MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng chục nghìn tấn 'vàng trắng' của Việt Nam được Malaysia đổ tiền mua: 1/3 thế giới ưa chuộng, nước ta sở hữu diện tích trồng hơn 900.000 ha

22-05-2025 - 13:50 PM | Thị trường

Việt Nam là 1 trong 3 nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới ở mặt hàng quan trọng này.

Theo số liệu của Cục Hải quan, trong tháng 4/2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 71.866 tấn, trị giá 139,46 triệu USD, giảm 2,4% về lượng nhưng tăng 18,6% về trị giá so với cùng kỳ. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cao su của nước ta đạt 452.504 tấn, trị giá 872,78 triệu USD, giảm 7,2% về lượng nhưng vẫn tăng mạnh 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024 nhờ giá ở mức cao. Giá bình quân cao su xuất khẩu đạt 1.929 USD/tấn, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Đứng sau là Ấn Độ, đạt 19.819 tấn, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2024. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3, đạt 12.970 tấn, giảm 14,7%.

Đáng chú ý, Malaysia bất ngờ tăng mạnh nhập khẩu cao su từ nước ta, với hơn 12 nghìn tấn, tương đương 18,5 triệu USD, tăng mạnh 340% về lượng và tăng 383% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024. Thị phần theo đó tăng vọt từ 0,6% năm 2024 lên 2,7% trong năm 2025.

Hàng chục nghìn tấn 'vàng trắng' của Việt Nam được Malaysia đổ tiền mua: 1/3 thế giới ưa chuộng, nước ta sở hữu diện tích trồng hơn 900.000 ha- Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, diện tích trồng cao su tại các quốc gia sản xuất hàng đầu Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia có xu hướng giảm dần do người dân chuyển đổi cây trồng từ cao su sang các loại cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện Việt Nam có diện tích trồng cây cao su khoảng 910 nghìn ha với sản lượng mủ đạt 1,3 triệu tấn/năm. Ở khía cạnh xuất khẩu, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ ba toàn cầu.

Năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành cao su được kỳ vọng vượt 11 tỷ USD, bao gồm: Cao su thiên nhiên: khoảng 3,5 tỷ USD; Sản phẩm cao su: khoảng 5 tỷ USD; Gỗ cao su: khoảng 2,5 tỷ USD…

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, giá cao su vẫn đang chịu áp lực lớn từ biến động của chính sách thương mại quốc tế. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các biện pháp thuế mới từ phía Mỹ, nhất là đối với ô tô nhập khẩu, cộng với giá dầu thô giảm và lo ngại căng thẳng thương mại, đang khiến thị trường cao su thế giới gặp khó.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có những điểm sáng. Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới đang cho thấy dấu hiệu hồi phục rõ rệt. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, GDP quý I/2025 của nước này tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), triển vọng giá cao su trong năm 2025 vẫn tích cực. Mức giá trung bình được dự báo dao động từ 1.750 – 2.000 USD/tấn, tùy thuộc vào cung – cầu và tình hình kinh tế vĩ mô. Nếu Trung Quốc thực hiện các gói kích cầu tiêu dùng ô tô, xe điện và hỗ trợ công nghiệp như kế hoạch, nhu cầu nhập khẩu cao su có thể tăng đột biến vào quý III – IV/2025.


Khánh Vy

An ninh tiền tệ

Trở lên trên