MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổ hàng chục triệu cho IELTS, nhiều học sinh giờ "toát mồ hôi": Gió xoay chiều, có nên mạo hiểm đi "đường tắt"?

13-05-2025 - 22:21 PM | Sống

Đổ hàng chục triệu cho IELTS, nhiều học sinh giờ "toát mồ hôi": Gió xoay chiều, có nên mạo hiểm đi "đường tắt"?

Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Có nên tiếp tục đổ hàng chục triệu đồng để đầu tư IELTS, nếu chứng chỉ này không còn được "ưu ái" như trước?

Trong nhiều năm qua, IELTS đã trở thành tấm vé vàng cho hàng chục nghìn học sinh Việt Nam muốn giảm áp lực thi cử và tìm cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, những thay đổi trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025 đang khiến vị thế "vàng" này bắt đầu lung lay. Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Có nên tiếp tục đổ hàng chục triệu đồng để đầu tư IELTS, nếu chứng chỉ này không còn được "ưu ái" như trước?

Hơn 1.700 học sinh lớp 12 của TP HCM được miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, trong khi năm ngoái là hơn 13.000. Số liệu thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ được Sở Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 9/5. Đây là con số thấp nhất trong bốn năm qua. So với riêng năm ngoái, số thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ năm nay chỉ bằng khoảng 1/7.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở việc tiếng Anh không còn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp, mà còn bởi một thay đổi then chốt: Bộ GD&ĐT đã bãi bỏ cơ chế quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 tuyệt đối cho môn thi tiếng Anh. Hệ quả là, không ít phụ huynh từng coi IELTS là "con đường tắt", đang rơi vào tâm lý hoang mang.

Đổ hàng chục triệu cho IELTS, nhiều học sinh giờ

Trong nhiều năm qua, IELTS đã trở thành tấm vé vàng cho hàng chục nghìn học sinh Việt Nam muốn giảm áp lực thi cử và tìm cơ hội vào đại học.

Không chỉ dừng lại ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học lớn cũng đang đồng loạt giảm sự ưu tiên dành cho IELTS trong tuyển sinh. Trước đây, nhiều trường chấp nhận tuyển thẳng hoặc quy đổi điểm từ chứng chỉ ngoại ngữ, thì nay hầu hết chuyển sang sử dụng IELTS như tiêu chí phụ, chỉ cộng điểm ưu tiên hoặc làm điều kiện sơ tuyển trong các phương thức xét tuyển kết hợp.

Ví dụ: Đại học Hà Nội không chấp nhận quy đổi điểm IELTS thành điểm môn tiếng Anh, chỉ cộng điểm ưu tiên từ 1–4 tùy theo band điểm; Đại học Kiến trúc Hà Nội bỏ tuyển thẳng với IELTS 6.5, chuyển sang cộng ưu tiên từ 0,6–1,2 điểm.

Đại học Văn hóa Hà Nội điều chỉnh mức cộng điểm: IELTS 4.0–4.5 chỉ được cộng 1 điểm, phải đạt 6.5 mới được cộng 3 điểm như trước. Trường này cũng không quy đổi điểm IELTS sang điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh.

Đại học Dược Hà Nội và nhiều trường khối A, B không sử dụng IELTS trong tuyển sinh. Đại học Y Dược TPHCM chỉ dùng IELTS như tiêu chí cộng điểm trong xét tuyển kết hợp, không còn là điều kiện sơ tuyển chính.

Tất cả những động thái này phản ánh một xu hướng rõ ràng: IELTS đang dần bị "gỡ bỏ" khỏi vai trò là "tấm vé thông hành" vào đại học. Các trường đang hướng tới đánh giá toàn diện hơn, thay vì quá phụ thuộc vào một chứng chỉ.

Khi IELTS không còn là "kim bài" tuyển sinh: Có nên tiếp tục đầu tư?

Điều này đặt ra một thực tế: IELTS không còn là "kim bài miễn tử" như giai đoạn 2020–2023. Với sự điều chỉnh trong chính sách của Bộ và động thái của nhiều trường đại học, IELTS đang dần trở lại đúng bản chất ban đầu của nó, một chứng chỉ đánh giá năng lực ngôn ngữ quốc tế, thay vì là "vé ưu tiên" cho kỳ thi quốc gia.

Vậy có nên tiếp tục đầu tư học và thi IELTS?

Câu trả lời là: Có, nhưng với cái đầu lạnh và mục tiêu rõ ràng. Nếu mục tiêu là đi du học, làm việc ở môi trường quốc tế hoặc học chương trình liên kết quốc tế trong nước, thì IELTS vẫn rất quan trọng. Với những học sinh có năng lực ngoại ngữ tốt và định hướng nghề nghiệp toàn cầu, chứng chỉ này vẫn đáng để đầu tư. Tuy nhiên, nếu chỉ học và thi IELTS để được miễn thi tốt nghiệp hoặc lấy điểm ưu tiên vào đại học, thì đầu tư "chạy theo phong trào" lúc này có thể không còn hiệu quả.

Đổ hàng chục triệu cho IELTS, nhiều học sinh giờ

Ảnh minh hoạ

Thực tế cho thấy, khi không còn được ưu ái, giá trị thực của một chứng chỉ mới lộ diện. Nếu trước đây có học sinh cố gắng luyện "mẹo thi" để đạt band 6.0, thì nay xu hướng đó có thể giảm bớt, nhường chỗ cho những người thực sự cần khả năng tiếng Anh cho học tập và nghề nghiệp lâu dài.

Với phụ huynh và học sinh, đây cũng là thời điểm để nhìn lại chiến lược đầu tư giáo dục. Thay vì dồn toàn lực cho một chứng chỉ có tính thời điểm, có lẽ cần cân bằng lại giữa kết quả học tập tổng thể, kỹ năng tư duy và năng lực học thuật thật sự. Trong bối cảnh nhiều trường đại học tăng cường đánh giá toàn diện qua bài luận, phỏng vấn, học bạ hoặc bài thi riêng, thì IELTS không còn là "chiếc đũa thần".

"Cơn sốt IELTS" từng tạo nên cuộc đua tốn kém về thời gian, tiền bạc và cả áp lực tâm lý, có thể sẽ hạ nhiệt. Và đó có thể là một tín hiệu tích cực, để việc học ngoại ngữ trở về đúng ý nghĩa vốn có: không phải để "vượt rào" thi cử, mà để mở ra cánh cửa hội nhập thực sự.

Theo Bảo Tín

Phụ nữ số

Trở lên trên