Xác định được người chuyển tiền, công an phối hợp với ngân hàng phong tỏa một tài khoản tại Vietcombank, giúp nạn nhân bị lừa đảo thu hồi gần 300 triệu đồng

Ông Nguyễn Văn Chinh vui mừng, xúc động khi được cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục bàn giao lại số tiền 285 triệu đồng.
Nhờ sự can thiệp kịp thời của công an và cán bộ ngân hàng, người đàn ông đã tránh được thiệt hại về tài sản.
- 23-05-2025Shark Bình 'flex' bán được 100.000 loa báo chuyển khoản sau 3 tháng: "Làm ăn mà không có công cụ số hỗ trợ thì sớm muộn cũng bị bỏ lại phía sau"
- 23-05-20253 đối tượng ở trong doanh nghiệp cần phải có tài khoản ngân hàng, xác thực sinh trắc học trước 1/7/2025
- 23-05-2025Phát hiện loại tài khoản ngân hàng không cần xác thực sinh trắc học vẫn có thể giao dịch trên 10 triệu đồng, người đàn ông liền nảy ý tưởng kinh doanh bất chính
Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Hà Nam cho biết vừa phối hợp ngân hàng Vietcombank - chi nhanh Hà Nam kịp thời ngăn chặn người dân chuyển gần 300 triệu đồng cho một đối tượng lừa đảo, mạo danh Công an thông báo nạn nhân có liên quan đến pháp luật yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để phối hợp điều tra.
Trước đó, khoảng 10h30 phút, ngày 19/5/2025, tại ngân hàng Vietcombank - chi nhanh Hà Nam, phát hiện một cặp vợ chồng trung tuổi nhìn khắc khổ, có biểu hiện hoảng hốt, lo lắng đến ngân hàng nhờ chuyển gấp số tiền 285 triệu đồng cho một tài khoản lạ. Tuy nhiên, quá trình trao đổi, nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ cùng số tiền lớn nên nhân viên ngân hàng đã trình báo và yêu cầu Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Hà Nam hỗ trợ xác minh.
Xác định vụ việc có tính chất nghiêm trọng, liên quan đến dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Phòng An ninh kinh tế đã nhanh chóng phối hợp Công an xã Kim Bình và ngân hàng Vietcombank xác định được người chuyển tiền là ông Nguyễn Văn Chinh, (SN 1956), trú ở xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; đồng thời khẩn trương xác minh, làm rõ, phong tỏa kịp thời tài khoản của ông Chinh và giữ lại được toàn bộ số tiền 285 triệu đồng.
Tại cơ quan chức năng, ông Chinh cho biết bản thân liên tục nhận được cuộc gọi từ một đối tượng tự xưng là Công an, thông báo với nội dung ông Chinh liên quan đến một vụ án ma túy. Yêu cầu ông phải chuyển nhanh số tiền 285 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để phục vụ điều tra... Do lo sợ trước những lời đe dọa và nghĩ bản thân liên quan đến pháp luật, ông Chinh đã đến ngân hàng làm các thủ tục chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Qua quá trình vận động, tuyên truyền của lực lượng Công an và ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Hà Nam, ông Chinh nhận ra đây là chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu và cũng đã kịp thời dừng các liên lạc và giao dịch ngân hàng với đối tượng xấu nêu trên để không xảy ra mất mát tài sản.
Qua vụ việc trên, Cơ quan Công an khuyến cáo, để tránh “sập bẫy” loại tội phạm này, người dân phải hết sức thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp, phải dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và lưu ý những vấn đề sau để tránh bị lừa đảo:
- Không công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng.
- Khi có cuộc gọi tự xưng là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, phải yêu cầu gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình cư trú.
- Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như: bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, không ấn vào những đường link giả mạo,..
- Không cung cấp số tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.
- Tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tài khoản đã chuyển), cần xác thực thông tin trước khi chuyển tiền,…
Khi có nghi vấn, phải báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để xử lý.
An ninh tiền tệ