MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index vượt đỉnh 3 năm, tài khoản nhiều nhà đầu tư vẫn chưa “về bờ”: Chuyên gia VPBankS nói gì?

VN-Index vượt đỉnh 3 năm, tài khoản nhiều nhà đầu tư vẫn chưa “về bờ”: Chuyên gia VPBankS nói gì?

"Với nhiều ngành nghề, nhiều nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng giai đoạn vừa qua, tôi nghĩ rằng vẫn còn cơ hội đầu tư, có mức định giá giải ngân tương đối an toàn", vị chuyên gia nêu rõ.

Chứng khoán Việt Nam trải qua diễn biến tích cực với đà bật tăng mạnh từ sau giai đoạn khủng hoảng thuế quan. Từ vùng đáy 9/4, VN-Index đã tăng gần 250 điểm, lên sát mốc 1.340 điểm, cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua (kể từ hồi tháng 4/2022).

Vẫn còn cơ hội đầu tư với mức định giá giải ngân tương đối an toàn

Tại chương trình "Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng", ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định rằng các cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động tương đối đáng kể đến nhịp hồi của VN-Index.

VN-Index vượt đỉnh 3 năm, tài khoản nhiều nhà đầu tư vẫn chưa “về bờ”: Chuyên gia VPBankS nói gì?- Ảnh 1.

Thị trường có sự phân hóa rất lớn giữa mức tăng của các nhóm cổ phiếu, trong đó nhiều cổ phiếu tăng hơn 100%, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu còn lại, thậm chí nhiều mã large-cap chỉ tăng dưới 10%.

Theo thống kê, tới thời điểm hiện tại trên sàn HoSE, có 42 mã tăng trên 30%, 215 mã tăng trên 10% đến dưới 30% và phần còn lại là 154 mã tăng thấp hơn 10%. Trên 2/3 thị trường có mức tăng dưới 30%, một nửa số mã trên HoSE có mức tăng thấp hơn VN-Index. Đây là lý do dễ hiểu danh mục của nhiều nhà đầu tư thậm chí chưa "về bờ".

Trong đó, nếu chỉ tính VN30 hoặc VN50, 27 mã có mức tăng vượt trội hơn VN-Index, như nhóm cảng biển, nhóm Vingroup, NVL, MWG. Nếu so sánh mức giá của nhóm này với trước nhịp giảm đầu năm 2024, đạt mức tăng khoảng 10-15%.

Quay trở lại nhóm vốn hoá mid-cap, VPBankS có thống kê rằng, hầu hết nhóm VN50 chỉ có mức tăng chỉ ngang VN-Index hoặc thấp hơn (khoảng 40 mã). Vị chuyên gia cũng chỉ ra có một số cái tên dễ giải thích như nhóm bất động sản khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi thông tin thuế quan, nhóm hàng không, dầu khí (cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu ở mức thấp). Một số công ty chứng khoán cũng có mức tăng khiêm tốn.

Theo ông Dương, nhà đầu tư mới chỉ chứng kiến một phần nhỏ nhóm vốn hoá lớn có mức tăng ấn tượng và nhóm này đã dẫn dắt chỉ số chung tăng trở lại 1.300 điểm. Nhiều nhóm khác có mức tăng khiêm tốn, thậm chí chưa phục hồi sau đợt giảm vì thông tin thuế quan.

Về mặt thuế quan, cơ hội đầu tư mặt mid-cap vẫn còn tương đối nhiều. Tính chu kỳ từ mùa công bố KQKD quý 1/2025, đơn cử như ngành ngân hàng vẫn tích cực. Thông tin kỳ vọng từ KQKD quý 2, trong khi mức độ ảnh hưởng thuế quan vẫn chỉ ở mức thông tin, chưa phải thực tế về con số áp thuế cuối cùng, có thể sẽ là động lực cho thị trường.

"Với nhiều ngành nghề, nhiều nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng giai đoạn vừa qua, tôi nghĩ rằng vẫn còn cơ hội đầu tư, có mức định giá giải ngân tương đối an toàn", vị chuyên gia nêu rõ.

Thực tế, ông Dương cho biết chỉ chưa tới 10 mã có mức tăng trên 50% trong danh mục VN50, chủ yếu là họ Gelex (tăng bình quân 100%), HAH, nhóm Vingroup, hay NVL. Nếu nhà đầu tư không cầm cổ phiếu trong nhóm này, hiệu suất danh mục sẽ khó đạt được mức tăng như thị trường.

Trở lại thời điểm cùng kỳ năm 2024, nếu danh mục của nhà đầu tư khi đó không có FPT thì khó tiệm cận mức độ tăng của VN-Index. Do đó, diễn biến trong nửa đầu năm nay cũng không phải quá bất thường.

Kênh tiền gửi tiết kiệm vẫn kém hấp dẫn hơn đầu tư chứng khoán

Liên quan tới việc tiền gửi của dân cư tiếp tục lập kỷ lục mới, xu hướng người dân đi gửi tiền vẫn ở mức cao. Một khán giả cho rằng người dân không nên gửi tiết kiệm khi nhiều cổ phiếu hiện có mức chi trả cổ tức tương đối tích cực, trên sàn chứng khoán không thiếu cơ hội.

Theo đánh giá của chuyên gia VPBankS, mức tăng hơn 4% của tiền gửi tiết kiệm trong thời gian qua chưa phải một vấn đề cần quan ngại. Tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh thường là hệ quả của một trong hai yếu tố, xu hướng lãi suất tăng hoặc khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, ở hiện tại, cả hai yếu tố này đều không phải vấn đề có ảnh hưởng quá lớn.

Đánh giá với hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tiền gửi với tín dụng là mối tương quan phải xem xét. Tuy nhiên, mức tăng của tín dụng và tiền gửi hiện tại khá tương đồng. Với diễn biến hiện tại, hệ thống ngân hàng và cổ phiếu ngân hàng sẽ có mức NIM vận hành tương đối ổn định.

Ở góc độ đầu tư, trước đây VPBankS thường chia sẻ các tiếp cận đơn giản là tính toán chỉ số E/P (chỉ số thu nhập cổ phiếu trên thị giá cổ phiếu). Hiện tại, E/P của thị trường đang có chênh lệch khoảng 1,5-2% so với tiền gửi tiết kiệm bình quân 12 tháng. Điều này cho thấy mức độ chênh lệch tương đối lớn và ở khía cạnh là tiền gửi tiết kiệm kém hấp dẫn hơn đầu tư chứng khoán. Câu chuyện này chúng ta đã nói đến cách đây 3 tháng và hiện tại thì mức chênh lệch thậm chí còn trầm trọng hơn.

Trên thực tế, chuyên gia cũng cho rằng hầu hết nhà đầu tư chỉ sử dụng kênh tiết kiệm với kỳ hạn ngắn, trong khi nhu cầu đầu tư ở các kênh khác với kỳ hạn dài sẽ cho kỳ vọng sinh lời tốt hơn.

Dương Ngọc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên