Đại sứ toàn cầu của Terne Holdings: Việt Nam nên theo đuổi mô hình đa trung tâm tài chính, Đà Nẵng sẽ không cạnh tranh mà bổ trợ cho TP.HCM

Mô hình đa trung tâm (multi-node) – chiến lược đã và đang được áp dụng thành công tại các quốc gia như UAE, Trung Quốc và Vương quốc Anh.
- 20-05-2025Hòa Phát cùng DN từng tham gia xây sân vận động World Cup 2022 muốn làm tổng thầu EPC thi công các dự án đường sắt tại TP Hồ Chí Minh
- 20-05-2025Bộ trưởng Bộ Công thương gặp 'trùm' năng lượng hạt nhân Westinghouse để mời hợp tác
- 20-05-2025Danh tính tập đoàn sở hữu tòa nhà văn phòng Pearl Tower được SSI nhắm tới
Tại Hội nghị Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam, ông Richard McClellan – Đại sứ toàn cầu của Terne Holdings, Nguyên Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair, và từng nhiều năm làm việc tại tại McKinsey & Company – một trong ba tập đoàn tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới, đã đưa ra quan điểm về vai trò của Đà Nẵng trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (IFC) của Việt Nam.
Không chỉ đặt ra câu hỏi "Tại sao lại là Đà Nẵng?", ông McClellan còn nhấn mạnh vào câu hỏi quan trọng hơn: "Làm thế nào để Đà Nẵng hiện thực hóa vai trò đó?"

Hội nghị Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam
“Việt Nam nên theo đuổi mô hình đa trung tâm”
Ý tưởng xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế mang đẳng cấp thế giới tại Việt Nam không còn chỉ là lý thuyết. Đây hiện đã trở thành một sáng kiến được ủng hộ ở cấp quốc gia, nhận được sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Chính trị, được chính thức khởi động tại cả thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1 vừa qua, và đang tiến từng bước vững chắc tới việc trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo ông McClellan, thay vì phát triển một trung tâm tài chính duy nhất, Việt Nam nên theo đuổi mô hình đa trung tâm (multi-node) – chiến lược đã và đang được áp dụng thành công tại các quốc gia như UAE, Trung Quốc và Vương quốc Anh. Theo đó, các thành phố đảm nhận vai trò chuyên biệt, cùng bổ trợ để hình thành một hệ sinh thái tài chính toàn diện, bền vững và thích ứng.

Ông Richard McClellan – Đại sứ toàn cầu của Terne Holdings
Ví dụ, ở các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Dubai dẫn đầu về tài chính toàn cầu, trong khi Abu Dhabi tập trung vào đổi mới quy định chính sách. Ở Trung Quốc, Thượng Hải giữ vai trò trung tâm thị trường vốn; Thâm Quyến là đầu tàu về công nghệ tài chính và tài sản số; đảo Hải Nam đóng vai trò là khu vực thử nghiệm chính sách (sandbox) an toàn. Và ở Vương quốc Anh, London là trung tâm tài chính toàn cầu, còn Edinburgh chuyên sâu về bảo hiểm, quản lý tài sản và cải cách pháp lý.
Đây không phải là sự trùng lặp, mà là mà là để giảm thiểu rủi ro của mô hình, phân bổ hợp lý cơ hội kinh tế và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo – những điều có thể khó thực hiện trong một môi trường đã quá tải hoặc chịu giám sát chặt chẽ trên trường quốc tế.
Hơn nữa, quá trình chuyển đổi lên nhóm các thị trường mới nổi sẽ thu hút hàng tỷ đô la nguồn vốn tài trợ của tổ chức từ các quỹ thụ động. Trong bối cảnh đó, việc đa dạng hóa không chỉ dừng lại ở một trung tâm tài chính duy nhất thường được xem là điều kiện tiên quyết để phân loại lại thị trường mới nổi bởi các tổ chức xếp hạng như MSCI.
Cuối cùng, mô hình đa trung tâm còn góp phần tăng cường năng lực phục hồi tài chính quốc gia, theo đó Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc vào một điểm nghẽn địa lý, dân số hoặc hạ tầng nhất định.
Những lợi thế cấu trúc riêng biệt của Đà Nẵng
Đà Nẵng nằm ở trung tâm Hành lang kinh tế Đông - Tây, Đà Nẵng là đầu mối kết nối Việt Nam với Lào, Thái Lan và Myanmar qua các tuyến đường bộ và đường sắt. Đây cũng là thành phố ven biển duy nhất có quy mô lớn trên trục kết nối này, có tiềm năng trở thành cửa ngõ tài chính – logistics cho toàn bộ Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng (GMS).
Thành phố đã và đang sở hữu những nền tảng hạ tầng hiếm thấy ngoài Hà Nội và TP.HCM – bao gồm cảng nước sâu Liên Chiểu, sân bay quốc tế đang mở rộng, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, và khu thương mại tự do đang trong giai đoạn quy hoạch. Đây đều là các yếu tố có liên hệ mật thiết với thương mại, tài chính và đổi mới sáng tạo.

Với hơn 22.000 sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng trong các ngành công nghệ, tài chính và kinh doanh quốc tế, Đà Nẵng có lực lượng lao động đáng tin cậy cho ngành dịch vụ tài chính từ trung đến cao cấp. Hơn thế nữa, chi phí nhân lực tại đây cũng thấp hơn so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp mới.
Đặc biệt, khác với các đô thị siêu lớn, Đà Nẵng vẫn còn khả năng quy hoạch linh hoạt, quỹ đất phát triển rộng và chính quyền địa phương năng động, có kinh nghiệm triển khai các cải cách trong thời gian ngắn – đặc biệt phù hợp với các mô hình thí điểm hoặc chế độ chính sách đặc thù.
Hơn nữa, Đà Nẵng có thể đóng vai trò lan tỏa chiến lược trung tâm tài chính quốc tế tới phần còn lại của Việt Nam; cụ thể là 14 tỉnh khu vực miền Trung – những nơi vốn chưa được phục vụ đầy đủ bởi các định chế tài chính ở miền Bắc hay miền Nam. Để chính sách có tác động toàn quốc, chúng ta cần có kết nối toàn quốc.
“Đà Nẵng không cạnh tranh với TP.HCM – mà bổ trợ cho TP.HCM”
“Đà Nẵng là môi trường lý tưởng để thử nghiệm các công nghệ mới trong không gian kiểm soát và quản lý chặt chẽ” - ông McClellan đánh giá.
Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ quan tâm hợp tác với thành phố để triển khai thí điểm các mô hình fintech, định danh điện tử (eKYC), chứng khoán mã hóa (tokenized securities) và nền tảng thanh toán số. Quy mô, chi phí và khả năng linh hoạt của thành phố là những yếu tố lý tưởng cho việc này, giúp Việt Nam trở thành một môi trường thể chế an toàn và có xu hướng tiến bộ.
Gắn với các mục tiêu dẫn đầu về khí hậu của Việt Nam, Đà Nẵng có thể là nơi thí điểm các thị trường các-bon, trái phiếu xanh, và các sản phẩm bảo hiểm khí hậu dành cho cơ sở hạ tầng ven biển – là bước mở rộng hợp lý và tất yếu từ hình ảnh quản trị môi trường bền vững mà thành phố đã và đang xây dựng.
Với hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và dòng xuất khẩu sẵn có, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm thanh toán và tài trợ cho các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, thủy sản, v.v. bổ trợ cho cơ sở công nghiệp của Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với xu thế truy xuất chuỗi cung ứng và yêu cầu carbon thấp toàn cầu.
Xu hướng về lưu ký tài sản an toàn – cả vật lý (vàng, tranh nghệ thuật, hàng xa xỉ) lẫn số hóa (công cụ tài sản được mã hóa) – đang phát triển mạnh. Đà Nẵng có đầy đủ điều kiện về chi phí, không gian và thể chế để thử nghiệm mô hình này, học hỏi từ mô hình Le Freeport nổi tiếng.
Và cuối cùng, hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ số, đang phát triển năng động. Nếu được bổ sung thêm hạ tầng tài chính phù hợp – như các quỹ tăng tốc, nguồn vốn giai đoạn đầu và kênh đầu tư xuyên biên giới – Đà Nẵng hoàn toàn có thể đóng vai trò trung tâm tài chính quốc gia cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
“Nếu Việt Nam muốn xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế có vị thế toàn cầu, chúng ta cần tư duy về nó không phải như một khu vực địa lý riêng lẻ, mà là một hệ thống vận hành thống nhất. Trong mô hình đó, Đà Nẵng không cạnh tranh với TP.HCM – mà bổ trợ cho TP.HCM” - ông McClellan nhận định.
Đà Nẵng mang lại sự cân bằng, chuyên môn hóa và là nơi thử nghiệm các ý tưởng táo bạo mà chúng ta có thể chưa sẵn sàng áp dụng ngay tại miền Nam. Đồng thời, việc lồng ghép Đà Nẵng vào chiến lược này thể hiện cam kết của Việt Nam với phát triển vùng công bằng, điều mà các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao.
Và quan trọng hơn cả, Đà Nẵng đã sẵn sàng, bởi lẽ các nhà đầu tư đã thể hiện sự quan tâm rõ ràng; Chính quyền địa phương chủ động, quyết liệt và Hạ tầng đang dần được hoàn thiện và đưa vào vận hành.
Nhịp sống thị trường