MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật về nhiễu loạn máy bay: Cảm giác đáng sợ nhưng có nguy hiểm?

21-05-2025 - 09:18 AM | Tài chính quốc tế

Nhiễu loạn khi bay – cảm giác như máy bay rơi tự do giữa không trung – là nỗi sợ của nhiều hành khách. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp nhiễu loạn không hề nguy hiểm.

Nhiễu loạn xảy ra khá phổ biến trên các chuyến bay - khi hành khách có cảm giác chao đảo bất ngờ trong hành trình. Dù đôi khi có những tin tức về nhiễu loạn khi bay khiến nhiều người lo lắng về an toàn bay, tuy nhiên trên thực tế, có rất ít ca thương tích xảy ra do nhiễu loạn.

Sự thật về nhiễu loạn máy bay: Cảm giác đáng sợ nhưng có nguy hiểm?- Ảnh 1.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), từ năm 2009 đến 2021, mỗi năm chỉ ghi nhận khoảng 5–18 trường hợp chấn thương nghiêm trọng liên quan đến nhiễu loạn.

Nhiễu loạn là gì?

FAA định nghĩa nhiễu loạn là "chuyển động không khí tạo ra bởi áp suất khí quyển, luồng phản lực, địa hình như núi non, các mặt trận thời tiết hoặc giông bão".

Hiểu đơn giản, đó là khi không khí "xáo động" giống như mặt biển gợn sóng, khiến máy bay bị rung lắc. Hiện tượng này xảy ra không chỉ trong không khí, mà còn trong các chất lỏng khác như nước, máu trong cơ thể, hoặc thậm chí trong plasma trên bề mặt Mặt Trời.

Nhiễu loạn là hiện tượng vật lý tự nhiên, đặc trưng bởi tính hỗn loạn và nhạy cảm với những thay đổi nhỏ. Ví dụ: sự thay đổi nhiệt độ hoặc địa hình (như dãy núi) có thể khiến không khí biến động mạnh.

Sự thật về nhiễu loạn máy bay: Cảm giác đáng sợ nhưng có nguy hiểm?- Ảnh 2.

Điều khiến nhiễu loạn trở nên khó dự đoán, chính là bản chất hỗn loạn đó. Tuy nhiên, nhiễu loạn không đủ để khiến máy bay gặp nạn.

“Nhiễu loạn là bình thường – nó là một phần của bầu trời,” phi công thương mại Patrick Smith chia sẻ với The Washington Post. “Hầu như chuyến bay nào cũng gặp phải. Với phi hành đoàn, đó là vấn đề về sự thoải mái, không phải an toàn.”

Máy bay có thể chịu được mức độ nhiễu loạn như thế nào?

Máy bay hiện đại được thiết kế để chịu áp lực rất lớn. Theo GS Darren Ansell (Đại học Central Lancashire), “ngay cả khi gặp nhiễu loạn rất nghiêm trọng, máy bay cũng không vượt quá giới hạn thiết kế.”

Ông Graham Gratton, phó giáo sư ngành Hàng không & Môi trường tại Đại học Cranfield (Anh), khẳng định:

“Máy bay được thiết kế để chịu được những tình huống tồi tệ nhất mà nhiễu loạn có thể gây ra. Gần như không có khả năng nhiễu loạn làm hư hại nghiêm trọng hoặc phá hủy máy bay.”

Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh: nhiễu loạn không phải thứ mà phi công muốn đối mặt.

Sự thật về nhiễu loạn máy bay: Cảm giác đáng sợ nhưng có nguy hiểm?- Ảnh 3.

“Nó không mang lại lợi ích gì cho chuyến bay. Chính vì thế, phi công luôn cố gắng tránh hoặc giảm tốc độ khi bay qua khu vực có nhiễu loạn, đồng thời bật tín hiệu thắt dây an toàn cho hành khách.”

Tuy hiếm, nhưng vẫn có tai nạn do nhiễu loạn – như vụ rơi máy bay ở Núi Phú Sĩ năm 1966 do kết hợp lỗi con người và thời tiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thiết kế máy bay ngày nay an toàn hơn rất nhiều và gần như không thể bị rơi vì nhiễu loạn thông thường.

Trong vài trường hợp nghiêm trọng, máy bay có thể rơi đột ngột khiến phi công mất kiểm soát tạm thời. Nhưng nguy hiểm chủ yếu đến từ việc hành khách không thắt dây an toàn, dẫn đến bị hất văng khỏi ghế, va chạm với trần hoặc các vật cứng khác.

Vì vậy, FAA luôn khuyến nghị: Luôn thắt dây an toàn khi ngồi, dù máy bay đang bay êm. Đó là lý do biển báo dây an toàn luôn hiện diện phía trên mỗi hàng ghế.

Làm gì để an toàn trải qua nhiễu loạn trên các chuyến bay?

Nếu bạn lo lắng, có vài mẹo giúp chuyến bay "êm ái" hơn khi trải qua nhiễu loạn:

  • Chọn ghế ở giữa, gần cánh máy bay nếu có thể bởi đây là khu vực ít rung lắc nhất.

  • Luôn thắt dây an toàn. Điều này giúp bạn an toàn nếu có rung lắc bất ngờ.

  • Cố định đồ đạc cá nhân. Để tránh đồ đạc bay lung tung, gây thương tích.

  • Tự nhắc bản thân rằng: Máy bay đã được thiết kế để bay xuyên qua nhiễu loạn, các ca thương tích do nhiễu loạn rất hiếm và trên hết, nhiễu loạn không khiến máy bay rơi.

Nguồn: Business Insider, BBC

Theo Phạm Trang

Đời sống & pháp luật

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên