Nghi án hối lộ ở sân bay "khủng" nhất châu Âu
Được khởi công từ năm 2006, kinh phí dự tính ban đầu là 2,8 tỷ euro, nhưng đến năm 2012 dự trù kinh phí tại dự án này đã tăng vọt lên 6 tỷ euro và đến nay tăng lên 8 tỷ euro.
Sân bay quốc tế Berlin Brandenburg Airport (BER), dự án đang được xây dựng gần Berlin (Đức), khi hoàn thành sẽ là sân bay “khủng” nhất châu Âu. Song, đến nay sau gần 8 năm trôi qua, dự án vẫn còn dang dở, trở thành chiếc gai trước mắt dư luận với nhiều bê bối, nhất là nghi vấn hối lộ, đội giá, chậm tiến độ.
Chậm tiến độ và đội giá
Được khởi công từ năm 2006, kinh phí dự tính ban đầu là 2,8 tỷ euro, nhưng đến năm 2012 dự trù kinh phí tại dự án này đã tăng vọt lên 6 tỷ euro và đến nay tăng lên 8 tỷ euro. Câu hỏi đặt ra là, không hiểu đến khi hoàn thành vào năm 2017, con số thực tế sẽ còn tăng tiếp lên bao nhiêu nữa?
Sự chậm tiến độ của dự án BER không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng đến giao thông hàng không của hai sân bay hiện tại là Tegel và Schönefeld, do bùng nổ khách du lịch. Hành khách đến và đi tại hai sân bay này tăng gấp đôi trong vòng mười năm trở lại đây.
Nếu BER hoàn thành vào năm 2012 thì tạm thời giải quyết được một phần nhu cầu phát sinh này. Nhưng do dự án hiện còn dang dở, đình trệ từ tháng 8/2012, biến công trường thành một “thị trấn ma” hoang tàn.
Không chỉ chậm tiến độ, dự án BER còn lộ ra nhiều bất cập, nhất là về quy mô. Giám đốc điều hành của BER, ông Hartmut Mehdorn thừa nhận, quy mô của sân bay quá nhỏ so với nhu cầu giao thông bằng đường hàng không của Đức cũng như các quốc gia lân cận.
Theo tính toán mới nhất, khi hoàn thành, BER chỉ tiếp nhận được hơn 30 triệu hành khách/năm. Mà ngay tại thời điểm hiện nay, công suất trên cũng đã được xem là quá nhỏ. Còn nếu hai sân bay Tegel và Schönefeld phải đóng cửa một khi BER hoàn thành, thì điều bất hợp lý nói trên sẽ lộ rõ.
“Năm 2013, lượng khách của hai sân bay nói trên đã vượt trên 26 triệu. Dự kiến, năm 2020 số lượng hành khách tăng và đạt 35 triệu và như vậy sân bay mới lại phải tiếp tục mở rộng. Nhất là các khâu phụ trợ như dịch vụ check-in, an ninh và công đoạn trả hành lý cho khách sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Mehdorn cảnh báo.
Nghi án hối lộ
Theo tờ báo xuất bản bằng tiếng Anh của Đức - The Local, trong khi dự án sân bay BER đang bị đình trệ, chậm tiến độ thì vào trung tuần tháng 5/2014, Giám đốc kỹ thuật của BER, ông Jochen Grossmann đã bị ngưng việc để phục vụ cho công tác điều tra, sau những cáo buộc tham nhũng.
Theo đơn thư tố giác, những “nhân viên đứng đầu” bên A, gồm những người có nhiệm vụ trao hợp đồng xây dựng cho nhà thầu đã yêu cầu được lại quả 500.000 euro, trong đó có cả Jochen Grossmann. Ngay sau khi bị ngưng việc, văn phòng của Grossmann tại Düsseldorf đã bị khám xét. Rất nhiều bằng chứng được thu giữ phục vụ cho công tác điều tra.
Jochen Grossmann nhận chức Giám đốc từ người tiền nhiệm Horst Amann, vị này cũng đã bị sa thải hồi tháng 10/2013 vì tội danh tương tự: gây chậm tiến độ và bòn rút công quỹ. Theo tờ Bild của Đức, tuy bị sa thải nhưng Amann vẫn nhận mức lương khủng hàng năm lên tới 300.000 euro cho đến khi hợp đồng kết thúc vào năm 2017, mặc dù chỉ “ngồi chơi xơi nước”.
Cũng theo nguồn tin của The Local, một trong những lý do làm chậm tiến độ và gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình là do dự án đã thuê kỹ sư thiết kế không có trình độ, không được đào tạo. Hậu quả là hệ thống thiết kế sai, không hoạt động được và có những sai lầm rất cơ bản về kỹ thuật liên quan đến hệ thống cứu hỏa, phòng chống cháy nổ chung của sân bay. Thiết kế và xây dựng hệ thống này hoàn toàn đi ngược với quy trình, quy phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của sân bay.
Người đảm nhận phần việc này là ông Alfredo Di Mauro, 52 tuổi vừa bị sa thải tháng 5/2014. Mauro tự giới thiệu qua danh thiếp là kỹ sư, nhưng thực tế chỉ là nhân viên kỹ thuật. Mauro thừa nhận trình độ chuyên môn khi trả lời phỏng vấn báo chí: “Chẳng ai hỏi nên tôi cũng không trả lời, vả lại điều này cũng không liên quan đến công việc. Mọi người đều nghĩ tôi là kỹ sư và bằng cấp không phải là yếu tố quyết định hiệu quả công việc”. Khi sự việc về bằng cấp trên vỡ lở, Giám đốc điều hành Hartmut Mehdorn thừa nhận thiếu sót vì quá tin người.
Hệ thống an toàn cháy nổ, đặc biệt là hệ thống hút khói không đạt tiêu chuẩn là điều không thể chấp nhận ở một sân bay đẳng cấp quốc tế như BER. Để khắc phục hệ thống an toàn cháy nổ, dự án BER đã phải thuê hai hãng Bosch và Siemens thiết kế, xây dựng lại từ đầu.
Ngoài hệ thống an toàn cháy nổ, ở nhiều hạng mục khác cũng đã phát hiện thấy sai sót nghiêm trọng, như hệ thống quầy check-in và cất giữ hành lý quá chật; hệ thống làm mát không đủ năng lực, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các máy tính khi thời tiết nóng; và khu phụ trợ quá nhỏ, không đồng bộ và hợp lý, nhất là khi lượng khách tăng cao.
Theo Khắc Nam
CÙNG CHUYÊN MỤC

Lạm phát hạ nhiệt, Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích Fed
06:40 , 15/05/2025