Đường sắt cao tốc Bắc - Nam hơn 60 tỷ USD: Người dân có thể giảm tới 40% chi phí di chuyển, hàng loạt địa phương được kỳ vọng hưởng lợi nhờ dự án
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 60 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam tạo hành lang kinh tế liên vùng, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho các địa phương nơi dự án đi qua.
Thúc đẩy kinh tế nhờ liên kết vùng: Bài học từ Nhật Bản, Trung Quốc
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để di chuyển giữa các đô thị lớn, đường sắt cao tốc là động lực mạnh mẽ cho các vùng còn đang phát triển hoặc kém phát triển.
Tuyến HSR Bắc Kinh - Thượng Hải, được khởi công xây dựng vào năm 2008 và vận hành khai thác vào ngày 30/6/2011, kết nối các khu vực đông dân và kinh tế phát triển như Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc và Đồng bằng sông Dương Tử. Đối với các địa phương còn khó khăn ở thời điểm đó, việc mở HSR không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn mang lại hy vọng mới cho phát triển kinh tế.

Đường sắt cao tốc không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn tạo hành lang kinh tế, thúc đẩy giao thương và đầu tư.
Hay Hợp Phì, một thành phố cấp hai ở tỉnh Anhuy, Trung Quốc, là một trong số những địa phương hưởng lợi lớn khi tuyến HSR Bắc Kinh - Thượng Hải (khai thác vào năm 2011) rút ngắn thời gian di chuyển từ Hợp Phì đến Thượng Hải từ 4 giờ xuống 1 giờ. Ước tính, liên kết vùng tốt hơn giúp địa phương này tăng 15% GRDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2008-2015. Cũng trong khoảng thời gian này, ngành du lịch tăng 25%, và đầu tư công nghệ cao tăng 20%.
Hay tại Nhật Bản, Hiroshima, từng vô cùng khó khăn sau Thế chiến II, đã vươn mình thành trung tâm kinh tế vùng Chugoku nhờ đường sắt tốc độ cao Shinkansen. World Bank đánh giá, tuyến đường sắt cao tốc Sanyo Shinkansen, kết nối Osaka với Hiroshima và Hakata, đã hồi sinh các khu vực kinh tế suy thoái như Hiroshima bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và thu hút đầu tư.
Khai thác năm 1972, tuyến đường dài 554 km giảm thời gian từ Hiroshima đến Osaka từ 5 giờ xuống 1,5 giờ. Điều đó giúp Hiroshima, nơi từng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, đã chứng kiến lượng du lịch tăng 30% và đầu tư công nghiệp tăng 20% chỉ trong vòng một thập niên sau khi Sanyo Shinkansen khai thác năm 1972. Quanh ga Shinkansen ở Hiroshima cũng mọc lên nhiều trung tâm thương mại, giá bất động sản tăng 15%, đóng góp vào GRDP 1%/năm từ 1972-1980 cho vùng Chugoku, theo METI.
Đường sắt cao tốc không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn tạo hành lang kinh tế, thúc đẩy giao thương và đầu tư. TS. Majo George, Giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định: “Việt Nam có thể học hỏi mô hình này để liên kết các vùng kém phát triển với các trung tâm kinh tế lớn, đồng thời mở rộng thương mại với Lào, Campuchia, và Trung Quốc”. Việt Nam, với đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đang đứng trước cơ hội tương tự để biến các địa phương nơi dự án đi qua thành động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Giảm thời gian và chi phí di chuyển, tạo hành lang kinh tế xuyên Việt
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang được đề xuất có chiều dài hơn 1.500 km, được thiết kế để kết nối Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ven tuyến, tạo hành lang kinh tế xuyên Việt.
Với tốc độ 350 km/h, thời gian di chuyển sẽ giảm từ 24 giờ xuống 5-6 giờ, mang lại lợi thế vượt trội so với hàng không (chi phí cao, 1,5-2 triệu đồng/vé) và đường bộ (tắc nghẽn, chi phí bảo trì lớn).
Bà Đào Thụy Vân, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed, đơn vị đang đề xuất tham gia dự án, cho biết: “Ngoài việc người dân đi lại thuận lợi hơn rất nhiều, tiết kiệm 30 - 40% chi phí thì còn giúp thắt chặt kết nối vùng và tạo động lực cho phát triển đồng đều ở nhiều địa phương dọc đất nước, chứ không chỉ tập trung 2 đầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như hiện tại. ”
TS. Đoàn Ngọc Khanh, chuyên gia nghiên cứu chính sách công, đánh giá: "Không chỉ là vận tải hành khách, đường sắt còn kích hoạt dòng vốn đầu tư bất động sản, dịch vụ, thương mại tại các nhà ga, biến các nhà ga thành trung tâm đô thị mới".

Kết nối về hành khách, hàng hóa sẽ mạnh mẽ, liên tục hơn, tạo nên những luồng lưu thông lớn, ổn định, nhanh chóng, từ đó sản sinh ra lợi nhuận dịch vụ và điều kiện để phát triển đô thị cũng như công nghiệp.
ThS. Lê Trung Hiếu, chuyên gia giao thông, bổ sung: “Trên lộ trình dự kiến, tuyến sẽ trực tiếp chạy qua 20 tỉnh, thành phố. Nhưng không chỉ như vậy, cả những tỉnh, thành phố lân cận 20 địa phương nêu trên cũng sẽ được hưởng lợi. Kết nối về hành khách, hàng hóa sẽ mạnh mẽ, liên tục hơn, tạo nên những luồng lưu thông lớn, ổn định, nhanh chóng, từ đó sản sinh ra lợi nhuận dịch vụ và điều kiện để phát triển đô thị cũng như công nghiệp; từ đó sẽ kích thích tăng trưởng GDP cho Hà Nội cũng như cả nước”.
Trong đề xuất của mình, VinSpeed cũng cho biết dự kiến phát triển các khu đô thị TOD để tạo nguồn thu bổ sung, đồng thời sử dụng kinh nghiệm từ các dự án như VinFast và Landmark 81 để đảm bảo tiến độ và chất lượng. Công ty đang đàm phán với các đối tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp trong nước để triển khai đồng bộ toàn tuyến.
Bà Đào Thụy Vân khẳng định: “Đây là dự án cống hiến, không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, mà hướng tới thúc đẩy kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp trong nước để xây dựng ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam”.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, là cơ hội lớn để Việt Nam tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế vùng. Với sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp, và sự ủng hộ của người dân, dự án được kỳ vọng sẽ sớm được hiện thực hóa, tạo nền tảng hạ tầng để kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Nhịp sống thị trường
CÙNG CHUYÊN MỤC

Diện mạo cầu có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á sau gần 2 năm thi công
09:00 , 28/05/2025