PGS.TS Trần Đình Thiên: Tăng trưởng không thể bám mãi vào "mặt đất" mà cần mở rộng sang không gian số, không gian biển, thậm chí là vũ trụ
Tại Hội thảo "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô", PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, tư duy mở rộng không gian vật lý sang không gian số, không gian ngầm, không gian trên cao, không gian biển, thậm chí là không gian vũ trụ đang được đặt ra như một mệnh đề phát triển mới.
Trình bày tham luận "Vùng Thủ đô: Sứ mệnh, tầm nhìn và khát vọng trong kỷ nguyên mới", PGS. TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng cho biết, vùng Thủ đô thực tế không phải là khái niệm mới. Tuy nhiên, cách nhìn nhận, cách tiếp cận và kỳ vọng đặt vào vùng không gian địa lý đặc biệt này hiện nay đang đổi thay theo chiều sâu và chiều rộng, phản ánh một bối cảnh mới, tư duy mới và cả những thách thức mang tính bước ngoặt.

PGS. TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng.
Vùng Thủ đô nay đang được tái định hình như một không gian tăng trưởng chiến lược của quốc gia và là một vùng động lực thực sự, có khả năng tạo đà bứt phá trong kỷ nguyên mới. Khi quốc gia xác lập vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, thì Vùng Thủ đô cũng chuyển dịch vai trò, từ vệ tinh của Hà Nội thành cực phát triển cấp vùng trong cấu trúc kinh tế - chính trị - xã hội hiện đại.
2025 được xem là năm bản lề khi lần đầu tiên Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, chuỗi cung ứng gián đoạn và nhiều chính sách mới như thuế đối ứng tạo nên tác động ở phạm vi rộng lớn. Từ năm 2026, Việt Nam dự kiến bước vào kỷ nguyên vươn mình với kỳ vọng tăng trưởng 2 con số, chưa từng xảy ra trong lịch sử hiện đại.
"Đây là biểu hiện cho một bước ngoặt, từ nền kinh tế dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ sang nền kinh tế sáng tạo, công nghệ cao. Từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu. Từ có tăng trưởng sang tăng trưởng chất lượng cao. Và để làm được điều đó, không gian tăng trưởng cần được mở rộng về cả chiều vật lý lẫn chiều số", PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nói rằng, tăng trưởng không thể bám mãi vào "mặt đất" với những giới hạn về quỹ đất, hạ tầng, dân số. Tư duy mở rộng không gian vật lý sang không gian số, không gian ngầm, không gian trên cao, không gian biển, thậm chí là không gian vũ trụ, đang được đặt ra như một mệnh đề phát triển mới. Và Vùng Thủ đô, với lợi thế kết nối dựa núi hướng biển, có thể trở thành tâm điểm của xu hướng phát triển đa không gian.
Chuyển đổi từ mô hình đô thị lõi sang hệ thống đô thị nối dài với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đang đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mô hình đại đô thị tích hợp công nghiệp dịch vụ, đô thị xanh thông minh nghỉ dưỡng bắt đầu hình thành. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ mới, từ bị động tiếp nhận nhu cầu giãn dân, sang chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư quy mô lớn, đa dạng và bền vững.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách thể chế toàn diện từ trên xuống. Việc tinh giản bộ máy và sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính theo hướng chiến lược là biểu hiện của tư duy cải cách triệt để. Với 4 nghị quyết của Bộ Chính trị đã được ban hành (Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới; Nghị quyết 66 về cải cách thể chế; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân), đây được xem là "bộ tứ chiến lược", đang tạo ra đòn bẩy về tư tưởng, chủ trương, đường lối để đột phá thể chế, mở rộng không gian tăng trưởng và xóa bỏ các điểm nghẽn lịch sử.
Với tinh thần "không gì là không thể" như cách ngành năng lượng quyết liệt xây dựng đường dây 500kV mạch 3, tư duy làm việc phi thường đang dần tạo hiệu ứng lan tỏa, vị chuyên gia cho hay.
Vùng Thủ đô trong tư duy mới không chỉ là không gian gắn với Hà Nội, mà là trung tâm của trung tâm, là điểm hội tụ và lan tỏa của các nguồn lực phát triển. Việc mời gọi các "đại bàng công nghệ", kết nối các chuỗi giá trị mới, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đều đang tạo ra hiệu ứng hào hứng, sôi sục cho một kỷ nguyên phát triển.
Qua đó, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận: "Đây là thời điểm cần nhận thức rõ, cơ hội không còn nằm ở điểm tựa cũ, mà nằm ở khả năng mở ra không gian mới, cả về địa lý, công nghệ, thể chế và tư duy. Vùng Thủ đô với tất cả lợi thế và vị thế đang được tái cấu trúc, có thể sẽ là nơi chứng kiến những thành tựu phát triển vượt sức tưởng tượng, nếu tận dụng được thế mở đà vươn hiện nay".
Về Vùng Thủ đô, đây là vùng có lợi thế tuyệt đối, bởi trước hết là có Thủ đô Hà Nội và hạ tầng giao thông kết nối cao. Hiện nay, Vùng Thủ đô có 7 đường vành đai bao quanh, trong khi Vùng TP.HCM chỉ mới có 4 đường. Chính điều này sẽ định hình các trung tâm phát triển - tọa độ cho các thị trường bất động sản khu vực này bùng nổ trong thời gian tới. Ngay chính Hà Nội, các địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng hiện cũng đang trở mình và phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh vị trí, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực của Vùng Thủ đô cũng vượt trội hơn hẳn so với nhiều khu vực khác nhờ hội tụ nhiều nhân lực chất lượng. Đây là điều không thể bàn cãi. Vì vậy, dù được nhận diện thế nào thì Vùng Thủ đô cũng sẽ là nơi hội tụ sức mạnh rất lớn - “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Cách tiếp cận là thông ra biển, hướng lên trời.
Quan trọng hơn nữa là nó đang tạo ra sức cộng hưởng tiềm năng về lợi thế, sau khi có sự thay đổi về địa giới hành chính do chính sách sáp nhập tỉnh thành. Do đó, sức cạnh tranh của khu vực này là vượt trội, cấu trúc phát triển của vùng này là đa dạng, vươn lên đẳng cấp cao.
Trong đó, Hà Nội là hạt nhân của khu vực. Luật Thủ đô 2024 vừa rồi được thông qua đã tạo điều kiện rất lớn cho Hà Nội phát triển. Vì vậy, Hà Nội sẽ có “khí thế rồng bay” trong thời gian tới.
Ở các địa phương khác, khi công tác sáp nhập được hoàn thành, tỉnh lỵ mới được định hình lại cũng sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản những khu vực này phát triển, không chỉ ở số lượng mà còn cả chất lượng.
Chúng ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số từ năm 2026. Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chúng ta cần suy nghĩ về việc nếu tăng trưởng GDP 2 chữ số liên tục trong nhiều năm thì điều gì sẽ xảy ra với thị trường này? Đặc biệt, với Vùng Thủ đô, thị trường bất động sản sẽ diễn ra như thế nào? Chắc chắn, sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng cơ hội cũng đi kèm thách thức nếu chúng ta không biết nắm bắt và quản lý. Vì vậy, để có thể tận dụng tối đa những lợi thế, giúp Vùng Thủ đô phát triển xứng với tiềm năng thì rất cần có những chính sách phù hợp, vị chuyên gia cho hay.
An ninh tiền tệ
CÙNG CHUYÊN MỤC
