MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khung hình đắt giá: Chủ tịch Tập đoàn vừa làm nhà máy chip bán dẫn của Việt Nam cạnh huyền thoại TSMC

27-05-2025 - 10:46 AM | Kinh tế số

Tập đoàn này vừa khởi công giai đoạn 2 nhà máy làm chip ATP đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ, dự kiến đi vào vận hành trong quý 4/2025, với mục tiêu sản xuất 100 triệu chip mỗi năm vào 2027.

Khung hình đắt giá: Chủ tịch Tập đoàn vừa làm nhà máy chip bán dẫn của Việt Nam cạnh huyền thoại TSMC- Ảnh 1.

CT Group là một trong số ít đơn vị gây được sự chú ý khi xuất hiện tại triển lãm để thực hiện “Nghị quyết số 68 - Động lực mới cho phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam”, tại Tòa nhà Quốc hội (Ba Đình, Hà Nội) hôm 18 - 19/5 vừa qua.

Đây cũng là đơn vị vừa khởi công giai đoạn 2 nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Bình Dương hôm 30/4. Đây là nhà máy làm chip ATP đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ, dự kiến đi vào vận hành trong quý 4/2025, với mục tiêu sản xuất 100 triệu chip mỗi năm vào 2027, và đầu tư mạnh cho R&D.

Gần đây, mang tinh thần cầu thị và khát vọng phát triển công nghệ, nhiều lãnh đạo của tập đoàn này đã gặp gỡ nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới trong ngành bán dẫn. Đáng chú ý nhất có “người khổng lồ” TSMC. Một trong những hình ảnh đang gây chú ý trong cộng đồng bán dẫn, đó là chủ tịch CT Group Trần Kim Chung đứng cạnh huyền thoại TSMC Lâm Bản Kiên.

Khung hình đắt giá: Chủ tịch Tập đoàn vừa làm nhà máy chip bán dẫn của Việt Nam cạnh huyền thoại TSMC- Ảnh 2.

Ông Lâm Bản Kiên (phải) và Ông Trần Kim Chung – Chủ tịch CT Group (trái)

"Huyền thoại" của TSMC

Giáo sư Lâm Bản Kiên – người tiên phong kỹ thuật quang khắc nhúng, đã góp phần đưa TSMC trở thành biểu tượng hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đồng thời đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư xuất sắc, tạo dựng nền móng vững chắc cho tương lai công nghệ vi mạch.

Giáo sư Lâm Bản Kiên (Burn-Jeng Lin) sinh năm 1942 tại khu Chợ Lớn, TP.HCM, trong một gia đình gốc Hoa. Ông đã rời Việt Nam Đài Loan để theo học ngành kỹ thuật điện tại Đại học Quốc gia Đài Loan, trước khi du học và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Bang Ohio, Hoa Kỳ.

Suốt 18 năm từ 1975 đến 1993, ông công tác tại trung tâm nghiên cứu danh tiếng IBM Thomas J. Watson Research Center – nơi hội tụ những bộ óc tinh hoa trong lĩnh vực công nghệ vi mạch. Tại đây, ông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhiều công nghệ quang khắc tiên tiến, đặc biệt là ý tưởng kỹ thuật quang khắc nhúng (immersion lithography).

Vào đầu những năm 2000, khi công nghệ chế tạo chip bắt đầu chạm ngưỡng giới hạn vật lý do kích thước bóng bán dẫn ngày càng thu nhỏ, ông đã tiên phong đề xuất sử dụng một lớp nước siêu tinh khiết giữa thấu kính và wafer nhằm tăng chiết suất quang học, qua đó cải thiện độ phân giải và cho phép chế tạo chip với mật độ cao hơn. Mặc dù ban đầu vấp phải hoài nghi từ các tập đoàn lớn như Intel, IBM hay AMD. Riêng TSMC – với tầm nhìn chiến lược – đã trở thành công ty đầu tiên tin tưởng, đầu tư và triển khai kỹ thuật này trên quy mô công nghiệp.

Khung hình đắt giá: Chủ tịch Tập đoàn vừa làm nhà máy chip bán dẫn của Việt Nam cạnh huyền thoại TSMC- Ảnh 3.

Giáo sư Lâm Bản Kiên.

Kết quả mang tính cách mạng: TSMC trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công quang khắc ngậm nước, mở ra thế hệ chip có mật độ bóng bán dẫn cao hơn, hiệu năng vượt trội hơn và tiêu thụ năng lượng thấp hơn. Sự đột phá này không chỉ giúp TSMC vượt mặt các đối thủ lâu đời mà còn củng cố vị thế dẫn đầu toàn cầu của công ty trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến.

Chính Giáo sư Lâm Bản Kiên là người trực tiếp phụ trách quá trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo đội ngũ kỹ sư của TSMC để triển khai thành công giải pháp mới. Với hơn 60 bằng sáng chế quốc tế, ông được vinh danh là Fellow của IEEE – tổ chức kỹ thuật điện và điện tử uy tín bậc nhất thế giới – và là viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ.

Nơi gắn bó sâu sắc nhất sau khi ông rời Mỹ là Đại học Thanh Hoa Đài Loan. Với vị trí đắc địa nằm trong Công viên Khoa học Tân Trúc – được ví như “thung lũng Silicon châu Á” – Đại học Thanh Hoa đóng vai trò kết nối chặt chẽ giữa học thuật và công nghiệp. Trường không chỉ cung cấp nền tảng lý thuyết mà còn liên tục cập nhật thực tiễn sản xuất và R&D từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu như TSMC, UMC, ASE, MediaTek và nhiều công ty bán dẫn đa quốc gia khác.

Tại đây, ông đảm nhiệm vai trò Trưởng khoa Nghiên cứu Bán dẫn, đào tạo kỹ sư và thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ chế tạo chip, thiết kế hệ thống tích hợp (SoC), kỹ thuật quang khắc EUV, MEMS, packaging và nhiều công nghệ tiên tiến khác.


Theo H.Linh

Thanh niên Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên