Trải nghiệm cảnh giới cao nhất của tuổi xế chiều, tôi thấm: Từ 60 đến 70 tuổi, chăm sóc sinh mệnh tốt nhất không phải là ngủ nhiều hay tập luyện, mà là kiên trì với 4 việc này
Trong quãng đời còn lại, mong bạn và tôi đều có thể chăm sóc tốt cho cơ thể, sắp xếp lại tâm trạng, sống với một tâm thế lạc quan, để mỗi ngày trong tương lai đều trở nên trọn vẹn và ý nghĩa.
- 05-05-20259 thói quen sống cực tiết kiệm của mẹ chồng 60 tuổi: Người ngoài chê bai, còn tôi thì chỉ thấy ngưỡng mộ
- 26-04-2025Đến 60 tuổi, tôi mới hiểu: Nỗi buồn lớn nhất của 1 gia đình xoay quanh 2 CHỮ, thiếu nó, bạn sống không bằng chết!
- 22-04-20258 năm làm việc tại viện dưỡng lão, tôi nhận ra trước 60 tuổi chuẩn bị 3 việc này: Tuổi già an nhàn, không cần dựa vào con cái
Trên mạng xã hội có một câu nói thế này: "Chăm sóc tốt cho sức khỏe và cảm xúc của bản thân, thì trong cuộc đời này, bạn đã thắng được hơn nửa chặng đường, những việc còn lại, trời cao tự có an bài."
Đời người ngắn ngủi, chỉ sống một lần, chăm sóc tốt cho chính mình là việc xứng đáng nhất. Bước vào tuổi xế chiều, sau khi trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, người ta mới dần hiểu ra: trên thân không bệnh, trong lòng không vướng bận, trong mắt không oán hận, đó chính là kiểu "khoe của" cao cấp nhất trong nửa đời sau.
01. Sống tối giản, kiềm chế ham muốn của bản thân
Một nhà văn từng hỏi một giáo sư đại học: "Thế nào là cuộc sống lý tưởng?" Câu trả lời của vị giáo sư khiến ông bừng tỉnh: "Đến một độ tuổi nào đó, bạn sẽ tự ngộ ra: những thứ ngoài thân thực ra chẳng quan trọng đến thế. Cuộc sống tối giản mới là vững vàng và thực tế nhất."
Một người thực sự giàu có không nằm ở chỗ tích lũy bao nhiêu vật chất hay của cải, mà ở sự mãn nguyện trong tâm hồn.
"Cha đẻ của phiên âm Hán Ngữ" – Chu Hữu Quang, là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, vậy mà nhiều năm sống trong một căn biệt thự nhỏ xuống cấp, năm người ở trong một căn nhà chỉ hai phòng rưỡi. Sau này cả nhà dọn đến căn hộ, diện tích cũng rất nhỏ.
Ông từng tự trào chính mình: "Phòng tối càng làm nổi bật ánh sáng cửa sổ; bàn viết không bằng phẳng, trách tôi chuyên chú quá mức. Ngưỡng cửa hư nát, lại hay đón khách không mời; sàn nhà nhảy múa, chào đón bạn cũ ghé thăm". Tuy sống trong điều kiện khiêm tốn, nhưng cả gia đình quây quần, biết đủ mà vui, ấm áp bên nhau, cuộc sống vẫn vô cùng hạnh phúc.
Trong sinh hoạt thường ngày, ông cũng rất giản dị. Về ăn uống, ông ăn rất thanh đạm, không bao giờ đụng đến thịt mỡ nhiều dầu, chủ yếu ăn sữa, trứng, rau và đậu phụ. Thường ngày, ông hầu như không có hoạt động giải trí, mỗi sáng dậy sớm đúng giờ, ra công viên Cảnh Sơn tập thể dục, rồi về nhà đọc sách, làm việc. So với ham muốn vật chất, ông càng trân trọng thời gian có hạn để nâng cao tri thức và tu dưỡng bản thân.
Thái độ sống "tối giản vật chất, cao quý tâm hồn" khiến nội tâm ông vô cùng phong phú, cũng là yếu tố then chốt giúp ông sống thọ tới 112 tuổi.
Trải đời càng nhiều, người ta càng hiểu: năng lượng của một con người là có hạn. Chỉ khi làm chủ được ham muốn nội tâm, sống giản dị về vật chất, giữ tâm thế bình thản, an nhiên, mới có thể thực sự cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống, để cả thân thể lẫn tinh thần đạt đến trạng thái khỏe mạnh nhất.
Tôi rất thích một câu nói của dịch giả Dương Giáng: "Cuộc sống giản dị, tâm hồn cao thượng, là cảnh giới cao nhất của đời người."
Bản chất của cuộc sống thật ra rất giản đơn, chỉ cần ba bữa cơm đủ no, ban đêm ngủ yên trên chiếc giường nhỏ - còn lại đều là phù hoa và thừa thãi. Trong những ngày tháng sắp tới, điều gì nên buông thì buông, điều gì nên nhìn thoáng thì hãy nhìn thoáng, chỉ khi tâm hồn được giải thoát khỏi gánh nặng, ta mới có thể sống thong dong, tự tại.

02. Từ chối sự tiêu hao nội tâm, tránh xa những người và sự việc làm hao mòn bạn
Giáo sư tâm lý học Mao Lợi Hoa (Đại học Bắc Kinh) từng nói: khi nói đến những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều người đều hiểu tầm quan trọng của việc sinh hoạt điều độ, vận động hợp lý, ăn uống hàng ngày. Thế nhưng, họ lại thường bỏ qua vai trò của "giao tiếp xã hội".
Trên thực tế, chất lượng các mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của một người. Có một nhóm bạn cùng chí hướng không chỉ giúp cuộc sống thêm thú vị, mà còn mang lại giá trị cảm xúc tích cực cho nhau.
Cách tốt nhất để quản lý sức khỏe chính là tránh xa những mối quan hệ chất lượng thấp.
Nhà văn người Trung Quốc, Mạc Ngôn, từng mời bạn bè đi ăn. Sau bữa tiệc, thấy còn thừa món vịt quay, với bản năng quý trọng đồ ăn, ông liền tiếp tục ăn thêm một chút. Thế nhưng, ông lại bị bạn bè lén nói xấu: cho rằng ông "keo kiệt", đãi khách mà còn phải "ăn lấy lại vốn". Mạc Ngôn cảm thấy vừa xấu hổ vừa khó chịu. Chẳng lâu sau, ông lại mời khách một lần nữa, lần này cố ý ăn uống chậm rãi, lịch sự. Nào ngờ, lại bị bạn bè trêu chọc rằng ông giả tạo, làm bộ làm tịch.
Lúc đó ông mới hiểu ra, dù làm gì đi nữa, cũng khó tránh khỏi những lời bàn tán và phán xét của người khác. Vì vậy, ông quyết định cắt đứt mối quan hệ với nhóm bạn đó, dành thời gian tập trung cho sáng tác văn học, cuộc sống cũng từ đó trở nên thoải mái và an nhiên hơn.
Trong đời sống, khi đối diện với những người có quan điểm sống khác biệt, mọi lời giải thích của ta đều chỉ là phí lời, hao tổn bản thân. Lâu dần, chỉ khiến ta thêm mệt mỏi. Thay vì tiêu hao năng lượng, hãy chủ động chọn lọc các mối quan hệ - sống thật với người chân thành, kết giao với người tử tế.
Như Charlie Munger từng nói: "Sẽ có lúc bạn xui xẻo rơi vào vũng bùn với một con heo. Việc bạn cần làm là mau chóng bước lên bờ, chứ không phải ở lại để vật lộn với nó."
Nếu một người cứ mãi sống trong môi trường tiêu cực, luôn bị ánh mắt người đời và lời nói xung quanh chi phối, thì chỉ khiến bản thân ngày càng lún sâu vào bùn lầy. Chỉ khi kịp thời rút lui, đến gần những người nuôi dưỡng tâm hồn ta, ta mới có thể tìm lại sự tự tin và sức mạnh để sống một cuộc đời rực rỡ theo cách riêng.
Hãy hẹn vài người bạn thân thiết, cùng trò chuyện, chơi cờ, tập thể dục buổi sáng, uống trà tĩnh dưỡng tinh thần.
Những mối quan hệ nhẹ nhàng và vui vẻ giống như cơn mưa lành tưới mát tâm hồn ta, giúp cơ thể như được gió xuân ve vuốt, duy trì trạng thái khỏe mạnh.
Kahlil Gibran từng nói: "Ý nghĩa của cuộc sống nằm ở việc con người soi sáng lẫn nhau."
Về già rồi, nhất định phải tránh xa những người và việc làm tiêu hao chính mình, dành thời gian và công sức cho những người xứng đáng - có như vậy mới có thể nâng đỡ nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau, để thân thể an lành, tâm hồn bình yên.

03. Tập trung vào bản thân, đừng quá lo lắng cho con cái
Phùng Đường từng viết trong cuốn sách "Có bản lĩnh" rằng: "Tôi và mẹ tôi không thể sống chung dưới một mái nhà. Hai mẹ con ở hai khu dân cư liền kề, cách nhau 800 mét.
Nếu có chuyện gì, tôi có thể lập tức chạy đến; nếu không có gì, chỉ cần mang một bát mì nóng đến cửa nhà bà cũng vẫn còn nóng." Thật vậy, giữa cha mẹ và con cái, cách sống phù hợp nhất chính là giữ một khoảng cách "một bát canh nóng".
Mỗi bên có không gian riêng, nhưng vẫn luôn quan tâm đến nhau. Bát canh nóng được đưa đến đúng lúc – không quá nóng để bỏng tay, cũng không nguội lạnh vô vị – vừa đủ ấm áp, cũng vừa đủ tình cảm.
Trong bộ phim truyền hình Trung Quốc, "Mẹ chồng đến rồi" , nhân vật Vương Truyền Chí kết hôn với cô gái Bắc Kinh tên Hà Lâm, cuộc sống sau hôn nhân khá hạnh phúc, thỉnh thoảng Hà Lâm gặp mẹ chồng một lần, quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng tạm ổn. Nhưng mẹ của Vương Truyền Chí – bà Vương Mỹ Sướng – lại có tính cách rất độc đoán. Bà bán hết mấy mẫu đất ở quê, dắt cả gia đình lên thành phố ở chung với con trai.
Hai người phụ nữ – mẹ chồng và nàng dâu – khác biệt lớn về tính cách và lối sống, thường xuyên cãi vã vì những chuyện nhỏ nhặt. Thậm chí, đến cả chuyện cãi vã nho nhỏ giữa vợ chồng, bà Vương cũng phải can thiệp, có lúc còn lao vào xô xát với con dâu.
Một người mẹ chồng không có ranh giới như vậy khiến Hà Lâm thất vọng hết lần này đến lần khác, cuối cùng cặp vợ chồng trẻ đành phải ly hôn.
Giữa cha mẹ và con cái, giữ khoảng cách thích hợp mới khiến cả hai sống thoải mái. Hai thế hệ cố ép sống chung chỉ khiến cả đôi bên đều mệt mỏi.
Dân gian có câu: "Con cháu có phúc của con cháu, đừng làm ngựa trâu thay cho con cháu."
Là cha mẹ, ta không thể sắp đặt được toàn bộ cuộc đời cho con. Khi con cái đã trưởng thành, điều quan trọng là biết buông tay đúng lúc, đừng xen vào quá nhiều. Những bậc cha mẹ thực sự khôn ngoan sẽ không xem con cái là toàn bộ cuộc sống của mình, mà hiểu được rằng mỗi người đều cần có không gian riêng — vừa gần gũi, lại không mất đi ranh giới.
Cuốn "Sơn hà cố nhân" có nói: "Mỗi người chỉ có thể đi cùng bạn một đoạn đường, sớm muộn gì cũng phải chia tay."
Cha mẹ và con cái cùng đồng hành một chặng, đó không chỉ là hành trình trưởng thành của con, mà còn là quá trình tu dưỡng của chính cha mẹ. Càng lớn tuổi, chúng ta càng nên dành nhiều thời gian để trân trọng hiện tại, sống thật tốt những năm tháng an nhàn của riêng mình.

04. Giữ vững tâm thái, cho phép mọi điều xảy ra
Tôi rất đồng tình với một câu nói: " Cách dưỡng sinh tốt nhất của một người không phải là ngủ sớm dậy sớm, cũng không phải là chạy bộ rèn luyện, mà là nuôi dưỡng cảm xúc."
Tâm trạng không tốt, cho dù dùng mỹ phẩm cao cấp đến đâu cũng khó che giấu dấu vết thời gian; dù có linh đan diệu dược trong tay, cũng khó đảm bảo thể xác và tinh thần đều khỏe mạnh. Chỉ khi quản lý tốt cảm xúc, giữ vững tâm thái ổn định, con người mới có thể bước vào một cuộc sống đầy đủ và vui vẻ hơn.
Lâm Thanh Huyền, nhà tiểu luận người Đài Loan, từng kể rằng một người bạn nhờ ông viết chữ để treo trong phòng khách của căn nhà mới. Sau khi suy nghĩ rất lâu, ông đã viết bốn chữ: "Nghĩ về 'một hai'".
Người bạn không hiểu, ông giải thích: "Tục ngữ có câu 'Mười phần cuộc sống thì tám chín phần không như ý', nhưng nếu bỏ qua tám chín phần không như ý đó, ít ra vẫn còn một hai phần thuận lợi, vui vẻ, đáng trân trọng.
Muốn có một cuộc đời hạnh phúc, thì nên tập trung vào phần một hai đó – chỉ khi vậy, ta mới thường cảm thấy biết ơn, không bị phần lớn những điều không như ý đánh gục."
Người bạn nghe xong rất vui, liền treo ngay câu "Nghĩ về một hai" trong phòng khách.
Con đường đời, tám chín phần là đầy rẫy chông gai và bất như ý; nếu cứ mãi đắm chìm trong những điều đó, tâm hồn sẽ bị trói buộc. Nhưng nếu luôn nghĩ về một hai phần tốt đẹp, thì mọi việc sẽ dần trở nên thuận lợi.
Một chương trình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc từng kể về một cụ ông mắc bệnh u bướu.
Bác sĩ thông báo rằng ông chỉ còn sống được khoảng một tháng và khuyên ông nên về nhà làm những việc mình muốn. Ông liền nghĩ đến sở thích sưu tầm – điều mà trước đây gia đình luôn phản đối – nhưng giờ thì không còn ai ngăn cản nữa.
Ông chuyên tâm nghiên cứu các món sưu tầm, ngày nào tâm trạng cũng vui vẻ. Thời gian trôi qua, sức khỏe của ông dần được cải thiện một cách kỳ diệu. Sau đó, nhờ có tâm thái tích cực kết hợp với điều trị, ông hoàn toàn bình phục.
Việc cụ ông hồi phục một cách kỳ diệu chính là nhờ vào tinh thần lạc quan tích cực.
Một nghiên cứu đối chiếu hàng ngàn cụ già sống thọ trăm tuổi trong và ngoài nước cũng chỉ ra rằng: những người có thể sống đến trăm tuổi đều có mức độ hài lòng với cuộc sống và cảm giác hạnh phúc cao hơn người bình thường. Họ đều có một điểm chung: "Dù gặp chuyện gì cũng đều nghĩ thoáng được."
Nửa sau của đời người, sức khỏe thể chất dần suy giảm, khó tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng khi tuổi đã cao, điều quan trọng nhất là học cách sống với chính mình và điều chỉnh tâm trạng.
Chuyện gì cũng không cần phải quá bận tâm, cũng chẳng cần phải so đo – hãy để mọi thứ thuận theo tự nhiên.
Giữ cho cảm xúc ổn định, cho phép mọi chuyện xảy ra, sống từng ngày một cách ung dung tự tại – đó chính là những năm tháng tuổi già tốt đẹp nhất.

05
Tôi rất thích một câu nói: "Cả đời này, nhất định phải chăm sóc tốt cho bản thân. Ngoài sức khỏe ra, không có gì thực sự thuộc về bạn.
Ít tức giận, ít so đo, nhiều niềm vui – nếu đánh mất sức khỏe thì dù có thắng cả thế giới, cũng có ích gì?"
Dù cuộc đời rối ren, phiền não bủa vây, nhưng nếu ta vẫn giữ được một trái tim bình thản, buông bỏ mọi thứ, mỉm cười đối diện với cuộc sống – đó mới là cách trân trọng sinh mệnh tốt nhất.
Trong quãng đời còn lại, mong bạn và tôi đều có thể chăm sóc tốt cho cơ thể, sắp xếp lại tâm trạng, sống với một tâm thế lạc quan, để mỗi ngày trong tương lai đều trở nên trọn vẹn và ý nghĩa.
Thanh niên Việt
CÙNG CHUYÊN MỤC
