Ngành cảng biển: Sống tốt trong khủng hoảng
Mặc dù đứng trước lo ngại về việc quy hoạch thiếu khoa học và nguy cơ doanh nghiệp ngoại có thể “nuốt” cảng Việt Nam, trong năm vừa qua, ngành này vẫn có những tăng trưởng đáng kể.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải
Việt Nam, năm 2011 lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt xấp xỉ 290
triệu tấn. Dự báo lượng hàng thông qua toàn bộ hệ thống cảng biển như sau: 500
- 600 triệu tấn/năm vào năm 2015; 900 - 1.100 triệu tấn/năm vào năm 2020; 1.600
- 2.100 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Đây là một tín hiệu đáng mừng đối
với ngành cảng biển Việt Nam trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt
là trong giai đoạn khủng hoảng của ngành “họ hàng” là vận tải biển.
Mặc dù đứng trước lo ngại về việc
quy hoạch thiếu khoa học và nguy cơ doanh nghiệp ngoại có thể “nuốt” cảng Việt
Nam, trong năm vừa qua, ngành này vẫn có những tăng trưởng đáng kể. Có thể thấy
rõ điều này qua kết quả kinh doanh quý 3 của 5 doanh nghiệp trong ngành niêm yết
trên sàn chứng khoán hiện nay.
Mức giá cao nhưng P/E hấp dẫn
Trong giai đoạn thị trường đồng
loạt sụt giảm, thì cổ phiếu ngành cảng biển vẫn ở mức trên 10 nghìn đồng/CP,
thậm chí CP của DVP còn có giá lên tới 40 nghìn đồng. Đây là một sự ghi nhận
của thị trường đối với kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Một số liệu tương ứng để so sánh,
trong 54 công ty thuộc nhóm ngành công nghiệp có số liệu P/E, chỉ số bình quân
của các công ty này ở mức 9,5 lần. Trong khi đó, nhóm nhỏ các công ty cảng biển
có chỉ số P/E bình quân rất thấp, chỉ ở mức 3,3 lần. Có nghĩa là cứ 3,3 đồng
mua 1 CP ngành cảng biển sẽ cho 1 đồng lợi nhuận sau thuế trên mỗi CP. Đây là
một mức P/E tương đối hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Có được điều này là nhờ thu nhập
bình quân trên mỗi CP (EPS trailing 4 quý gần nhất) của ngành đều ở mức khá
cao, trên 5 nghìn đồng/CP trong đó VSC đạt kỷ lục với 17,42 nghìn đồng/CP. VGP
là doanh nghiệp có EPS thấp nhất với 2,9 nghìn đồng/CP.
Lợi nhuận tăng trưởng
Có thể nói mức lợi nhuận tăng
trưởng của ngành cảng biển là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự hấp
dẫn của nhóm ngành này trên thị trường. Quý 3/2012, 5 doanh nghiệp cảng biển
báo lãi tổng cộng 136,91 tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ 2011. Trừ VGP với kết quả sụt giảm mạnh gần 50% lợi
nhuận sau thuế, tương ứng giá trị 3,25 tỷ đồng, 4 doanh nghiệp còn lại đều có
mức lợi nhuận sau thuế quý 3/2012 tăng trưởng so với quý 3/2011. PDN là quán quân tăng trưởng với tỷ lệ tăng
trưởng nhảy vọt 98%. VSC là doanh nghiệp có lợi nhuận cao và khá ổn định trong
2 năm trở lại đây với không dưới 40 tỷ đồng lãi ròng mỗi quý.
Với kết quả kinh doanh khả quan,
sau 9 tháng, đã có 3 doanh nghiệp vượt kế hoạch kinh doanh cả năm do ĐHCĐ giao
phó.
Đặc biệt phải kể đến DXP với kết quả 9 tháng vượt 30% kế hoạch LNTT
cả năm 2012. Doanh thu quý 3/2012 của DXP đạt 64 tỷ đồng, tăng 33,3% so với
cùng kỳ. Tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần giảm, kết quả quý 3/2012 DXP báo lãi
17,53 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng của DXP ở mức 27%, PDN và VSC cũng đạt biên
lợi nhuận tương đương với tỷ lệ 29% và 26%.
Đáng chú ý, tỷ lệ biên lãi ròng
của DVP quý 3/2012 lên tới 44,16%, là một tỷ lệ
đáng mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào.
Cổ tức từ 20% trở lên
Trong 5 doanh nghiệp cảng biển
được niêm yết, cổ tức kế hoạch 2012 của 4 công ty đều ở mức từ 20% trở lên. Duy
nhất VGP có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ, kế hoạch cổ tức e dè
hơn với con số 18%, một mức cổ tức rõ ràng không thấp trong giai đoạn hiện nay,
đặc biệt khi giá CP của công ty này chốt phiên giao dịch 31/11 ở mức 12 nghìn
đồng/CP.
Ngoại trừ PDN chưa có quyết định
về việc tạm ứng cổ tức 2012, qua 9 tháng, các doanh nghiệp đã chi/có ý định chi
một phần cổ tức cho các cổ đông. Hiện tại, còn từ 5-10% cổ tức 2012 chưa được
các DN chi trả nốt. Riêng PDN, tỷ lệ cổ tức tiền mặt 20% vẫn còn nguyên vẹn.
Minh Thư
Trí Thức Trẻ