Quốc gia chủ chốt BRICS có động thái cứng rắn sau nhiều lần nhún nhường: Tuyên bố sẽ áp thuế mạnh tay với loại hàng hoá quan trọng của Mỹ
Ấn Độ - quốc gia lớn trong BRICS, mới đây cho biết sẽ đáp trả việc Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm của nước này.

Các quan chức của quốc gia thành viên BRICS này khẳng định tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ vẫn đang diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, New Delhi đang thể hiện lập trường cứng rắn hơn, trong bối cảnh Trung Quốc gần đây công khai đáp trả các chính sách thương mại của Washington.
Theo những nguồn tin thân cận với tiến trình đàm phán, Ấn Độ và Mỹ dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận thương mại đầu tiên vào mùa thu năm nay. Dẫu vậy, vẫn chưa rõ liệu một thỏa thuận tạm thời có thể được hoàn tất trước đầu tháng 7, thời điểm Mỹ dự kiến áp dụng các mức thuế trả đũa mới, hay không.
Hôm thứ Hai, New Delhi đã đe dọa sẽ áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ, nhằm phản ứng lại việc Washington tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu. Động thái này được đánh giá là một chiến thuật đàm phán mới, trước khi phái đoàn cấp cao do Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal dẫn đầu tới Mỹ tham gia vòng đàm phán thương mại từ ngày 17 đến 20/5.
Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ấn Độ đang chuyển hướng từ "nhún nhường" sang một lập trường quyết đoán hơn. Đầu năm nay, Thủ tướng Narendra Modi từng đưa ra nhiều động thái nhượng bộ nhằm xoa dịu Nhà Trắng, từ các vấn đề thương mại đến nhập cư. Tuy nhiên, việc liên tục dùng thương mại như “quân bài chính trị” của ông Trump đang khiến New Delhi ngày càng không hài lòng.
“Cho đến nay, Mỹ vẫn đang áp đặt điều kiện cho Ấn Độ,” Biswajit Dhar, giáo sư tại Hội đồng Phát triển Xã hội ở New Delhi, nhận định. “Đây là lần đầu tiên Ấn Độ cho thấy mình sẵn sàng phản kháng và thực hiện những bước đi sòng phẳng.”
Tổng thống Trump đã áp mức thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu từ tháng 3. Sau khi gửi thông báo đến WTO, Ấn Độ đã đề xuất đình chỉ các nhượng bộ thương mại tương đương và áp dụng các khoản thuế tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Việc Ấn Độ chọn thời điểm hiện tại để đáp trả được cho là có liên quan đến quyết định bất ngờ của Mỹ trong tuần qua, khi Washington giảm mạnh thuế với hàng hóa Trung Quốc.
“Trung Quốc và Mỹ đã ký thỏa thuận cho thấy Ấn Độ cũng phải hành động mạnh mẽ hơn,” Dhar nhấn mạnh.
Khi chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Goyal diễn ra, dư luận đang chờ đợi xem liệu New Delhi có duy trì lập trường cứng rắn trên bàn đàm phán hay không. Thuế trả đũa mà Ấn Độ dự kiến áp lên hàng Mỹ giờ đây sẽ trở thành một phần trong nội dung đàm phán chính thức.
Priyanka Kishore, nhà sáng lập công ty tư vấn Asia Decoded có trụ sở tại Singapore, nhận định: “Cảm giác đang lan rộng ở Ấn Độ là chính phủ đang nhượng bộ quá nhiều trong đàm phán với Mỹ. Đây là cơ hội để Ấn Độ khẳng định lại vị thế như một đối tác thương mại bình đẳng.”
Đây không phải là lần đầu tiên căng thẳng liên quan tới thuế quan giữa Ấn Độ và Mỹ xảy ra. Năm 2019, quốc gia Nam Á này từng tăng thuế đối với 28 loại hàng hoá của Mỹ bao gồm hạnh nhân, táo và quả óc chó, sau khi chính quyền ông Trump áp thuế lên thép và nhôm vào năm 2018.
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường
CÙNG CHUYÊN MỤC
