Ngồi không cũng có 30.000 USD/tháng: Hành trình khởi nghiệp của chàng trai 17 tuổi, bỏ học cấp 3 để ‘vào đời’
Với tổng tài sản 14 triệu USD, chàng trai trẻ tự do tài chính ở tuổi ngoài 20 cuối cùng đã thuyết phục được gia đình bạn gái cho cưới.
- 27-05-2025Cô gái bỏ việc tập đoàn lớn, lấy hết hơn 3 tỷ đồng tiền tiết kiệm đi khởi nghiệp và bài học thấm thía: Thất bại nhanh, học nhanh!
- 25-05-202555 tuổi vẫn khởi nghiệp, cụ ông sắp nghỉ hưu tạo nên đế chế chip vĩ đại hơn 800 tỷ USD: ‘Chinh phạt’ từ Mỹ đến Nhật Bản, trở thành huyền thoại giới công nghệ
- 20-05-2025Từ bỏ kế hoạch vào đại học, chàng trai khởi nghiệp, làm giám đốc ở tuổi 20
Khi mới 17 tuổi, Nathanael Farrelly đã chẳng ngần ngại mang theo trái tim nhiệt huyết đến Applebee’s để cầu hôn cô bạn gái 16 tuổi và hỏi xin phép bố cô.
Cái lắc đầu từ chối của vị phụ huynh không chỉ là lời khuyên dừng lại, mà còn là động lực để Farrelly "chín" nhanh hơn người bình thường khi cậu bị chê là "còn quá non".
Bị thách thức chứng minh bản thân, anh rời bỏ trường học giữa chừng lớp 10, quyết tâm ôn luyện suốt ngày đêm để đạt chứng chỉ GED tương đương tốt nghiệp phổ thông chỉ trong chưa đầy một năm. Chính quyết tâm ấy đã đặt viên gạch đầu tiên cho con đường chinh phục lĩnh vực y tế đầy thách thức.
Vào đời
Ngay sau khi nhận bằng GED, anh Farrelly lao vào chương trình đào tạo điều dưỡng tại trường cộng đồng. Chưa đầy bốn năm sau, ở tuổi 21, anh chính thức trở thành điều dưỡng đăng ký (Registered Nurse-RN).
Công việc đầu tiên tại một bệnh viện ở phòng chăm sóc tích cực (ICU) đặt anh vào môi trường làm việc dày đặc áp lực. Chỉ sau một tuần đào tạo, Farrelly bàng hoàng khi thấy tên mình đứng đầu danh sách phân công, kèm theo cả số lượng bệnh nhân phải phụ trách.

Anh Nathanael Farrelly
"Họ cần tôi vì không còn ai khác," anh nhớ lại.
Dẫu vậy, áp lực từ việc thường xuyên phải chứng kiến những ca bệnh nặng, đồng thời đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của Farrelly.
Mỗi sáng, anh đều thức dậy trong trạng thái căng thẳng, buồn nôn và mệt mỏi tinh thần. Từng có lúc, Farrelly nghi ngờ liệu mình có thể bền bỉ theo nghề hay không, nhưng thay vì dừng lại, anh chọn hướng đi khác trong cùng lĩnh vực y tế.
Cơ hội đến từ một người bạn cùng lớp gợi ý về dịch vụ truyền dịch tại nhà, nơi bệnh nhân không cần phải nhập viện mà vẫn được nhận kháng sinh, dịch truyền và thuốc điều trị ngay tại nhà.
Anh Farrelly nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn bởi thị trường điều dưỡng tại nhà vẫn chưa được khai thác tương xứng, trong khi bệnh viện vốn đã quá tải nhân sự, đặc biệt là dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp nước Mỹ, Farrelly chính thức thành lập Revitalize Specialty Infusion.
Anh tự bỏ vốn từ tiền tiết kiệm cá nhân và lợi nhuận thu được sau một phi vụ đầu cơ nhà: mua căn hộ với giá 140.000 USD, cải tạo và bán lại được 310.000 USD.
Mô hình kinh doanh của Revitalize Specialty Infusion được đặt nền tảng trên ba yếu tố: tuyển dụng điều dưỡng địa phương, tối ưu lộ trình di chuyển để giảm thời gian lái xe, và trao quyền tự chủ cho y tá trong sắp xếp lịch làm việc. Sự linh hoạt và nhịp độ làm việc nhẹ nhàng hơn môi trường bệnh viện khiến dịch vụ của anh nhanh chóng thu hút lực lượng điều dưỡng muốn tránh xa công việc căng thẳng tại ICU.
Ngay trong những ngày đầu, việc tìm kiếm khách hàng trở nên dễ dàng hơn mong đợi. Chỉ vài cú điện thoại của Farrelly là anh đã có ngay 50 bệnh nhân chỉ sau một đêm nhờ nhu cầu điều dưỡng tăng cao mùa dịch.
Nhờ dòng tiền đều đặn và mô hình không phụ thuộc vốn ngoài, công ty nhanh chóng vận hành và mở rộng dịch vụ. Đến giữa năm 2021, Revitalize đã mở rộng phạm vi hoạt động sang nhiều tiểu bang, xây dựng đội ngũ lên hàng trăm y tá.

Gia đình là trên hết
Dù liên tục nhận lời chào mua lại từ các quỹ đầu tư tư nhân, Farrelly vẫn kiên trì theo đuổi tầm nhìn dài hạn.
Tuy nhiên Farrelly cũng thấu hiểu rằng Revitalize cần nguồn lực lớn hơn để tiếp tục mở rộng, nhưng quan trọng hơn cả là anh khao khát dành nhiều thời gian cho gia đình.
Với thành công của mình, anh Farrelly cuối cùng đã được bố bạn gái đồng ý cho cưới.
Tháng 5/2023, ở tuổi 28, Farrelly ký thương vụ bán Revitalize cho Option Care Health, một trong những công ty truyền dịch lớn nhất nước Mỹ, với giá 12,5 triệu USD. Mức giá này không chỉ mang lại lợi nhuận khổng lồ mà còn giải phóng anh khỏi áp lực điều hành hằng ngày.
Sau khi bán công ty, Farrelly ở lại làm việc trong vòng 18 tháng, hỗ trợ chuyển giao và phát triển mô hình. Tháng 9/2024, anh chính thức bước vào cuộc đời tự do tài chính, trở thành người chồng làm việc nhà cùng vợ, chăm nom ba con nhỏ và chuẩn bị đón thêm thành viên thứ tư.
Tính đến tháng 2/2025, tổng tài sản ròng của Farrelly vào khoảng gần 14 triệu USD, chia đều giữa tiền mặt (5,6 triệu USD), cổ phiếu (2,77 triệu USD), bất động sản (2,5 triệu USD) và một khoản đầu tư tiền số nhỏ (0,5 triệu USD).
Anh cho biết đã mua Bitcoin đầu tiên với giá 3.000 USD vào năm 2016, và hiện xem khoản đầu tư này như phần thưởng vượt trội.
Gia đình Farrelly sinh sống trong căn nhà ven biển trị giá 1,9 triệu USD, mua hoàn toàn bằng tiền mặt không vay thế chấp.


Hàng tháng, họ sống dựa trên lãi suất tiền gửi ngân hàng, khoảng 30.000 USD thu nhập thụ động, chi tiêu trung bình 15.000 USD và tái đầu tư phần còn lại.
Farrelly chia sẻ rằng với anh, "nghỉ hưu" không có nghĩa là ngừng làm việc, mà là đạt được tự do tài chính để lựa chọn những công việc đầy ý nghĩa.
Hiện anh hoạt động như nhà đầu tư thiên thần, rót vốn vào một công ty cà phê do bạn thân sáng lập và một ứng dụng fitness gamification. Đồng thời, anh vẫn tiếp tục đầu tư bất động sản, lĩnh vực mang lại sự ổn định lâu dài.
Triết lý của Farrelly là giữ gìn thành quả đã đạt được, tránh hoang phí bằng cách kiểm soát chặt chi tiêu và đặt ưu tiên cho các khoản đầu tư sinh lời.
Anh nói: "Tám con số (đơn vị USD) có thể kéo dài nhiều thế hệ, nhưng cũng có thể tan biến nhanh chóng nếu đầu tư sai lầm hay sống quá phung phí."
Ở tuổi 29, Nathanael Farrelly không chỉ là tấm gương tự thân vươn lên mà còn minh chứng rõ ràng cho việc tài chính độc lập có thể đạt được sớm nếu biết định hướng, kiên trì và đặt ưu tiên đúng đắn.
Trong khi nhiều người vẫn bận rộn "chạy đua" sự nghiệp, anh đã tự cho mình "nghỉ phép" để tận hưởng cuộc sống gia đình.
*Nguồn: CNBC
Nhịp sống thị trường
CÙNG CHUYÊN MỤC
