Làm sao để kỹ năng lập trình, khả năng ứng dụng AI của người Việt đứng đầu thế giới, để Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh “khoảng trống” của thị trường toàn cầu?
Sáng nay 27/5, Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á ( DX Summit 2025) với chủ đề “Làm chủ công nghệ – Đột phá, Vươn mình” đã diễn ra tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam VINASA
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam VINASA - đánh giá, chưa bao giờ trong lịch sử phát triển, khoa học công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số (CĐS) lại được đặt vào vị trí trung tâm như hiện nay trong chiến lược phát triển quốc gia.
Mở đầu bài phát biểu, ông Nguyễn Văn Khoa để cập đến Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, một bước khởi đầu quan trọng, hay có thể coi là "bà đỡ" cho sự phát triển của doanh nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
"Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới, nơi KHCN trở thành động lực then chốt của tăng trưởng. Từ sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, qua thời kỳ đổi mới, chúng tôi – những người đi trước – đã lựa chọn con đường phát triển KHCN trong thời đại mới. Đó là một lựa chọn đầy khó khăn nhưng cũng rất quyết đoán" - Chủ tịch VINASA nhấn mạnh và cho rằng, cuộc cách mạng hôm nay không chỉ là về công nghệ, mà còn là cuộc cách mạng về con người – với lực lượng nòng cốt là những kỹ sư trẻ sẵn sàng bứt phá, góp phần vào hành trình phát triển đất nước.
VINASA định hình chiến lược phát triển dựa trên bốn trụ cột, gắn liền với bốn Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57 – về phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 – về đổi mới hoạt động đối ngoại trong tình hình mới; Nghị quyết 66 – về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68 – về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Gần đây, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 68, thể hiện cam kết rõ ràng trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Việt Nam có khoảng 50.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên phần lớn vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực CNTT, theo dự báo, trong 10 năm tới toàn cầu cần thêm khoảng nửa triệu kỹ sư CNTT. Đây chính là cơ hội vàng để Việt Nam phát huy lợi thế dân số trẻ, đam mê công nghệ, sẵn sàng trở thành trung tâm cung cấp nhân lực công nghệ chất lượng cao cho thế giới.
Việt Nam đang trở thành trung tâm dịch vụ số quốc tế, với lực lượng lao động IT lớn, năng động, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu. Các tổ chức như VINASA đã, đang và sẽ tiếp tục cung cấp kỹ sư cho các quốc gia này – những nơi đang rất thiếu nguồn nhân lực trẻ và có năng suất lao động cao.
Trong 5 năm gần đây, điểm đầu vào đại học ngành CNTT luôn nằm trong top cao, cho thấy sức hút của ngành đối với giới trẻ. Tuy nhiên, với hơn 50.000 doanh nghiệp và khoảng 1,2 triệu lao động CNTT hiện nay, con số này vẫn còn khiêm tốn. Theo ước tính, chúng ta cần ít nhất 2,5 triệu người để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
"Làm sao để kỹ năng lập trình, khả năng ứng dụng AI của người Việt đứng đầu thế giới? Làm sao để Việt Nam – một quốc gia thu nhập trung bình thấp, có thể vươn lên, chiếm lĩnh “khoảng trống” của thị trường toàn cầu?" - Chủ tịch VINASA nói.
Việt Nam đang thu hút nhiều dòng vốn FDI lớn, nhưng cần tự đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đã đủ năng lực và cơ chế để giữ chân nhân tài, trả mức lương xứng đáng cho lực lượng kỹ sư công nghệ? Đây là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.
Diễn đàn DX Summit 2025 không chỉ là nơi chia sẻ thông tin, mà là nơi tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đổi mới thể chế, tháo gỡ chính sách, hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm AI cho người Việt – chi phí thấp nhưng chất lượng cao, tối ưu hóa tài nguyên dữ liệu số.
Lãnh đạo VINASA cũng khẳng định Hiệp hội luôn sẵn sàng đồng hành, đón nhận các doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ để cùng tham gia các dự án lớn của Chính phủ, đồng thời đề xuất Chính phủ cần ưu tiên đầu tư vào hạ tầng chiến lược như AI, bán dẫn, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực giáo dục tư nhân. Nếu làm tốt, lực lượng giáo dục tư nhân sẽ tạo ra kết quả vượt trội, giúp gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và đào tạo, giữa nhu cầu thị trường và năng lực nhân lực.
"Cuối cùng, tôi mong muốn Chính phủ ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa những đề xuất đột phá từ doanh nghiệp. Việt Nam đã có nhiều thương hiệu lớn như Viettel, VNPT, CMC, FPT, và những kỳ lân như VNG. Trong tương lai, tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới, đóng góp vào sự thịnh vượng và tự cường của đất nước" - Chủ tịch VINASA kết luận.
Nhịp sống thị trường
CÙNG CHUYÊN MỤC

Mời doanh nghiệp Nhật đầu tư bán dẫn tại Việt Nam
19:00 , 28/05/2025