MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn Sơn Hải ý kiến sau khi trượt gói thầu ở dự án 17.400 tỷ đồng: Chủ đầu tư phản bác 1 thông tin

Tập đoàn Sơn Hải cho rằng chứng chỉ của tổ trưởng tổ chuyên gia chấm thầu đã hết hạn nhưng phía chủ đầu tư đã phủ nhận.

Tổ trưởng tổ chấm thầu còn hạn chứng chỉ hành nghề 

Ngày 27/5, báo Người lao động dẫn thông tin từ Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) cho biết đã chính thức gửi văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Phước, đề nghị xem xét lại quy trình đấu thầu gói thầu xây dựng đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Lý do được đưa ra là liên quan đến việc tổ trưởng tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu có chứng chỉ hành nghề đã hết hạn.

Theo phản ánh từ phía Tập đoàn Sơn Hải, quá trình chấm điểm hồ sơ dự thầu không đồng nhất với các tiêu chí được quy định trong hồ sơ mời thầu. Đơn vị này khẳng định đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tài chính cũng như có năng lực thi công thực tế phù hợp với gói thầu.

Điểm mấu chốt trong văn bản kiến nghị là việc ông Vũ Ngọc Trụ – Tổ trưởng tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ – được cho là đã hết hạn chứng chỉ hành nghề từ tháng 10/2023. Cụ thể, chứng chỉ số C01.14.6586-C của ông Trụ được Bộ Tài chính công bố hết hiệu lực kể từ ngày 18/10/2023. 

Tập đoàn Sơn Hải ý kiến sau khi trượt gói thầu ở dự án 17.400 tỷ đồng: Chủ đầu tư phản bác 1 thông tin- Ảnh 1.

Ảnh minh họa cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tương lai bằng AI ChatGPT

Tập đoàn Sơn Hải cho rằng việc sử dụng chuyên gia không còn đủ điều kiện pháp lý để đánh giá hồ sơ vi phạm nghiêm trọng các quy định về đấu thầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự công bằng và chính xác trong việc lựa chọn nhà thầu.

Xác nhận với PV Báo Điện tử VTC News, ông Đinh Tiến Hải - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước, chủ đầu tư dự án cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản phản đối kết quả chọn nhà thầu của Tập đoàn Sơn Hải.

Phản hồi thông tin Tập đoàn Sơn Hải cho rằng chứng chỉ của ông Vũ Ngọc Trụ đã hết hạn, ông Đinh Tiến Hải khẳng định không có chuyện đó.

"Chứng chỉ hành nghề thời hạn 5 năm cấp lại một lần. Chứng chỉ của ông Trụ mới được cấp lại từ 2023", ông Đinh Tiến Hải thông tin với báo trên.

Tập đoàn Sơn Hải nêu ý kiến về kết quả chọn nhà thầu đường cao tốc

Sáng 26/5, Tập đoàn Sơn Hải công khai văn bản phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu xây dựng tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước.

Theo nội dung văn bản được đăng tải trên fanpage chính thức của Tập đoàn Sơn Hải, doanh nghiệp này cho biết họ đã bị loại khỏi gói thầu xây lắp có tổng mức đầu tư hơn 880 tỷ đồng – dù đưa ra mức giá thấp nhất trong số 5 nhà thầu dự thầu.

Cụ thể, Tập đoàn Sơn Hải dự thầu với mức giá hơn 732,2 tỷ đồng, giúp tiết kiệm cho ngân sách gần 150 tỷ đồng so với giá gói thầu do chủ đầu tư đưa ra. Trong khi đó, đơn vị được chọn là liên danh HCM-TDM-CT lại có giá dự thầu cao nhất – hơn 866 tỷ đồng, mức tiết kiệm chưa đến 15 tỷ đồng. Chúng tôi rất ngạc nhiên trước quyết định lựa chọn nhà thầu có giá dự thầu cao nhất, Tập đoàn Sơn Hải nêu rõ trong văn bản.

Tập đoàn Sơn Hải ý kiến sau khi trượt gói thầu ở dự án 17.400 tỷ đồng: Chủ đầu tư phản bác 1 thông tin- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải. Ảnh: VGP.

Ngoài Tập đoàn Sơn Hải, danh sách các nhà thầu không trúng thầu còn có nhiều tên tuổi lớn trong ngành giao thông. Theo thông tin từ chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước – lý do loại các nhà thầu này là do "không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật".

Tuy nhiên, phía Sơn Hải đặt nghi vấn về quá trình đánh giá, đặc biệt khi những nhà thầu bị loại đều là các doanh nghiệp có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông.

Vì vậy, Tập đoàn Sơn Hải đã gửi văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Phước, yêu cầu xem xét lại quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu và quyết định lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng gửi văn bản đến các cơ quan chức năng cấp trung ương để kiến nghị giám sát quá trình đấu thầu.

Tập đoàn Sơn Hải khẳng định việc lựa chọn nhà thầu có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đang được siết chặt và yêu cầu tiết kiệm, minh bạch được đặt lên hàng đầu.

Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024-2027, hoàn vốn trong 32 năm 7 tháng. Giai đoạn đầu, tuyến có 4 làn xe và nâng lên 6 làn ở giai đoạn đầu tư tiếp theo; vận tốc tối đa 100 km/h.

Cao tốc này được kỳ vọng là tuyến huyết mạch liên kết vùng Đông Nam Bộ, đồng thời rút ngắn thời gian từ các tỉnh đến sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp đầu tư trong khu vực.


Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên