Sáng 12/5: Giá vàng SJC và vàng nhẫn đồng loạt giảm sâu, giá vàng thế giới lao dốc
Sáng 12/5, một doanh nghiệp vàng điều chỉnh giảm bình 500.000 đồng - 1 triệu đồng/lượng đối với cả vàng nhẫn và vàng SJC.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 12/5, Công ty VBĐQ Mi Hồng tại TP.HCM điều chỉnh giảm giá vàng nhẫn, vàng SJC tới 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Hiện, giá vàng nhẫn tại đây niêm yết ở mức 114 – 116 triệu đồng/lượng, trong khi vàng SJC giao dịch quanh mức 119 – 121 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Công ty SJC và DOJI chưa thay đổi giá àng so với cuối tuần trước. Giá vàng miếng tại các doanh nghiệp này hiện vẫn duy trì quanh ngưỡng 120 – 122 triệu đồng/lượng.
Về giá vàng nhẫn, Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 117 – 120 triệu đồng/lượng; PNJ giữ ở mức 114 – 116,6 triệu đồng/lượng; Công ty SJC và DOJI lần lượt chào bán ở mức 114,5 – 117 triệu đồng/lượng và 111,7 – 114,5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm sâu, hiện giao dịch quanh mức 3.282 USD/ounce, mất tới 41 USD so với phiên trước. Theo khảo sát hàng tuần của Kitco News, giới phân tích đang phân hóa mạnh về xu hướng giá vàng trong ngắn hạn. Trong số 15 chuyên gia Phố Wall tham gia khảo sát, tỷ lệ dự báo giá tăng, giảm và đi ngang đều ở mức 33%. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng sau các biến động mạnh gần đây.
Ngược lại, phần lớn nhà đầu tư cá nhân vẫn tỏ ra lạc quan với triển vọng tăng giá của vàng. Tuần qua, giá vàng ghi nhận biên độ dao động tới 6%. Hai tuần trước đó, mức dao động lần lượt là gần 5% và gần 10%.
Trong 25 năm qua, mức biến động trung bình hàng ngày của vàng thường chỉ ở mức 1 – 2%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng lên 2,3%. Mức biến động cao khiến giao dịch trở nên khó lường, nhưng về dài hạn, vàng vẫn giữ vững vai trò là kênh trú ẩn chiến lược trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, áp lực lạm phát và gánh nặng nợ công toàn cầu tiếp tục gia tăng.
Các chuyên gia dự báo vàng sẽ tiếp tục biến động trong tuần tới khi Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp cấp cao vào cuối tuần để thảo luận về thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, hai câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ: mức độ thiệt hại thực sự đối với nền kinh tế thế giới là bao nhiêu và thời gian phục hồi sẽ kéo dài đến khi nào?
Chừng nào chưa có câu trả lời rõ ràng, vàng vẫn sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn. Báo cáo mới nhất từ FTSE Russell nhận định danh mục đầu tư truyền thống 60/40 đang dần mất đi hiệu quả, và vàng nên chiếm tỷ trọng tới 20% trong danh mục đầu tư.
“Vàng không còn đơn thuần là tài sản phòng thủ, mà đã trở thành công cụ chiến lược năng động giúp nhà đầu tư điều hướng hiệu quả trong không gian đa tài sản,” báo cáo nhấn mạnh.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, nhà đầu tư vẫn duy trì sự quan tâm mạnh mẽ với vàng. Đáng chú ý, nhu cầu tại châu Á vẫn tăng trưởng bền bỉ dù đã thống trị thị trường trong hai năm qua. Trong tháng trước, các quỹ ETF vàng tại châu Á ghi nhận lượng mua ròng lên tới 69,6 tấn, trị giá 7,31 tỷ USD. Trong khi đó, các quỹ tại Bắc Mỹ chỉ thu hút dòng tiền tương đương 44,2 tấn, trị giá 1,83 tỷ USD.
Với nhu cầu mạnh mẽ như vậy, không bất ngờ khi ngày càng nhiều tổ chức tài chính dự báo vàng có thể đạt mốc 4.000 USD/ounce trong thời gian tới. Trong đó, Bank of America đang là đơn vị đưa ra dự báo lạc quan nhất, cho rằng mức giá này có thể đạt được ngay trong năm nay.
Nhịp sống thị trường
CÙNG CHUYÊN MỤC

ACB là ngân hàng đầu tiên hiện thực hóa Nghị quyết 68 bằng hành động cụ thể
07:30 , 12/05/2025
Ngân hàng nào cho vay mua nhà ưu đãi nhất đầu tháng 5/2025?
18:44 , 11/05/2025