Phát hiện 83 tấn vàng dùng để vay thế chấp tại nhiều ngân hàng ở Trung Quốc là vàng giả

Ảnh minh hoạ
Đây là vụ lừa đảo vay vốn liên quan đến vàng lớn nhất lịch sử Trung Quốc, với số vàng giả lên đến hơn 80 tấn, giá trị khoản vay thu được khoảng 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương gần 700.000 tỷ Việt Nam đồng).
- 25-05-2025Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới tinh vi qua giao dịch vàng
- 24-05-2025Bảo hiểm nhân thọ hết thời tư vấn mập mờ
- 24-05-2025Bệnh liệt giường vẫn phải có mặt để quét sinh trắc học và rút sổ tiết kiệm 180 triệu, cụ bà qua đời sau 2 tiếng chờ đợi: Ngân hàng Trung Quốc lên tiếng nói “sự thật”?
Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã tuyên án sơ thẩm vụ án lừa đảo tài chính liên quan đến công ty Kim Hoàng (Kingold Jewelry) – một trong những nhà sản xuất trang sức vàng lớn nhất Trung Quốc. Bị cáo chính, ông Giả Chí Hoằng (Jia Zhihong), Chủ tịch công ty, bị kết án tù chung thân và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.
Đây được coi là vụ án lừa đảo vay vốn lớn nhất liên quan đến vàng trong lịch sử Trung Quốc, với số vàng giả lên đến hơn 80 tấn, giá trị khoản vay thu được khoảng 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương gần 700.000 tỷ đồng tiền Việt Nam).
Ông Giả Chí Hoằng sinh năm 1961, từng học cao học quản trị kinh doanh tại Đại học Vũ Hán. Trước khi lập nghiệp, ông có thời gian phục vụ trong quân đội và sinh sống tại Hồng Kông.
Năm 2002, ông mua lại một nhà máy chế tác vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Hồ Bắc, rồi đổi tên thành Kim Hoàng. Mục tiêu của ông là đưa công ty trở thành doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trong ngành trang sức vàng.
Năm 2008, Kim Hoàng nộp hồ sơ lên sàn chứng khoán A-share (nội địa Trung Quốc) nhưng bị từ chối do các vấn đề như khai khống tài sản, tăng trưởng lợi nhuận bất thường, chuyển nhượng cổ phần liên tục và nghi ngờ trốn thuế.
Sau đó, ông chuyển hướng ra quốc tế, tận dụng danh tiếng của công ty trong ngành trang sức vàng, và niêm yết thành công trên sàn Nasdaq (Mỹ) năm 2010 dưới hình thức cổ phiếu đỏ (red chip). Tuy nhiên, sau thời gian ngắn thăng hoa, cổ phiếu Kim Hoàng nhanh chóng lao dốc và nhiều năm chỉ giao dịch quanh mức 1 USD.
Từ năm 2015, ông Giả bắt đầu triển khai mô hình vay vốn quy mô lớn từ các tổ chức tài chính thông qua hình thức "vàng thế chấp kết hợp bảo hiểm tín dụng". Theo đó, Kim Hoàng dùng vàng làm tài sản bảo đảm và mua thêm bảo hiểm để tăng độ tin cậy cho khoản vay.
15 tổ chức tài chính, bao gồm các công ty tín thác như Dân Sinh, Đông Quản, An Tín, Tứ Xuyên... đã tham gia cho vay với tổng số tiền khoảng 200 tỷ Nhân dân tệ. Quá trình kiểm định vàng được thực hiện chặt chẽ: quay video giám sát, kiểm tra quang phổ, kiểm nghiệm độc lập từ đơn vị có thẩm quyền, khóa bảo hiểm lưu trữ được cài đặt nhiều lớp bảo mật.
Tuy nhiên, sau khi Kim Hoàng mất khả năng trả nợ, các tổ chức cho vay bắt đầu yêu cầu kiểm tra lại tài sản bảo đảm. Kết quả gây chấn động: số vàng đem thế chấp chỉ là các thỏi đồng hợp kim được mạ vàng bên ngoài.
Đến năm 2020, vụ việc dần bị phanh phui. Đông Quản Tín Thác phát hiện một thỏi vàng 1kg là giả. Dân Sinh Tín Thác cũng mở két kiểm tra và nhận được kết quả tương tự. Các đơn vị khác sau đó đồng loạt yêu cầu kiểm tra và đều phát hiện toàn bộ 83 tấn vàng thế chấp đều là giả.
Số tiền bị thiệt hại chủ yếu tập trung tại 5 tổ chức: Dân Sinh Tín Thác: 4,1 tỷ Nhân dân tệ; Ngân hàng Hằng Phong: 3,9 tỷ; Đông Quản Tín Thác: 3,4 tỷ; An Tín Tín Thác: 1,9 tỷ; Tứ Xuyên Tín Thác: 1,8 tỷ.
Các tổ chức tài chính tìm cách yêu cầu bồi thường từ các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, phía bảo hiểm từ chối chi trả vì cho rằng sự cố không thuộc các điều khoản rủi ro được bảo hiểm như cháy, nổ, sét đánh, vật thể rơi từ không trung, trộm cắp hoặc cướp có vũ trang.
Một số chuyên gia tài chính nhận định, ông Giả đã tận dụng tốt khoảng trống giữa hệ thống ngân hàng, bảo hiểm và tín thác để thực hiện hành vi lừa đảo. Vụ việc cho thấy sự thiếu phối hợp và lỏng lẻo trong quy trình giám sát tài sản bảo đảm.
Số tiền huy động được từ các khoản vay được ông Giả sử dụng để thực hiện thương vụ lớn: mua lại Tập đoàn Tam Hoàn, một doanh nghiệp nhà nước tại Hồ Bắc, cùng công ty con niêm yết là Công ty Vòng bi Tương Dương.
Thương vụ trị giá gần 70 tỷ Nhân dân tệ, trong đó chỉ có khoảng 28 tỷ là vốn tự có, phần còn lại đến từ các khoản vay có tài sản đảm bảo là vàng (thực chất là giả). Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền sở hữu bị đình trệ do vụ án tham nhũng tại Tam Hoàn khiến các lãnh đạo liên quan bị bắt giữ.
Từ cuối năm 2019, Kim Hoàng rơi vào khủng hoảng tài chính, mất khả năng thanh toán hàng loạt khoản vay đến hạn. Theo hợp đồng, các tổ chức cho vay được quyền xử lý tài sản thế chấp và từ đó phát hiện sự việc lừa đảo.
Sau khi vụ việc bị phát hiện, Kim Hoàng bị hủy niêm yết, ông Giả Chí Hoằng và các nhân sự liên quan bị bắt giữ. Với bản án tù chung thân và tịch thu tài sản, ông Giả đã phải trả giá cho hành vi của mình. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong vụ án vẫn chưa được công bố chính thức.
Một câu hỏi lớn chưa có lời giải: Làm thế nào vàng thật khi nhập kho lại trở thành vàng giả khi kiểm tra? Luật sư La Đức Húc (Văn phòng luật sư Húc Thụy, Quảng Đông) cho rằng nhiều khả năng có sự cấu kết giữa nội bộ công ty Kim Hoàng và nhân viên của các tổ chức tài chính để tráo đổi tài sản. Tuy nhiên, các phán đoán này cần được làm rõ qua kết luận điều tra chính thức từ cơ quan chức năng.
An ninh tiền tệ
CÙNG CHUYÊN MỤC

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới tinh vi qua giao dịch vàng
08:34 , 25/05/2025