MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng dụng AI vào giao thông thông minh

14-05-2025 - 09:09 AM | Kinh tế số

Để công cụ AI phát huy tác dụng hỗ trợ điều phối giao thông thông minh, cần xây dựng hệ thống dữ liệu đầu vào đủ lớn, đa dạng và cập nhật liên tục

Nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, TP HCM triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống điều hành giao thông đô thị, bao gồm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Giảm ùn tắc bằng AI

Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP HCM (Sở Xây dựng TP HCM), thành phố hiện có gần 100 cảm biến đo đếm lưu lượng phương tiện lưu thông được lắp đặt tại các đại lộ lớn như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng... Dữ liệu từ các cảm biến được AI thế hệ mới xử lý với khả năng tính toán lên tới 100.000 tỉ phép tính mỗi giây để phân tích mật độ phương tiện theo khung giờ, dự báo điểm ùn tắc. Trên cơ sở đó, trung tâm có thể thiết lập hệ thống và kịch bản đèn tín hiệu chuẩn xác theo tình hình thực tế, khoa học, hợp lý. Các dữ liệu được truyền trực tiếp đến trung tâm chỉ huy của CSGT TP HCM để cơ quan này điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông từ xa, thay vì phải điều chỉnh trực tiếp tại các tủ điều khiển giao thông.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP HCM đánh giá trong 3 tháng đầu năm 2025, hệ thống cảm biến đo đếm bằng công nghệ AI đi vào vận hành đã góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực nêu trên, nhất là vào giờ cao điểm.

Không chỉ ứng dụng AI trong điều hành giao thông, TP HCM còn ứng dụng công nghệ này vào giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Một trong các dự án tiêu biểu là Route2School Education - hệ thống giáo dục an toàn giao thông thông minh trực tuyến do Viện Đô thị thông minh và Quản lý (ISCM) - ĐH Kinh tế TP HCM phối hợp Viện Nghiên cứu Giao thông - ĐH Hasselt (Bỉ) triển khai năm 2019.

Theo PGS-TS Trịnh Tú Anh, Viện trưởng ISCM, nền tảng Route2School Education được tích hợp yếu tố "game hóa", giúp học sinh chủ động học luật giao thông, rèn kỹ năng quan sát và xử lý tình huống thông qua hình ảnh, video thực tế. Ngoài ra, với công nghệ thực tế ảo, học sinh sẽ được đạp xe và tương tác với các tình huống giao thông mô phỏng từ thực tế, giúp hình thành phản xạ và kỹ năng. "Với hơn 600 học sinh tham gia, chương trình ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực như đã tăng khả năng nhận diện rủi ro, ghi nhớ biển báo, cải thiện kỹ năng xử lý khi tham gia giao thông cho các em, qua đó góp phần giảm thiểu tình huống nguy hiểm không đáng có" - bà Tú Anh nói.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ giao thông thông minh như camera giao thông AI, phương tiện tự hành... đã được phát triển, thử nghiệm. Chẳng hạn, với camera giao thông thông minh do Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel phát triển, các lỗi vi phạm tín hiệu đèn đỏ, tốc độ, cắt vạch liền, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, đi vào làn khẩn cấp... sẽ được ghi lại và gửi về trung tâm giám sát khi có yêu cầu. Chưa kể, camera còn có chức năng giám sát an ninh, hỗ trợ phát hiện xe của người bị truy nã, trộm cắp, xe gây tai nạn...

Ứng dụng AI vào giao thông thông minh- Ảnh 1.

Nhân viên theo dõi camera giám sát tại Trung tâm Điều hành giao thông đô thị TP HCM - Sở Xây dựng TP HCM. Ảnh: Thu Hồng

Để giao thông thật sự thông minh hơn

Đại diện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP HCM cho biết với hệ thống cảm biến AI, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu việc tối ưu hóa chu kỳ đèn tín hiệu, quản lý lưu lượng theo mạng lưới tại một số khu vực trọng điểm như trung tâm thành phố, sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, trong năm 2025 sẽ thay thế 200 tủ tín hiệu giao thông kết nối về trung tâm; bổ sung 300 camera đo đếm lưu lượng phương tiện; lắp đặt mới 200 camera AI giám sát giao thông, phát hiện sự cố tự động (tai nạn, ùn tắc, vi phạm giao thông).

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng AI vào hệ thống giao thông không chỉ nâng cao hiệu quả vận hành mà còn mở ra hướng tiếp cận mới trong tư duy quy hoạch và quản lý đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh". Tuy nhiên, cần chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu đầu vào đủ lớn, đa dạng và cập nhật liên tục để phát huy khả năng của công cụ AI trong việc phân tích, dự đoán và điều phối ở môi trường đô thị phức tạp.

Ông Lữ Vincent Thế Hùng - nhà sáng lập, CEO Công ty CP EduX Global Institute - chỉ rõ hệ thống camera hiện nay chủ yếu ghi nhận lưu lượng giao thông theo thời gian thực, chưa đủ khả năng dự báo chính xác vì thiếu dữ liệu hành vi người dùng. Ông cũng dẫn chứng một số quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Canada... đã sử dụng ứng dụng bản đồ trong một số sự kiện lớn với hàng chục ngàn người tham dự - ví dụ sự kiện thể thao, để không chỉ phục vụ người dân mà còn hỗ trợ cơ quan điều phối giao thông. Qua dữ liệu thu được khi người dân truy cập ứng dụng bản đồ, hệ thống có thể dự báo chính xác lưu lượng phương tiện sắp đổ về một khu vực và chủ động phân luồng sớm. Hay như các hãng xe công nghệ cũng tận dụng bản đồ AI để tối ưu hóa lộ trình và phân phối tài xế theo khu vực.

"Khi chưa có dữ liệu đầu vào là thông tin người dùng, AI chỉ là công cụ quan sát, chưa thể điều hành. TP HCM và các đô thị lớn của Việt Nam cần phát triển ứng dụng bản đồ hoặc hợp tác sâu hơn với các nền tảng lớn như Google Maps để thu thập và khai thác dữ liệu người dùng. Dữ liệu này khi tích hợp vào hệ thống AI sẽ giúp xây dựng các kịch bản điều phối thông minh, hạn chế ùn tắc và tăng khả năng phản ứng nhanh với các sự kiện đông người" - ông Hùng góp ý.

Ông Đinh Hoàng Kiên, nhà sáng lập Công ty Công nghệ VedaX, cho rằng chỉ khi AI có khả năng nhận diện và phân loại được các phương tiện như xe máy, xe đạp, taxi... để hỗ trợ điều phối giao thông thì mới có thể gọi là giao thông thông minh. Ông đề nghị các cơ quan quản lý triển khai thử nghiệm AI trong giao thông để rút ngắn thời gian đưa giải pháp công nghệ vào thực tiễn, cải thiện hiệu quả quản lý và nâng cao chất lượng sống đô thị. 

TP HCM có thể tiết kiệm 6 tỉ USD/năm

Theo một tính toán, tình trạng ùn tắc giao thông khiến TP HCM thiệt hại khoảng 6 tỉ USD/năm. Nếu bài toán ùn tắc được giải quyết hiệu quả ở TP HCM và trên cả nước thì không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống đô thị mà còn tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nói chung.


Theo Lê Tỉnh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên