MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dùng xe điện Xiaomi dính bẫy cập nhật phần mềm - công suất xe giảm gần nửa, muốn mở khóa phải đi vào trường đua

28-05-2025 - 19:28 PM | Tài chính quốc tế

Sự việc cho thấy khi xe hơi ngày càng giống những chiếc máy tính di động hơn là phương tiện cơ khí truyền thống, ranh giới giữa phần mềm và phần cứng cũng trở nên mờ nhạt hơn.

Khi nghĩ về Xiaomi, hầu hết chúng ta đều nghĩ ngay đến điện thoại thông minh giá rẻ chất lượng cao. Nhưng ít ai biết rằng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này đã âm thầm bước chân vào thị trường ô tô điện với tham vọng không nhỏ. Và giờ đây, chiếc xe điện đầu tiên của họ - SU7 Ultra - đang trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi lớn khiến cả ngành công nghiệp ô tô phải suy ngẫm.

Câu chuyện bắt đầu từ những lời hứa hẹn đầy tham vọng. Xiaomi SU7 Ultra được giới thiệu như một "siêu phẩm" với thông số kỹ thuật khiến cả những fan cuồng tốc độ cũng phải giật mình: 1.548 mã lực, tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong chưa đầy 2 giây, đủ sức cạnh tranh với Tesla Model S Plaid - một trong những chiếc xe điện nhanh nhất thế giới. Mức giá được đặt ở vị trí có thể "làm run sợ" ngay cả Tesla, và kết quả là toàn bộ sản lượng năm 2025 đã được bán hết chỉ trong vài giờ.

Người dùng xe điện Xiaomi dính bẫy cập nhật phần mềm - công suất xe giảm gần nửa, muốn mở khóa phải đi vào trường đua- Ảnh 1.

Chủ tịch Xiaomi Lei Jun trong buổi lễ ra mắt xe điện Xiaomi SU7

Tuy nhiên, như câu nói "càng lên cao, ngã càng đau", Xiaomi đã nhanh chóng nhận ra rằng việc cho phép một chiếc xe có công suất 1.548 mã lực chạy tự do trên đường phố là một ý tưởng không mấy khôn ngoan. Thay vì thu hồi sản phẩm hay thông báo trước cho khách hàng, công ty đã âm thầm phát hành một bản cập nhật phần mềm từ xa mà không hề báo trước.

Bản cập nhật này đã "cắt" công suất của chiếc xe xuống chỉ còn 900 mã lực khi lái xe hàng ngày - tức là giảm gần một nửa so với con số ban đầu được quảng cáo. Muốn trải nghiệm đầy đủ 1.548 mã lực mà họ đã trả tiền, các chủ xe buộc phải lái xe đến một đường đua được ủy quyền và hoàn thành ít nhất một "vòng đua hợp lệ" trong cái mà Xiaomi gọi là "chế độ xếp hạng".

Hãy tưởng tượng cảm giác của những khách hàng khi phát hiện ra chiếc xe họ vừa mua với giá hàng tỷ đồng đột nhiên "yếu" đi một nửa mà không có lời giải thích nào. Điều tệ hại hơn là hầu hết họ chỉ phát hiện ra vấn đề sau khi đã nhận xe và sử dụng một thời gian, khiến nhiều người cảm thấy như bị lừa dối một cách có chủ đích.

Người dùng xe điện Xiaomi dính bẫy cập nhật phần mềm - công suất xe giảm gần nửa, muốn mở khóa phải đi vào trường đua- Ảnh 2.

Phản ứng của cộng đồng người dùng diễn ra ngay lập tức và dữ dội. Các diễn đàn ô tô, mạng xã hội và báo chí nhanh chóng tràn ngập những lời phàn nàn gay gắt. Người dùng cảm thấy họ đã nhận được một "phiên bản bị cắt giảm" của sản phẩm mà họ đã đặt mua. Nhiều người ví von đây như một "cạm bẫy sau bán hàng" - một chiến thuật marketing không trung thực mà các công ty thường sử dụng để thu hút khách hàng rồi sau đó thay đổi điều kiện.

Trước áp lực từ dư luận, Xiaomi buộc phải lên tiếng thừa nhận sai lầm. Công ty hứa sẽ khôi phục quyền truy cập không hạn chế vào toàn bộ 1.548 mã lực như ban đầu. Tuy nhiên, thay vì hoàn tiền - một yêu cầu hợp lý của nhiều khách hàng - Xiaomi chọn cách bồi thường bằng một gói quà có giá trị lên đến 8.000 USD.

Gói bồi thường này bao gồm hai món quà chính. Đầu tiên là một nắp capo bằng sợi carbon với hệ thống thông gió kép, có giá trị 5.600 USD, được tặng cho tất cả khách hàng mua xe trước ngày 10 tháng 5. Món quà thứ hai là voucher điểm thành thân trị giá 2.400 USD, có thể sử dụng tại tất cả các cửa hàng Xiaomi chính thức để mua sản phẩm, dịch vụ hoặc nâng cấp.

Người dùng xe điện Xiaomi dính bẫy cập nhật phần mềm - công suất xe giảm gần nửa, muốn mở khóa phải đi vào trường đua- Ảnh 3.

Giờ đây mỗi chiếc xe điện đang ngày giống một smartphone biết di chuyển

Lý do Xiaomi không chọn cách hoàn tiền khá rõ ràng từ góc độ kinh doanh. Sau khi đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển và sản xuất SU7 Ultra, việc hoàn tiền sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và tài chính của công ty. Thay vào đó, chiến lược quà tặng giúp họ giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái Xiaomi mà không cần chi thêm tiền mặt - một nước đi marketing khéo léo nhưng cũng khiến nhiều người không hài lòng.

Xiaomi cũng thông báo rằng việc sửa đổi các đơn hàng hiện có và sản xuất nắp capo sẽ gây chậm trễ trong việc giao hàng những chiếc xe mới. Tuy nhiên, công ty khẳng định rằng "đây là điều đáng để chờ đợi" và cam kết rằng "các quyết định có tầm quan trọng như thế này phải được đưa ra với sự góp ý của khách hàng".

Trong thời đại mà xe hơi ngày càng giống những chiếc máy tính di động hơn là phương tiện cơ khí truyền thống, ranh giới giữa phần cứng và phần mềm đang trở nên mờ nhạt. Các hãng xe có thể cập nhật tính năng, sửa lỗi, thậm chí thay đổi hiệu suất của xe thông qua internet mà không cần khách hàng đưa xe đến garage. Điều này mang lại nhiều tiện ích, nhưng cũng tạo ra rủi ro mới về quyền sở hữu và kiểm soát.

 Theo unionrayo

Theo Nguyễn Hải

Đời Sống Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên