Đàm phán có dấu hiệu tích cực, Mỹ vẫn áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran
Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 13/5 đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hơn 20 công ty trong một mạng lưới bị cáo buộc đã nhiều năm vận chuyển dầu của Iran sang Trung Quốc.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nhà đàm phán Iran và Mỹ kết thúc vòng đàm phán hạt nhân thứ tư.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, mạng lưới này đã hỗ trợ vận chuyển lượng dầu trị giá hàng tỷ USD sang Trung Quốc thay mặt cho Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng vũ trang Iran và công ty bình phong Sepehr Energy. Sepehr đã bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt từ năm 2023.
Trong số các công ty bị trừng phạt có CCIC Singapore PTE, bị cáo buộc giúp Sepehr che giấu nguồn gốc dầu từ Iran và thực hiện các thủ tục kiểm tra trước khi giao hàng - một bước cần thiết trước khi dầu được chuyển sang Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết hoạt động thương mại lén lút này đã giúp tài trợ cho chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái của Iran, phổ biến vũ khí hạt nhân và các cuộc tấn công do lực lượng Houthi thực hiện nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, Hải quân Mỹ và Israel.
"Chừng nào chế độ Iran còn tiếp tục tài trợ cho khủng bố và phổ biến vũ khí sát thương, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nhắm vào nguồn thu chủ yếu này" - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định trong một tuyên bố.

Tổng thống Masoud Pezeshkian tuyên bố Iran không tìm kiếm vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không từ bỏ nghiên cứu hạt nhân hòa bình phục vụ y tế, nông nghiệp và công nghiệp. (Ảnh: AFP)
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ và phái đoàn Iran tại New York hiện chưa đưa ra bình luận về các lệnh trừng phạt mới.
Đây là vòng trừng phạt mới nhất kể từ khi ông Trump tái khởi động chiến dịch "gây áp lực tối đa" đối với Iran hồi tháng 2/2025. Trước đó, chính quyền Trump cũng đã trừng phạt các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc - thường được gọi là "nhà máy ấm trà" - vì tiếp tục xử lý dầu thô của Iran. Các biện pháp trừng phạt này bao gồm đóng băng tài sản tại Mỹ của các đối tượng bị liệt kê và cấm các công dân Mỹ làm ăn với họ.
Theo giới phân tích, những biện pháp trừng phạt trong thời gian gần đây đã gây áp lực rõ rệt lên cả Iran và Trung Quốc. Tuy nhiên, để tác động sâu rộng hơn tới xuất khẩu dầu của Iran, Washington sẽ cần phải nhắm vào những mục tiêu lớn hơn. Lệnh trừng phạt lần này được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ ban hành theo thẩm quyền chống khủng bố - một động thái được cho là gia tăng cấp độ áp lực.
Ông Trump đưa ra cảnh báo "đanh thép"
Tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa đối với ngành dầu mỏ của Iran, nếu Tehran không chấp nhận "cành ô liu" mà Washington đang đưa ra trong khuôn khổ đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Mỹ - Saudi Arabia tổ chức ở Riyadh hôm qua, ông Trump nhấn mạnh: "Nếu giới lãnh đạo Iran từ chối nhành ô liu này, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng áp lực tối đa, đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0".
Ông cũng nhắc lại các lệnh trừng phạt mà Mỹ từng đơn phương áp đặt vào năm 2018 sau khi rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Thỏa thuận này từng giúp Iran được nới lỏng trừng phạt để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của mình. "Khi đó, họ gần như là một quốc gia phá sản vì những gì tôi đã làm", ông Trump tuyên bố.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng bị chỉ trích bởi cộng đồng quốc tế. Báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc công bố năm 2023 cho thấy, các biện pháp trừng phạt của Washington đã khiến người dân Iran khó tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu. Báo cáo chỉ rõ rằng nhiều nhà sản xuất, hãng vận chuyển, công ty bảo hiểm và ngân hàng e ngại hợp tác với Iran vì sợ bị Mỹ trừng phạt, dẫn đến tình trạng "sợ hãi, đau đớn và tử vong sớm" trong dân chúng.

Ông Trump cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa đối với ngành dầu mỏ của Iran, trong chuyến thăm Saudi Arabia ngày 13/5/2025. (Ảnh: Getty Images)
Ngày 11/5, vòng đàm phán thứ tư giữa Iran và Hoa Kỳ về chương trình hạt nhân của Tehran đã kết thúc tại Muscat, Oman. Cuộc gặp kéo dài ba giờ, do Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi và Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ Steve Witkoff dẫn đầu, với sự trung gian của các quan chức Oman. Ông Abbas Araghchi cho biết các cuộc đàm phán hiện tại giữa Tehran và Washington tại Oman đang có tiến triển. "Hai bên đã đạt được sự hiểu biết tốt hơn", ông nói.
Tuy nhiên, bất đồng lớn vẫn tồn tại. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm Chủ nhật đã thẳng thừng bác bỏ một yêu cầu then chốt của Mỹ - đó là tháo dỡ toàn bộ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran.
Về phía mình, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích hòa bình, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc về việc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2015, Iran cũng dần ngừng thực hiện các cam kết trong thỏa thuận này và gia tăng lượng uranium làm giàu.
Mỹ và các đồng minh ngày càng lo ngại trước tốc độ làm giàu uranium của Iran, điều mà họ cho rằng có thể giúp Tehran rút ngắn thời gian cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Dù đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ Mỹ, Tehran đến nay vẫn giữ lập trường kiên định, cho rằng chính Washington mới là bên vi phạm thỏa thuận ban đầu và cần có động thái thiện chí nếu muốn khôi phục đối thoại thực chất.
VTV