doanh nghiệp vừa tăng trưởng nhanh vừa bền vững tài chính. Không chỉ tăng trưởng doanh thu, OnPoint còn cải thiện rõ rệt hiệu quả lợi nhuận, đồng thời ghi dấu ấn với bước mở rộng đầu tiên ra thị trường quốc tế.
Cùng với đó, tôi muốn nâng cấp bản thân và OnPoint để có thể đóng góp được nhiều hơn cho xã hội, và các cộng đồng mà mình đang tham gia.
Vậy trong 5 năm tới, anh muốn mình trở thành hình mẫu như thế nào: Một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng hay một người kết nối được cộng đồng thể thao ở Việt Nam?
Trong 5 năm tới, tôi không đặt mục tiêu trở thành một “hình mẫu” cố định nào mà đơn giản là trở thành một doanh nhân Việt Nam sống đúng với trách nhiệm của mình. Tôi muốn xây dựng một tổ chức vững mạnh, có khả năng đóng góp tích cực đến xã hội. Khi TMĐT phát triển, đó không chỉ là sự tiện lợi trong giao thương mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và OnPoint có thể là một phần trong hành trình đó.
Tôi cũng mong câu chuyện của mình và của OnPoint – chẳng hạn như thương vụ mở rộng sang Thái Lan – sẽ góp phần truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Tôi muốn coi bản thân và OnPoint như “bằng chứng sống” để mọi người tin rằng, người Việt hoàn toàn có thể làm được những điều mà trước đây ai cũng nghĩ chỉ người nước ngoài mới làm được.
Tôi không nghĩ mình hay OnPoint đã “thành công”, mà vẫn đang là những phiên bản đang hoàn thiện – liên tục học hỏi, nâng cấp, và tạo giá trị mỗi ngày. Bên cạnh đó, tôi mong rằng có thể lan tỏa cảm hứng về một lối sống khỏe mạnh – nhất là với những người đang giữ vai trò dẫn dắt trong doanh nghiệp. Vì họ là những người có tầm ảnh hưởng, có khả năng truyền cảm hứng tích cực đến hàng trăm, hàng ngàn người khác.
Ở tuổi 40, tôi hy vọng mình vẫn còn nhiều thời gian – 20, 30 năm nữa và năng lượng để tiếp tục cống hiến cho những giá trị mà mình tin tưởng.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Đời sống và Pháp luật