MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NASA phát hiện cơ sở hạt nhân tối mật của Mỹ ẩn dưới lớp băng dày

14-05-2025 - 16:30 PM | Tài chính quốc tế

Khi bay vòng trên Bắc Cực vào mùa xuân năm ngoái để thử nghiệm radar, một nhóm các nhà khoa học của NASA đã phát hiện ra điều gì đó bất thường.

Khu căn cứ tối mật bị lãng quên

Ẩn sâu bên trong lớp băng có một cụm cấu trúc giống như các khu định cư được kết nối với nhau bằng các đường hầm. Chúng trông chẳng khác gì một nền văn minh bị chôn vùi dưới lớp băng.

“Chúng tôi giống như đang bay phía trên một hành tinh khác. Thật khó để tưởng tượng ai hoặc thứ gì sống sót dưới đó”, Chad Greene, một nhà khoa học của NASA có mặt trên chuyến bay, chia sẻ.

Tuy nhiên, những gì các nhà khoa học nhìn thấy trên màn hình radar của họ không phải một nền văn minh bị lãng quên mà thực chất là tàn tích của một căn cứ quân sự mà Mỹ xây dựng phía dưới lớp băng dày trong thời Chiến tranh Lạnh.

Căn cứ này là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng và bí mật của Lầu Năm Góc, được biết tới với cái tên: Dự án Iceworm. Theo đó, Mỹ muốn xây một mạng lưới các điểm phóng tên lửa hạt nhân bên dưới lớp băng Bắc Cực. Địa điểm này được thiết kế để lưu trữ 600 tên lửa đạn đạo tầm trung, điều phản ánh sự can thiệp của Mỹ vào Greenland trong hơn nửa thế kỷ qua.

Khu vực này được gọi là Trại Century. Người ta bắt đầu xây dựng nó vào năm 1959 và bị bỏ hoang năm 1967 sau khi lớp băng được cho là quá bất ổn với mạng lưới tên lửa đạn đạo Mỹ định lắp đặt. Trải qua nhiều năm, băng tích tụ khiến cơ sở này bị chôn vùi ở độ sâu lên tới hơn 30m.

Người ta phát hiện 21 đường hầm thông nhau trải dài gần 2 dặm được đào trực tiếp vào lớp băng. Nguồn điện của căn cứ là một lò phản ứng hạt nhân nằm cách đó gân 200km. Nơi đây có khu ngủ, phòng tập thể dục, nhà vệ sinh, phòng thí nghiệp và nhà ăn, đủ đáp ứng nhu cầu của 200 quân nhân.

Tàn tích trỗi dậy theo cách đầy “bất ngờ”

Tới thời điểm hiện tại, tàn tích này gần như không còn ý nghĩa về mặt quân sự và sự tồn tại của nó cũng đã được giải mật. Tuy nhiên, Trại Century lại là lời nhắc về sự hiện diện sâu rộng của Mỹ trên vùng lãnh thổ vốn thuộc Đan Mạch. Trong lịch sử, để duy trì chủ quyền với Greenland, Đan Mạch đã phải từ bỏ một phần lãnh thổ khác cho Mỹ.

Gần đây, Greenland bất ngờ thu hút sự chú ý khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đưa nó trở lại Mỹ. Thậm chí, ông Trump còn đe dọa chiếm lại hòn đảo lớn nhất thế giới này bằng vũ lực với lý do “an ninh quốc gia” của Mỹ.

Các quan chức Greenland và Đan Mạch đang cố gắng chống lại đòi hỏi của ông Trump, thậm chí sẵn sàng chấp nhận quân đội Mỹ hiện diện nhiều hơn trên đảo. Trước đó, trong chiến tranh Lạnh, Mỹ có 17 căn cứ quân sự tại đây, bao gồm cả Trại Century và có khoảng 10.000 quân đồn trú. Ngày nay, số lượng chỉ còn 200 người, gói gọn trong Căn cứ Không gian Putuffik, trước đây là Căn cứ Không quân Thule.

Không chỉ giàu khoáng sản, Greenland còn án ngữ ở vị trí chiến lược và bị nhiều quốc gia tranh giành trong Thế chiến 2. Vào thời điểm Đức chiếm đóng Greenland năm 1940, hòn đảo này thuộc Đan Mạch. Mỹ lo ngại việc Đức chiếm hòn đảo này có thể khiến các căn cứ quân sự của họ nằm gần lãnh thổ Mỹ hơn.

Năm 1941, Đại diện Đan Mạch tại Washington đã bất quân chỉ thị từ Copenhagen, ký một thỏa thuận chuyển giao trách nhiệm phòng thủ Greenland cho Mỹ và trao cho Washington quyền thiết lập các căn cứ trên đảo. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Mỹ từ chối yêu cầu rời đi của Đan Mạch và đề nghị mua lại hòn đảo này với giá 100 triệu USD nhưng bị từ chối. Năm 1951, Quốc hội Đan Mạch phê chuyển hiệp ước được ký năm 1941, cho phép Mỹ duy trì quân đội trên đảo.

Trại Century ra đời trong giai đoạn đó. Và cho đến hiện nay, các chính trị gia Đan Mạch vẫn nói rằng Mỹ có thể xây căn cứ quân sự trên đảo nếu muốn. Giới chức Đan Mạch khẳng định điều này nhưng cũng không quên nhấn mạnh họ phản đối việc cho phép Mỹ tiếp quản toàn bộ lãnh thổ này.

Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết: “Vào những năm 1940, Đan Mạch đã học được bài học là nếu nói không với Mỹ, người Mỹ vẫn không dừng lại. Có lẽ, lần này, họ sẽ thỏa hiệp bằng cách chuyển giao một phần an ninh của hòn đảo cho Mỹ để tiếp tục duy trì chủ quyền”.

Tham khảo: WSJ

Hồng Duy

Đời sống Pháp luật

Từ Khóa:
Trở lên trên