MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ: Có được cộng dồn quyền lợi?

18-05-2025 - 16:32 PM | Smart Money

Với bảo hiểm nhân thọ, việc sở hữu nhiều hợp đồng lại là một lựa chọn hợp lý để gia tăng quyền lợi, miễn là người mua hiểu rõ nhu cầu bảo vệ và khả năng tài chính dài hạn của mình.

Mua nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có được cộng dồn quyền lợi?

Theo Khoản 1, Điều 44 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, "Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm."

Từ những quy định trên, chúng ta có thể khẳng định pháp luật không cấm bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm trùng cho tài sản. Bởi đây là quyền quyết định của chủ sở hữu với tài sản của mình. Song chỉ áp dụng với đối tượng là tài sản hoặc trách nhiệm dân sự (Bảo hiểm Phi nhân thọ thuộc hợp đồng bảo hiểm tài sản) mà không áp dụng với hợp đồng bảo hiểm có đối tượng là con người (Bảo hiểm nhân thọ).

Như đã nói ở trên, định nghĩa “bảo hiểm trùng” chỉ áp dụng cho bảo hiểm phi nhân thọ. Còn đối với bảo hiểm nhân thọ, khách hàng có thể tham gia một hay nhiều hợp đồng nhân thọ để bảo vệ cho một đối tượng bảo hiểm.

Khi một khách hàng sở hữu nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác nhau, nếu không may xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm, thì mỗi doanh nghiệp bảo hiểm đều sẽ thực hiện chi trả đầy đủ theo cam kết trong hợp đồng của họ. Các quyền lợi sẽ được thanh toán riêng biệt và không bị ảnh hưởng bởi sự tồn tại của các hợp đồng khác.

Thực tế cho thấy, nhiều khách hàng lựa chọn kết hợp nhiều sản phẩm nhân thọ khác nhau để tối ưu hóa quyền lợi. Bởi mỗi sản phẩm sẽ có thế mạnh riêng: có sản phẩm chú trọng chi trả khi mắc bệnh hiểm nghèo, có sản phẩm lại ưu tiên trợ cấp viện phí hoặc chăm sóc dài hạn. Khi tham gia cùng lúc nhiều hợp đồng như vậy, khách hàng có thể xây dựng được một hệ thống bảo vệ tài chính toàn diện và vững chắc hơn cho bản thân và gia đình.

Mua hợp đồng thứ hai: Lợi ích đi kèm trách nhiệm

Dù việc sở hữu nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mang lại nhiều quyền lợi, nhưng để thực sự hiệu quả, người tham gia cần có chiến lược rõ ràng và tính toán kỹ lưỡng trước khi ký thêm hợp đồng mới. Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng cần đặt ra:

Khoảng trống bảo vệ của bạn là gì? Bạn đã có quyền lợi tử vong nhưng chưa có quyền lợi bệnh hiểm nghèo, viện phí, hoặc mất thu nhập dài hạn? Hãy bổ sung đúng chỗ thiếu.

Dòng tiền của bạn có đủ bền vững? Phí bảo hiểm là khoản cố định kéo dài 10 – 20 năm. Bạn có chắc chắn duy trì được không? Hãy lập bảng dòng tiền và tính toán quỹ dự phòng trước khi ra quyết định.

Có trùng lặp quyền lợi không? Nếu hai hợp đồng đều chi trả cùng một rủi ro với mức giống nhau, bạn đang đóng phí thừa mà không mở rộng được lớp bảo vệ.

Ngoài ra, người mua nên chủ động lấy báo giá từ nhiều công ty bảo hiểm, so sánh kỹ phạm vi chi trả, điều khoản loại trừ, và các mức phí, quyền lợi tương ứng. Ví dụ, cùng mức phí 20 triệu đồng/năm, hợp đồng A có thể chi trả ung thư tới 2 tỷ đồng, trong khi hợp đồng B chỉ chi trả 1 tỷ đồng – đó là sự chênh lệch đáng để cân nhắc.

Đặc biệt, đừng quên yếu tố quan trọng nhất: "Sức khỏe" tài chính của chính bạn. Khoản phí bảo hiểm hằng năm giống như một khoản tiết kiệm bắt buộc. Nếu thu nhập biến động – như kinh doanh suy giảm hoặc chi tiêu tăng đột biến – bạn có thể gặp khó khăn khi duy trì đóng phí. Điều này dẫn đến nguy cơ "treo hợp đồng", giảm mệnh giá, hoặc thậm chí mất toàn bộ quyền lợi đã tích lũy.

Do đó, trước khi ký thêm hợp đồng, bạn nên duy trì sẵn quỹ dự phòng tương đương ít nhất 6 tháng chi tiêu, đồng thời cân nhắc tách phần đầu tư (nếu có) sang các kênh linh hoạt hơn như quỹ mở hoặc trái phiếu để tránh "khóa cứng" toàn bộ dòng tiền vào bảo hiểm.

Tóm lại, sở hữu nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là điều hoàn toàn hợp pháp và có thể mang lại nguồn tài chính dồi dào khi rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào số lượng hợp đồng, người mua nên tập trung vào chất lượng bảo vệ, tính phù hợp với nhu cầu cá nhân và khả năng tài chính dài hạn. Khi cân đối tốt cả ba yếu tố này, bảo hiểm nhân thọ không chỉ là "tấm lá chắn" mà còn là điểm tựa an toàn cho tương lai.

Tùng Lâm (TH)

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên