Tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cạnh tranh Sun Group ở dự án mở rộng sân bay 22.000 tỷ phục vụ APEC

Dự án sân bay Phú Quốc theo hình thức PPP với vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng là dự án lớn thứ hai về vốn đầu tư trong Danh mục các dự án phục vụ APEC 2027.
- 16-05-2025Tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn đầu tư khu thương mại tự do 8.000 hecta ở gần sân bay Long Thành
- 03-03-2025Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương nâng cấp sân bay Phú Quốc đón APEC, Sun Group cam kết siêu tốc, công nghệ 'đỉnh cao'
Thủ tướng vừa ra Quyết định 948/QĐ-TTg về nhiệm vụ chuẩn bị phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong đó có dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc theo hình thức PPP với vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng.
Dự án sân bay Phú Quốc là dự án lớn thứ hai về vốn đầu tư trong Danh mục các dự án phục vụ APEC 2027. Các dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến là 137.138 tỷ đồng, bao gồm 20.166 tỷ đồng đầu tư công và 116,972 tỷ đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP và đầu tư kinh doanh.
Dự án lớn nhất là khu đô thị hỗn hợp - Bãi Đất đỏ với quy mô 88,5 hecta và vốn đầu tư 64.000 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Tất cả các dự án có mốc thời gian thực hiện-hoàn thành là năm 2025-tháng 6/2027, ngoai trừ dự án xây kè và san lấp mặt bằng xây dựng Trung tâm tổ chức hội nghị APEC và các công trình chức năng có mốc thời gian là tháng 5/2025-tháng 6/2026.
Dự án sân bay Phú Quốc có diện tích 1.050 hecta. Sân bay sẽ đạt cấp 4E, công suất 18 triệu hành khách/năm. Các hạng mục chính được mở rộng gồm kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu lên 3.500m,đường cất hạ cánh số 2 làm mới dài 3.300, xây dựng nhà ga T2 và nhà ga VIP, sân đỗ máy bay 70-80 chỗ.
Con số 70-80 chỗ đỗ máy bay theo quyết định của Thủ tướng khác với con số 30 chỗ đỗ máy bay trong thời kỳ 2021-2030 và 45 chỗ đỗ máy bay tới năm 2050, được nêu trong Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Xây dựng. Quy hoạch này cũng cho thấy sân bay có thể khai thác máy bay Boeing B747, B787, Airbus A350 và tương đương.

Thiết kế nhà ga VIP tại sân bay Phú Quốc.
Hiện nay, có 2 đơn vị đã có kiến nghị tham gia đầu tư mở rộng nâng cấp sân bay Phú Quốc là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn và Sun Group.
Tháng 3 năm nay, Văn phòng Chính phủ cho biết đã nhận được kiến nghị của IPPG về dự án này. Bộ Giao thông (nay là Bộ Xây dựng) đã được chỉ đạo xem xét giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn có nhiều kinh nghiệm với ngành hàng không, nổi bật là việc mở đường bay thẳng từ TPHCM đến Manila (Philippines) năm 1985 trong hoàn cảnh đất nước có nhiều khó khăn.
Cũng trong tháng 3, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cuộc họp về chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị APEC. Trước cuộc họp, CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đầu tư xây dựng sân bay Phú Quốc (giai đoạn 2) theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Nếu được lựa chọn là nhà đầu tư, Sun Group cam kết đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc với công nghệ hiện đại nhất thế giới, hoàn thành dự án trong thời gian từ 16-18 tháng kể từ khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Sun Group là chủ đầu tư sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh, hiện là sân bay tư nhân duy nhất ở Việt Nam.
Nhịp sống thị trường