Thị phần về thấp nhất 10 năm do hàng giá rẻ từ Trung Đông chèn ép, "vua nhựa đường" Việt Nam chật vật quay trở lại, kỳ vọng vào đầu tư công

Báo lãi tăng trưởng 106% trong quý 1/2025 nhưng thực tế, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất thị trường nhựa đường Việt Nam mới quay về mức 2 năm trước, sau 1 năm sụt giảm mạnh.
- 08-05-2025Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) lên tiếng về việc tạm dừng quyền Tổng giám đốc với ông Đào Nam Hải
- 08-05-2025Petrolimex và Pjico làm ăn ra sao dưới thời ông Đào Nam Hải?
- 26-04-2025ĐHCĐ Petrolimex: Doanh thu mất 1.000 tỷ đồng sau biến động giá dầu, cơ hội mở rộng mạng lưới bán lẻ từ việc sáp nhập tỉnh, thành
'Vua nhựa đường' chật vật với lợi nhuận
Tổng Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex (mã: PLC) đã công bố KQKD với doanh thu quý 1/2025 đạt hơn 1.900 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, LNST sau lợi ích CĐTS đạt 32 tỷ đồng, tăng tới 106%.
Thực tế với mức tăng này, lợi nhuận của PLC mới về tương đương 2 năm trước, tức quý 1/2023 bởi lẽ năm 2024 công ty này chứng kiến sự sụt giảm tới 60%.
Lợi nhuận của PLC đã liên tục đi xuống trong 3 năm qua.

Mức tăng trưởng của LNST sau lợi ích CĐTS trong quý 1/2025 chủ yếu nhờ lợi nhuận gộp và thu nhập tài chính (tăng 109%), phản ánh mức lãi tỷ giá trong quý này.
Lợi nhuận gộp từ mảng nhựa đường tăng 23% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ mức tăng 31% so với cùng kỳ của doanh thu, với thị phần phục hồi lên mức 29,5% và tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công được đẩy nhanh.
Cuộc đấu với nhựa đường giá rẻ từ đối thủ Trung Đông
PLC là doanh nghiệp kinh doanh đầu ngành về các sản phẩm hóa dầu bao gồm: dầu nhờn, nhựa đường, hóa chất.
Với mảng nhựa đường, PLC duy trì thị phần bình quân 28-30% trong nhiều năm qua, giữ vững vị trí là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành này. Riêng quý 1/2025, thị phần đạt 29,5%.
Công ty có công suất thiết kế là 400.000 tấn/năm, và sản lượng cung ứng hàng năm thường vào khoảng 230.000 tấn. Ban lãnh đạo công ty cho biết có thể tăng sản lượng lên 350.000–400.000 tấn/năm khi nhu cầu thị trường bước vào giai đoạn cao điểm.

Tuy nhiên, theo Vietcap, PLC đã gặp khó khăn trong giai đoạn 2023–2024 do sự gia tăng của lượng nhựa đường giá rẻ nhập khẩu từ các đối thủ, chủ yếu là từ khu vực Trung Đông.
Trong năm 2024, lượng nhựa đường giá rẻ từ các công ty tư nhân, đặc biệt là các nguồn hàng Trung Đông, đã tăng lên chiếm 34% nguồn cung trên thị trường nội địa, so với mức 25% năm 2023.
Các sản phẩm nhập khẩu có giá thành thấp hơn này tạo áp lực lên biên lợi nhuận của PLC. Cạnh tranh về giá khiến thị phần của PLC giảm xuống còn 17,8% trong năm 2024 (mức thấp nhất trong 10 năm qua).
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo công ty cho biết, nhu cầu thị trường giảm, cạnh tranh gay gắt và sự gia tăng lượng nhựa đường nhập khẩu từ Trung Đông (bị thay đổi xuất xứ) vào Việt Nam, khiến mặt bằng giá trung bình giảm 10% so với năm 2023. Tỷ lệ lãi gộp năm 2024 chỉ còn 8,54%, bằng 76% so với 2023, về giá trị là giảm 170 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận năm 2024 giảm mạnh.
Những khó khăn này vẫn tiếp diễn trong quý 1/2025, khiến cho sản lượng nhựa đường đạt 25% kế hoạch và lợi nhuận khoảng 11 tỷ đồng. Dự kiến trong quý 2, sản lượng nhựa đường đạt khoảng 25.000 tấn, tương ứng doanh thu 300 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại với các cơ quan quản lý về chất lượng của các lô hàng nhập khẩu không chính thức từ Trung Đông, do lo ngại các sản phẩm này có thể không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của các công trình hạ tầng Việt Nam.
'Đầu tư công' có trở thành 'đũa thần'?
Sau khi rơi xuống mức giá 18.900 đồng/cp vào ngày 8/4 do cú sụt của thị trường chứng khoán chung bởi thông tin thuế đối ứng, PLC đã phục hồi về giá 26.300 đồng, ghi nhận mức tăng 39% trong hơn 1 tháng qua.
Ở vị thế 'vua nhựa đường' tại Việt Nam, PLC đang được đặt kỳ vọng nhờ từ khóa 'đầu tư công'.
Vietcap dự báo LNST của PLC năm 2025 sẽ tăng hơn gấp đôi lên 113 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng nhựa đường với dự báo tăng trưởng doanh thu là 22% và biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 8,5% lên 10,5%.
Vietcap cho rằng PLC có vị thế tốt để bảo vệ và giành lại thị phần, được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại nhựa đường chất lượng cao hơn, đặc biệt là nhựa đường polymer biến tính (PMA).
PLC có lợi thế trong lịch sử cung ứng nhựa đường cho các dự án hạ tầng quy mô lớn trong nước.
Các sản phẩm nhựa đường của công ty đã được sử dụng trong hầu hết các dự án trọng điểm quốc gia, bao gồm: Các tuyến đường cao tốc: TP.HCM–Long Thành–Dầu Giây, Hà Nội–Hải Phòng, Đà Nẵng–Quảng Ngãi, Pháp Vân–Cầu Giẽ; Các tuyến quốc lộ: Quốc lộ 1 (qua nhiều đoạn), Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, Quốc lộ 18; Các công trình sân bay và cơ sở hạ tầng khác: Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Nhật Tân và các tuyến đường vành đai chính tại TP.HCM và Hà Nội.

Vietcap dự báo tổng sản lượng bán nhựa đường mà PLC sẽ đạt 1,7 triệu tấn trong giai đoạn 2025–2029 (tăng 39% so với tổng sản lượng bán trong giai đoạn 2020–2024). Đà tăng trưởng này phù hợp với sự phát triển của cơ sở hạ tầng Việt Nam, với tổng vốn dự kiến được Bộ GTVT giải ngân trong giai đoạn 2025-2029 là 477 nghìn tỷ đồng (94% của ngân sách 510 nghìn tỷ đồng; tăng 65% so với giai đoạn 2020-2024.
Tương tự như các chu kỳ trước, Vietcap kỳ vọng sẽ có mối tương quan chặt chẽ giữa lượng vốn mà Bộ GTVT giải ngân và nhu cầu nhựa đường.
Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhấn mạnh, vấn đề nhựa đường giá rẻ bị thay đổi xuất xứ không phải là câu chuyện đơn giản dễ giải quyết, và nếu không giải quyết được, PLC vẫn sẽ 'ngập' trong áp lực cạnh tranh đến ăn mòn lợi nhuận.
Nhịp sống thị trường