Từng được ca tụng là "nghề hot của kỷ nguyên AI", giờ bị chính AI "khai tử"
Đây là bài học cảnh tỉnh cho bất kỳ ai đặt hy vọng vào những làn sóng nghề mới từ AI: thứ nổi lên nhanh thì cũng có thể mất đi trong tích tắc.
Chỉ hai năm trước, prompt engineering - hay còn gọi là “kỹ sư gợi lệnh” - là một trong những từ khóa hot nhất trong ngành công nghệ. Giữa cơn sốt trí tuệ nhân tạo, nhiều công ty ráo riết tìm kiếm nhân sự có khả năng đặt ra những câu hỏi phù hợp để tối ưu hiệu suất của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Nghề này từng được xem như “cửa ngõ vàng” vào ngành AI: không đòi hỏi nền tảng kỹ thuật phức tạp, không cần biết code, và đặc biệt dễ tiếp cận.
Nhưng giờ đây, nghề "kỹ sư gợi lệnh" gần như đã biến mất khỏi bản đồ tuyển dụng. Kỹ năng từng được ca tụng như chìa khóa thời đại AI giờ đây chỉ là một phần công việc mặc định mà ai làm với AI cũng phải biết. Trớ trêu hơn, một số công ty hiện còn dùng AI để… tạo prompt cho AI, khiến vai trò con người càng mờ nhạt hơn.
“AI đang ăn chính việc làm của mình,” Malcolm Frank - CEO TalentGenius - nhận định với Fast Company. “Prompt engineering giờ đây là thứ được nhúng vào hầu hết các vai trò có liên quan đến AI. Thậm chí, AI còn có thể giúp bạn tạo ra prompt tốt hơn bạn viết. Từ một công việc, nó nhanh chóng trở thành… một nhiệm vụ con.”
Thành công ban đầu của nghề này đến từ rào cản gia nhập thấp. Khác với các vị trí kỹ thuật cao, kỹ sư gợi lệnh không yêu cầu bằng cấp chuyên sâu hay kỹ năng lập trình, khiến nó trở thành lựa chọn hấp dẫn cho những ai muốn bước chân vào lĩnh vực AI. Vào năm 2023, hàng loạt hồ sơ LinkedIn tự nhận là “prompt engineer”, và thị trường Bắc Mỹ cho vị trí này được định giá lên đến 75,5 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 32,8% mỗi năm.

Nhưng thực tế không như kỳ vọng. Theo Allison Shrivastava từ phòng phân tích của Indeed, prompt engineering hiếm khi là một chức danh công việc chính thức. Thay vào đó, nó thường được gộp vào các vai trò khác như kỹ sư học máy hoặc kiến trúc sư tự động hóa. “Tôi không thấy nó được đăng tuyển như một công việc riêng biệt,” Shrivastava nói.
Công việc “sáng tạo prompt” giờ đây đã bị nuốt chửng bởi chính AI - hoặc được chuyển hóa thành kỹ năng bắt buộc cho các vị trí kỹ thuật cao hơn.
Làm AI, phải biết làm AI
Sự chuyển dịch cũng thể hiện rõ trong các xu hướng tuyển dụng. Nhu cầu cho các vị trí lập trình viên phổ thông đang giảm, nhưng nhu cầu với các kỹ sư phát triển AI thì tăng mạnh. Các doanh nghiệp không còn chỉ cần người biết “giao tiếp” với AI - họ cần người trực tiếp xây dựng, tinh chỉnh và nâng cấp mô hình.
Một dấu hiệu khác: số lượng người đăng ký phỏng vấn thử cho vị trí machine learning engineer (kỹ sư học máy) đã tăng hơn ba lần chỉ trong hai tháng. Theo chuyên gia tuyển dụng Lerner, đây là “dấu hiệu rõ ràng rằng tương lai không nằm ở việc sử dụng AI như một hộp đen, mà là cải thiện chính mô hình AI đó.”
Với những người không có nền tảng kỹ thuật, cơ hội cũng đang thu hẹp dần. Một số lựa chọn khả thi là chuyển sang khởi nghiệp công nghệ, hoặc làm tư vấn triển khai AI - lĩnh vực đang bùng nổ khi doanh nghiệp khắp nơi muốn áp dụng AI vào vận hành. Tính đến tháng 2/2024, các vị trí tư vấn chiếm 12,4% tổng số tin tuyển dụng AI trên Indeed.
Tim Tully - đối tác tại Menlo Ventures - cho biết AI đang thay đổi bản chất công việc, không phải bằng cách tạo ra nghề mới, mà bằng cách biến đổi cách người ta làm nghề cũ. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến những công việc hoàn toàn mới. Chỉ là AI đang len lỏi vào mọi ngóc ngách công việc - dù bạn có muốn hay không.”
Trong khi prompt engineering từng là biểu tượng cho sự dân chủ hóa của AI - ai cũng có thể học và hành nghề - thì nay chính công nghệ đã “đào thải” nó.
Đời sống và Pháp luật
CÙNG CHUYÊN MỤC

Ứng dụng AI vào giao thông thông minh
09:09 , 14/05/2025