Hội chứng "mơ hồ đi làm" sau tốt nghiệp: Có những người trẻ không thất nghiệp, nhưng cũng không biết mình đang làm gì
Đáng sợ nhất không phải là thất nghiệp, mà là có việc nhưng mất phương hướng.
- 13-05-2025Bộ ảnh tốt nghiệp đang hot nhất xứ Trung: Nữ chính có visual bùng nổ, thành tích học vấn còn đáng nể gấp bội
- 11-05-2025Đôi bạn thân tái hiện hình ảnh '10 năm cõng bạn' tại lễ tốt nghiệp gây xúc động
- 11-05-2025Tốt nghiệp trường top, CV đẹp nhưng bị loại từ vòng gửi xe: Có thể bạn đã rơi vào 1 trong 3 kiểu "ngộ nhận sự nghiệp"
Bạn không thất nghiệp. Bạn có một công việc ổn định, lương tạm đủ sống, đồng nghiệp không có gì khó chịu, sếp cũng chẳng gây áp lực quá đáng. Nhưng mỗi ngày thức dậy, bạn đều thấy lưng chừng, không biết mình đang làm để đi tới đâu.
Bạn không ghét công việc, nhưng cũng chẳng yêu nó. Không biết nên nghỉ hay nên tiếp tục. Không biết sau 3 năm, 5 năm nữa mình sẽ ra sao. Không có lối thoát, nhưng cũng không có lối vào. Cảm giác này khiến nhiều người trẻ rơi vào trạng thái mơ hồ, đi làm mà không rõ mục tiêu, không rõ bản thân đang tiến về đâu, dẫu vậy, ngày nào họ cũng có mặt đủ giờ ở văn phòng.
Một bạn trẻ đã đặt câu hỏi cho ChatGPT: "Tại sao tôi không thất nghiệp, nhưng lại cảm thấy như mình đang đứng yên, không sống đúng với khả năng của mình?".
ChatGPT đáp: "Vì bạn chưa hiểu rõ mình làm việc để đạt điều gì. Khi thiếu mục tiêu cá nhân, công việc dù ổn định cũng trở nên vô định".
Quả thật, không ít người trẻ rơi vào tình trạng như vậy. Sau khi ra trường vài năm, họ vẫn miệt mài đi làm mỗi ngày, đúng giờ, đúng deadline, đúng KPI nhưng sâu bên trong là một sự mơ hồ kéo dài. Họ không thất nghiệp, không ghét công việc, nhưng cũng không thấy yêu thích, không thấy có ý nghĩa. Cảm giác như mình đang làm gì đó, nhưng không biết để làm gì.
Càng làm lâu, cảm giác này càng rõ rệt. Không có gì sai, nhưng cũng chẳng có gì đúng. Một sự lưng chừng khiến họ khó nói ra, càng khó dứt ra vì mọi thứ bề ngoài trông vẫn "ổn".

Ảnh minh họa: Paco_Yao
1. Không có vấn đề hóa ra chính là "vấn đề"
Trang - một cô gái 25 tuổi, tốt nghiệp đại học loại giỏi và nhanh chóng tìm được công việc văn phòng với mức lương khá. Cô không gặp khó khăn gì với đồng nghiệp, sếp cũng khá dễ chịu. Nhưng mỗi ngày đi làm với cô chỉ là chuỗi lặp lại: mở laptop, làm việc, check deadline, tan ca.
Sau 2 năm, Trang bắt đầu thấy chán. Không phải vì công việc quá nặng, mà vì cô không biết bản thân đang cố gắng vì điều gì. Cô từng nghĩ mình chỉ cần có việc là ổn, nhưng ổn rồi thì lại... trống rỗng. Cô bắt đầu hoang mang khi thấy bạn bè chuyển việc, phát triển bản thân, học thêm kỹ năng trong khi bản thân vẫn đứng yên.
Câu chuyện của Trang không hiếm. Rất nhiều người trẻ bước vào đời đi làm với tâm thế "làm gì cũng được, miễn là không thất nghiệp". Nhưng vì không có định hướng, không có mục tiêu rõ ràng, họ dễ rơi vào trạng thái sống bằng quán tính ngày nào cũng đi làm, nhưng không cảm thấy mình đang sống.
Họ chấp nhận công việc đầu tiên không phải vì yêu thích, mà rất có thể chỉ là vì không muốn bị gán cho hai chữ "thất nghiệp" - thứ khiến họ phải đối diện với những câu hỏi của bố mẹ, sự nghi hoặc của bạn bè, sự chỉ trỏ của người ngoài. Ban đầu họ nghĩ "làm tạm vài tháng rồi nhảy việc". Nhưng cái sự "tạm" ấy cứ kéo dài thành 1 năm, rồi 2 năm, rồi 3 năm... Họ không biết từ bao giờ mình dần chấp nhận công việc hiện tại như một điều hiển nhiên.
Vấn đề rõ ràng không phải ở việc chọn sai, mà ở việc không dừng lại để điều chỉnh.
2. Ổn định không có nghĩa là đúng hướng
Rất nhiều bạn trẻ đồng nhất sự ổn định với sự thành công. Có lương, có bảo hiểm, có công việc, vậy là đã "ổn". Nhưng sự ổn định đôi khi chỉ là chiếc vỏ an toàn khiến ta ngừng đặt câu hỏi: "Mình có đang đi đúng với giá trị và mong muốn của bản thân không?".
Nhiều người đi làm đều đặn nhưng không bao giờ tự hỏi: "Tôi có đang sống đúng với phiên bản tốt nhất của mình không?", "Tôi có thấy hứng thú, có học được gì mỗi ngày không?"... Bởi vì nếu hỏi ra, câu trả lời sẽ khiến họ phải hành động, mà hành động thì đi kèm với rủi ro. Thế là họ thà mơ hồ, còn hơn phải thay đổi.

Ảnh minh họa: Paco_Yao
Khi không dừng lại để hỏi, không biết mình đang học được gì hay phát triển ra sao, người trẻ rất dễ chấp nhận cuộc sống mờ nhạt. Họ bị rơi vào cái bẫy của sự lười thay đổi: công việc này không tệ đến mức nghỉ, nhưng cũng không đủ tốt để khiến mình lớn lên. Cứ thế, họ lơ mơ đi qua những năm tháng đáng lẽ phải rực rỡ nhất của tuổi trẻ.
Đáng sợ nhất không phải là thất nghiệp, mà là có việc nhưng mất phương hướng. Không phải không cố gắng, mà là không biết cố gắng để làm gì. Và khi nhận ra điều đó, nhiều người trẻ mới thấy hóa ra mình chẳng khác nào đang "ngủ quên" trong chính cuộc đời mình.
3. Làm sao để không đi làm trong mơ hồ?
Không phải ai cũng có thể chọn được công việc mơ ước ngay từ đầu, nhưng ai cũng có thể chủ động dừng lại để điều chỉnh. Những người đi làm mà không có cảm giác phát triển thường có điểm chung: thiếu phản chiếu, thiếu hệ quy chiếu và thiếu một lý do để cố gắng.
Thay vì tiếp tục đi làm theo quán tính, bạn có thể bắt đầu bằng một hành động đơn giản: tìm lại điều bạn thật sự muốn đạt được trong 3 năm tới. Mục tiêu đó không cần phải hoành tráng, không nhất thiết là một vị trí cao hay mức lương khủng. Quan trọng hơn cả là: nó có ý nghĩa với bạn, khiến bạn thấy bản thân đang tiến về một điều gì đó có giá trị. Đó có thể là việc làm tốt hơn công việc hiện tại, học thêm một kỹ năng mới, tìm ra lĩnh vực mình thật sự quan tâm, hoặc đơn giản là xây dựng một cuộc sống cân bằng giữa công việc và cá nhân.
Song song với đó, hãy tập thói quen đặt câu hỏi cho chính mình mỗi tuần: Tuần này mình đã phát triển ở đâu? Mình học được gì? Điều gì khiến mình thấy có giá trị? Và điều gì đang khiến mình kiệt sức? Những câu hỏi này tuy nhỏ, nhưng khi được lặp lại đều đặn sẽ giúp bạn dần nhận diện rõ hơn điều gì là phù hợp và điều gì đang kéo bạn lệch khỏi quỹ đạo của chính mình.
Cuối cùng, đừng cố gắng một mình. Hãy tìm cho mình một người bạn nghề nghiệp, không nhất thiết là sếp, không cần phải là một mentor chuyên nghiệp. Đó chỉ cần là một người sẵn sàng lắng nghe và phản chiếu lại cho bạn một cách trung thực, khách quan. Có thể là một đồng nghiệp thân thiết, một người bạn cũng đang đi làm, hoặc ai đó đi trước nhưng đủ thấu hiểu. Việc được trò chuyện và nhìn lại chính mình qua lăng kính của người khác đôi khi giúp bạn thấy rõ con đường hơn là chỉ đi mãi trong đầu mình với hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải.
Và quan trọng nhất: Đừng sợ việc dừng lại để đặt câu hỏi.
Thanh niên Việt
CÙNG CHUYÊN MỤC
