Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 575 triệu đồng, 4 năm sau phát hiện tiền đã được chuyển đi mua bảo hiểm, ngân hàng tuyên bố: "Khi cô đủ 100 tuổi mới được rút tiền”

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng với kỳ vọng nhận lãi cao, 4 năm sau, người phụ nữ Trung Quốc bàng hoàng khi biết mình đã ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ và không thể rút tiền.
- 17-05-2025Người đàn ông đem 19,4 tỷ đồng gửi tiết kiệm để kiếm lời, sau 1 năm bỗng được ngân hàng thông báo: “Khoản tiền gửi của anh không tồn tại trong hệ thống”
- 17-05-2025Người phụ nữ gửi tiết kiệm 18 tỷ đồng, một tuần sau quay lại thì tài khoản bằng 0, ngân hàng nói: “Đây không phải lỗi của chúng tôi”
- 16-05-2025Có 1,4 tỷ đồng bồi thường, người phụ nữ mang đi gửi tiết kiệm, 5 năm sau đến rút thì được thông báo: Không có quyền nhận số tiền này
Theo Sohu, năm 2018, cô Trương ở Liêu Ninh, Trung Quốc, đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm thì được thông báo số tiền 160.000 NDT (hơn 575 triệu đồng) gửi vào ngân hàng từ 4 năm trước không thể rút ra như dự định. Điều khiến người phụ nữ này bối rối hơn cả là lý do mà ngân hàng đưa ra: số tiền đó thực chất đã được dùng để mua một gói... bảo hiểm nhân thọ.
4 năm trước đó, cô Trương quyết định mang toàn bộ số tiền tích góp được sau nhiều năm làm việc vất vả đến gửi tiết kiệm tại một ngân hàng ở địa phương. Khi đến quầy giao dịch, cô được nhân viên ngân hàng giới thiệu về một “sản phẩm tài chính” với mức lãi suất hấp dẫn: có thể thu về 2.000 NDT (hơn 7 triệu đồng) tiền lãi mỗi năm - mức lãi khá ấn tượng ở thời điểm đó.
Nghe theo lời nhân viên tư vấn, cô Trương hiểu đây là một dạng gửi tiết kiệm kỳ hạn cao với lãi suất tốt nên đã đồng ý tham gia. Người phụ nữ này cũng đã nhiều lần hỏi lại và được nhân viên ngân hàng khẳng định có thể rút tiền sau 4 năm.
Với lời khẳng định chắc nịch đó, cô Trương yên tâm ký tên rồi ra về. Thế nhưng đến ngày đáo hạn, người phụ nữ này đến ngân hàng để rút tiền thì được thông báo rằng số tiền trên không phải là tiền gửi tiết kiệm, mà là khoản phí được đóng cho một gói bảo hiểm nhân thọ. Theo hợp đồng đã ký kết, điều kiện để rút tiền là cô Trương phải sống đến hơn 100 tuổi hoặc trong trường hợp không mong muốn là khi người thụ hưởng qua đời.

Ảnh minh họa: Sohu
Nghe vậy, cô Trương vừa bàng hoàng, vừa thất vọng. Người phụ nữ này cho biết cô không hề biết mình đã mua bảo hiểm: “Tôi chỉ là một người nội trợ, kiến thức tài chính hạn chế. Khi đó tôi tin lời nhân viên vì nghĩ rằng gửi tiền ở ngân hàng là an toàn nhất. Tôi không hề nghĩ đó tiền của mình lại được dùng để mua bảo hiểm.”
Tình thế càng khó khăn hơn khi cô Trương chưa từng kể với chồng về khoản tiền tiết kiệm này. Giờ đây, khi sự việc vỡ lở, người phụ nữ này không biết nên giải thích ra sao. Cô Trương cho biết cô vô cùng hối hận vì đã tin vào lời giới thiệu của nhân viên ngân hàng mà không đọc kỹ hợp đồng.
Không những vậy, trong vụ việc này, nhân viên ngân hàng giúp cô Trương làm thủ tục gửi tiền cũng đã nghỉ việc từ lâu. Điều này khiến việc xác minh thêm thông tin gặp không ít khó khăn. Phía ngân hàng cho biết họ sẽ tiến hành điều tra nội bộ để làm rõ vụ việc trước khi đưa ra hướng giải quyết chính thức.
Mặc dù kết quả xử lý vụ việc không được công bố, nhưng ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, nó đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng mạng Trung Quốc. Nhiều người nhận ra rằng trường hợp của cô Trương không phải là cá biệt. Trên thực tế, rất nhiều người dân Trung Quốc, đặc biệt là người lớn tuổi, cũng từng rơi vào tình huống tương tự khi nhầm lẫn giữa tiền gửi tiết kiệm và sản phẩm bảo hiểm do bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng hoặc sử dụng những thuật ngữ tài chính khó hiểu.
Từ vụ việc này, các chuyên gia tài chính Trung Quốc cũng khuyến cáo mọi người cần hết sức thận trọng khi tham gia các sản phẩm tài chính. Về phía ngân hàng, việc đảm bảo tính minh bạch trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng là điều bắt buộc, nhất là khi làm việc với những khách hàng không am hiểu sâu về tài chính. Các chuyên gia cho rằng sai sót trong tư vấn, dù vô tình hay cố ý, cũng đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về mặt tài chính và uy tín của các tổ chức tài chính.
(Theo Sohu)
Đời sống và Pháp luật