MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khu vực đang nổi lên như một "thủ phủ" công nghiệp mới, có mức tăng trưởng BĐS cao hơn 1,5 lần bình quân toàn thị trường

15-05-2025 - 15:07 PM | Bất động sản

Khu vực đang nổi lên như một "thủ phủ" công nghiệp mới, có mức tăng trưởng BĐS cao hơn 1,5 lần bình quân toàn thị trường

Theo ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS, Hưng Yên sẽ tiếp tục là điểm nóng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư khi có tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp bất động sản lớn cùng với việc mở rộng khu công nghiệp lên tới 9.200ha.

Tại Hội thảo "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô", ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes nhận định, vùng Thủ đô đang đón nhận cơ hội lớn từ quy hoạch và hạ tầng giao thông. Đặc biệt, hạ tầng giao thông trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản vùng ven Thủ đô. Trong giai đoạn 2021 - 2025, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được phân bổ để đầu tư cho hệ thống giao thông, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Khu vực đang nổi lên như một

Ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes.

Tại những khu vực có hạ tầng giao thông đã và đang hoàn thiện, giá trị bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng ổn định 15 - 20% chỉ trong vòng 12 tháng. Đặc biệt, trục kết nối Hà Nội – Hưng Yên đang chứng kiến tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, với mức tăng trưởng bất động sản cao hơn 1,5 lần so với bình quân toàn thị trường, trở thành điểm nóng mới trong làn sóng đầu tư Vùng Thủ đô.

Ông Chung lý giải, các dự án đô thị thường đi kèm với hệ thống tiện ích đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống từ mua sắm, giáo dục, y tế đến giải trí ngay trong nội khu. Cùng với đó, mạng lưới giao thông phát triển giúp kết nối linh hoạt, rút ngắn thời gian di chuyển đến trung tâm Hà Nội và các khu vực trọng điểm lân cận.

Ngoài ra, môi trường sống tại các khu đô thị này cũng được đánh giá cao nhờ cộng đồng cư dân văn minh, hệ thống quản lý chuyên nghiệp và không gian sống hiện đại. Tất cả tạo nên sức hút lớn cho dòng sản phẩm này, đồng thời đảm bảo tính thanh khoản cao khi giá trị bất động sản có xu hướng ổn định và tăng trưởng theo thời gian.

Tốc độ đô thị hóa tại các tỉnh ven Hà Nội cũng đang diễn ra một cách nhanh chóng, đặc biệt gia tăng mạnh kể từ khi xuất hiện căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thúc đẩy làn sóng dịch chuyển sản xuất và mở rộng đầu tư. Trong bối cảnh đó, sự phát triển của các khu công nghiệp mới kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở và hạ tầng đô thị phục vụ lực lượng lao động.

Tại các thị trường bất động sản mới nổi, lợi thế lớn nhất chính là quỹ đất rộng lớn và chưa được khai thác triệt để. Đây là yếu tố then chốt giúp các địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản như Vingroup, Ecopark, Phú Mỹ Hưng hay Hòa Phát tham gia phát triển những dự án quy mô lớn.

Quỹ đất dồi dào cho phép chủ đầu tư triển khai các dự án được quy hoạch bài bản, thiết kế đồng bộ, đáp ứng xu hướng sống chất lượng cao với mật độ xây dựng thấp, ưu tiên không gian xanh và hệ thống tiện ích công cộng. Đây chính là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong dài hạn, đặc biệt là phân khúc khu công nghiệp và đô thị vệ tinh.

Một lợi thế không thể bỏ qua là mặt bằng giá đất tại các khu vực mới nổi hiện vẫn ở mức cạnh tranh, thấp hơn từ 3 – 5 lần so với Hà Nội tùy vị trí và tiềm năng phát triển. Điều này tạo ra "cơ hội kép" cho cả nhà đầu tư và người mua: vừa giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí phát triển dự án, vừa mở rộng khả năng tiếp cận nhà ở cho đông đảo người dân.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tại nhiều tỉnh thành cũng tích cực đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tiếp cận hạ tầng và đơn giản hóa thủ tục pháp lý nhằm thu hút dòng vốn đầu tư. Môi trường đầu tư cởi mở góp phần rút ngắn thời gian triển khai dự án và nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất tại các thị trường mới nổi.

Với các lợi thế trên, Vùng Thủ đô đang dần hình thành “vành đai phát triển mới” của thị trường bất động sản miền Bắc, trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư trong giai đoạn tới.

Hiện nay, thị trường bất động sản Vùng Thủ đô đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Khu vực kinh tế trọng điểm Bắc – Nam đang nổi lên như một trong những trục phát triển quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt với sự hiện diện của ba trung tâm công nghiệp lớn gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Sự phát triển đồng đều của ba địa phương này đang hình thành nên một trục kinh tế chiến lược, góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ tại đây cũng tạo ra lực đẩy lớn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc khu công nghiệp, nhà ở công nhân và đô thị vệ tinh.

Bên cạnh đó, trục kinh tế Đông Tây cũng là một hành lang phát triển năng động, kết nối ba khu vực chiến lược tại miền Bắc, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và phát triển bền vững.

Đáng chú ý, Hưng Yên đang nổi lên như một "thủ phủ" công nghiệp mới, với sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị vệ tinh hiện đại. Tỉnh này tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, công nghệ cao và chế biến nông sản, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất và chế tạo.

Tại khu vực Hải Dương - Hải Phòng, Hải Phòng đã và đang trở thành trung tâm cảng biển và logistics hàng đầu miền Bắc, với hệ thống cảng nước sâu quốc tế, giúp kết nối thương mại với các thị trường toàn cầu. Hải Dương thì đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ logistics, hỗ trợ nền kinh tế khu vực phát triển đồng bộ và hiệu quả.

Nhật Anh

An ninh tiền tệ

Trở lên trên