Sốc với giá đổi tiền mới mừng tuổi “ăn” tới 30%
Tiền nguyên cọc theo seri được hét giá như sau: Tiền 10.000-20.000đ phí 15%, tiền 2.000-5.000đ phí là 30%, tiền 50.000đ phí là 6% và tiền 100.000-200.000đ phí 4%.
Càng gần đến Tết, dịch vụ đổi tiền càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Khác với tiền lẻ mệnh giá nhỏ dưới 2.000 đồng mà người dân quen dùng để đi đền chùa có thể đổi rải rác suốt cả tháng Giêng, thì nhu cầu đổi tiền mới từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng tiền mới để mừng tuổi lại chỉ chủ yếu đổi đến hết ngày 30 Tết là dừng. Thế nên, vào những ngày cao điểm này, giá đổi tiền lên tục bị hét trên trời, thậm chí tới 10%, tức là cứ 1 triệu đồng thì mất phí 100 nghìn đồng.
Trên các diễn đàn mạng, nhan nhản các lời rao đổi tiền mới với mức giá lên tới 10%-30%. Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền, chúng tôi toát mồ hôi hột khi nhận được bảng phí. Theo đó, tiền nguyên cọc theo seri được hét giá như sau: Tiền 10.000-20.000đ phí 15%, tiền 2.000-5.000đ phí là 30%, tiền 50.000đ phí là 6% và tiền 100.000-200.000đ phí 4%.
Như vậy, với mức giá cao nhất, khi đổi 1 triệu đồng tiền mới, người đổi phải trả thêm tới 300.000 đồng. Đây cũng là mức giá mà các điểm đổi tiền “chợ đen” giao dịch. Chỉ có điều khác là ở trên mạng, tình trạng rao bán công khai, thì ở “chợ đen”, hoạt động có phần lén lút hơn do lo ngại các lực lượng chức năng kiểm tra.
Về phía NHNN chi nhánh Hà Nội, để ngăn chặn tình trạng đổi tiền lẻ lấy lãi, đặc biệt là việc dùng tiền lẻ rải khắp các đền, chùa, ngay từ giữa tháng 1, đơn vị này đã phối hợp với các sở, ngành liên quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an TP Hà Nội… cùng ngồi lại để bàn cách hạn chế thói quen dùng tiền lẻ đi lễ chùa. Được biết, trong năm 2013, chi nhánh này đã thu về tiền loại mệnh giá 500 đồng khoảng 900 bao tiền (9 tỷ đồng), trong khi chi phí in ấn và phát hành số tiền này vào khoảng 30 tỷ đồng, gấp 3 lần mệnh giá.
Tính đến cuối ngày 14/1, số tiền mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống chiếm gần 50% diện tích kho tiền, nhưng giá trị chỉ khoảng 5% so với tổng giá trị tiền tại kho. Điều này đã gây khó khăn cho việc sắp xếp kiểm kê, kiểm đến và xuất nhập tiền. Vì thế, cùng với việc giảm cung, Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và từ bỏ thói quen không đúng khi dùng tiền lẻ đi lễ chùa.
Các giải pháp cụ thể như in đĩa tuyên truyền, tận dụng hệ thống loa phường, xã, hay tại các đình chùa… tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền lẻ đúng mục đích đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Các lực lượng chức năng khác như Công an TP Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh đổi tiền lấy lãi, đặc biệt tại các khu vực lễ hội, đền chùa hoặc kinh doanh trên mạng, gây ảnh hưởng xấu đến lưu thông tiền tệ trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội khẳng định: “Nếu phát hiện ra tình trạng nhân viên NH “tuồn” tiền lẻ từ NH ra ngoài, chúng tôi sẽ yêu cầu lãnh đạo các NHTM có hình thức xử lý nghiêm khắc. NHNN cũng đã có văn bản vận động cán bộ NH không đi chùa hoặc thờ tự bằng cách bỏ tiền nhỏ lẻ. Còn riêng với họat động đổi tiền lẻ lấy lãi của một số đối tượng, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. Các hoạt động kinh doanh tiền tệ đều phải có phép. Nếu đổi tiền lẻ không phép là sai quy định và sẽ bị xử lý nghiêm khắc”, bà Sương nhấn mạnh.
Theo Hà An
CÙNG CHUYÊN MỤC

VNPAY đạt chứng chỉ bảo mật MPoC toàn cầu cho giải pháp PhonePOS
10:00 , 12/05/2025
ACB là ngân hàng đầu tiên hiện thực hóa Nghị quyết 68 bằng hành động cụ thể
07:30 , 12/05/2025