MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo

09-05-2025 - 22:53 PM | Sống

Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo

Hậu quả của việc sử dụng hàng giả không chỉ là ngộ độc cấp tính hay suy dinh dưỡng, mà còn là nguy cơ tiềm ẩn bệnh ung thư - căn bệnh thực sự, đau đớn và đắt đỏ.

Những năm gần đây, hàng giả, hàng nhái tràn lan đã trở thành một vấn nạn nhức nhối tại Việt Nam, từ sữa bột trẻ em, TPCN, thuốc chữa bệnh đến mỹ phẩm... Những sản phẩm này không chỉ đánh lừa người tiêu dùng bằng bao bì tinh vi mà còn chứa các chất độc hại không hề được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Hậu quả của việc sử dụng hàng giả không chỉ là ngộ độc cấp tính hay suy dinh dưỡng, mà còn là nguy cơ tiềm ẩn bệnh ung thư - căn bệnh thực sự, đau đớn và đắt đỏ.

Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo- Ảnh 1.

Thực trạng nhức nhối: Hàng giả len lỏi khắp thị trường

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, hàng năm, hàng chục nghìn vụ vi phạm liên quan đến hàng giả bị phát hiện, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều do sự tinh vi của các đường dây sản xuất. Các sản phẩm được làm giả thường không rõ nguồn gốc, chứa các chất không được công bố, như hóa chất công nghiệp, kim loại nặng, hoặc chất bảo quản độc hại, mẫu mã, bao bì dễ gây nhầm lẫn... Không những vậy, mặt hàng bi làm giả cũng ngày càng đa dạng, từ sữa bột (cả sữa bột cho trẻ em lẫn người lớn), đến thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm...

Gần 600 loại sữa giả tại Việt Nam bị phát hiện

Vụ việc được phát hiện vào tháng 4/2025. Đây là vụ việc lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến sữa giả tại Việt Nam. Hai công ty là Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất và phân phối 573 nhãn hiệu sữa bột giả, chủ yếu nhắm vào đối tượng trẻ em, người bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Các sản phẩm này được quảng cáo chứa các thành phần quý như tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca, nhưng thực tế không có những chất này. Doanh thu từ hoạt động này ước tính lên tới 500 tỷ đồng.

Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo- Ảnh 2.

Cũng trong vụ sữa giả này, trong số 573 nhãn hiệu sữa bột giả của hai doanh nghiệp Rance Pharma và Hacofood, có tới 305 nhãn hiệu được nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm tại Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác hậu kiểm và quản lý chất lượng sản phẩm tại địa phương cũng như sự tinh vi của các đối tượng vi phạm.

Triệt phá cơ sở sản xuất, buôn bán số lượng lớn sản phẩm mỹ phẩm giả

Tháng 5/2025, một loạt các cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả bị xử lý.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá một cơ sở sản xuất, buôn bán số lượng lớn mỹ phẩm giả ở Bắc Giang. Chủ cơ sở đã sản xuất hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả, bán trót lọt hơn 100.000 đơn hàng cho các khách hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, Tiktok. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu là dung dịch, hương liệu pha chế không rõ nguồn gốc xuất xứ, bột phèn chua.

Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo- Ảnh 3.
Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo- Ảnh 4.

Ảnh: Báo Bắc Giang

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng vừa ban hành công văn về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố, có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố đối với 9 sản phẩm của Công ty TNHH thương mại tổng hợp & dịch vụ Linh Anh (tại Thanh Ba, Phú Thọ).

Cũng trong tháng 5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc với lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo, (của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group - ông Nguyễn Quốc Vũ, chồng ca sĩ Đoàn Di Băng, làm đại diện pháp luật) do không đạt chất lượng vi sinh vật, đồng thời chứa 2-Phenoxyethanol – một chất bảo quản không có trong công thức đã công bố chính thức, vi phạm quy định pháp luật về công bố mỹ phẩm.

Những vụ việc này cho thấy tình trạng sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là qua các kênh thương mại điện tử.

Thuốc giả cũng được buôn bán với nhiều thủ đoạn tinh vi

Liên quan đến thuốc giả, đáng kể nhất phải nhắc đến vụ công ty VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả H-Capita, giai đoạn 2013-2019. Công ty này đã lập khống 15 hợp đồng mua bán thuốc với công ty nước ngoài để nhập khẩu hơn 830.000 hộp thuốc giả mạo nhãn hiệu Health 2000 Canada; Làm giả hồ sơ, con dấu, giấy tờ để hợp thức hóa việc nhập khẩu và lưu hành thuốc giả. Kết quả là hơn 620.000 hộp thuốc giả đã được bán ra thị trường, thu lợi bất chính hơn 31 tỷ đồng.

Tháng 4/2025, một đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn tại Thanh Hóa cũng bị phát hiện. Các đối tượng trong đường dây đã tổ chức sản xuất thuốc giả tại nhiều địa điểm, ngụy trang dưới dạng "hàng xách tay". Khám xét 6 nhà kho, lực lượng chức năng thu giữ 10 tấn thuốc và nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Năm 2023, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ quan chức năng Hà Nội truy tìm và xử lý khi phát hiện mẫu thuốc kháng sinh Cefixime 200 giả, nơi sản xuất là Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long, nhưng thực tế không đạt yêu cầu chất lượng, chứa paracetamol thay vì cefixim.

Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo- Ảnh 5.

Đặc biệt, tình trạng buôn bán thuốc giả, kể cả Thực phẩm chức năng (TPCN) giả qua hệ thống nền tảng trực tuyến còn "sôi nổi" và khó kiểm soát hơn.

Điển hình phải kể đến vụ sản phẩm kẹo rau củ Kera của công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (CER Group) đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận và cơ quan chức năng tại Việt Nam trong thời gian qua. Sản phẩm này được quảng bá rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội nhưng đã bị phát hiện vi phạm 2 hành vi là: Sản xuất, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn không đúng theo quy định và Sản xuất, buôn bán, lưu thông thực phẩm trên thị trường có giá trị dinh dưỡng không phù hợp với thông tin về sản phẩm đã được công ty tự công bố.

Cụ thể, sản phẩm kẹo rau củ Kera được kiểm nghiệm có chứa sorbitol nhưng không thể hiện trên nhãn sản phẩm theo quy định. Ngoài ra, các thông tin trên nhãn như "khối lượng tịnh", thành phần hương táo, phụ gia acid citric cũng không được ghi rõ ràng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Cơ quan chức năng đã yêu cầu CER Group thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm, ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông và khởi tố vụ án cùng các cá nhân liên quan.

Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo- Ảnh 6.

Hàng giả nhưng hiểm họa là thật: Nguy cơ ung thư luôn "rình rập", sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa

Hàng giả không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Không ai ngờ rằng những gì mình dùng để bồi bổ sức khỏe như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng hóa ra lại chính là "liệu thuốc độc" giết chết bản thân chỉ vì... mua phải hàng giả. Một điểm chung của hàng giả là tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, thông qua nhiều con đường: Tích lũy chất độc trong cơ thể, làm tổn thương ADN, hoặc kích hoạt đột biến tế bào.

Sữa giả có thể chứa các hóa chất như formaldehyde hoặc chất độn hóa học, vốn bị cấm trong thực phẩm nhưng vẫn được lén lút sử dụng vì chi phí rẻ. Những chất này có khả năng phá hủy cấu trúc gen, gây viêm mạn tính, tăng nguy cơ ung thư gan, dạ dày, đại tràng. Các nghiên cứu sinh học phân tử cho thấy, formaldehyde là chất gây đột biến mạnh, liên quan đến tổn thương DNA sợi kép - một bước đầu tiên trong cơ chế sinh ung thư.

Với thuốc giả, đặc biệt là thuốc ung thư, hậu quả vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Người bệnh không được điều trị đúng cách khiến tế bào ung thư có thời gian phát triển, lan rộng và kháng trị. Thêm vào đó, nhiều thuốc giả còn chứa tạp chất nguy hiểm như arsenic, cadmium, hoặc dung môi công nghiệp, những chất đã được xếp vào nhóm gây ung thư chắc chắn ở người (Nhóm 1) theo phân loại của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC).

Hàng giả không chỉ làm tổn thương sức khỏe mà còn bào mòn niềm tin của người dân vào hệ thống y tế, dược phẩm và thực phẩm. Người tiêu dùng, khi phát hiện mình bị lừa, phải gánh thêm chi phí y tế, điều trị biến chứng và mất cơ hội điều trị bệnh.

Tại sao hàng giả có cơ hội len lỏi vào cuộc sống của người dân?

Xuất phát từ lợi nhuận, cộng với chi phí sản xuất thấp, nhu cầu người tiêu dùng lớn và tâm lý "giá rẻ là tốt" đã tạo điều kiện cho hàng giả sinh sôi. Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát chuỗi cung ứng còn lỏng lẻo, đặc biệt là trên môi trường trực tuyến. Chính những điều này góp phần tạo ra một "hệ thống hàng giả" khiến người tiêu dùng khó mà tỉnh táo, xác định và né tránh.

Chia sẻ về vấn nạn thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.

Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo- Ảnh 7.

Bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Theo bà, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ một số bất cập trong cơ chế quản lý. Nghị định 15/2018/NĐ-CP hiện hành cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm mà không cần thẩm định trước từ cơ quan quản lý nhà nước. Cơ chế thông thoáng này vốn nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm nhanh, tuy nhiên cũng bị một số đối tượng lợi dụng để đưa hàng kém chất lượng ra thị trường, lách luật thông qua việc tự công bố sai nhóm sản phẩm - đặc biệt là thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt.

Hơn nữa, thủ tục tự công bố hiện nay khá đơn giản, không mất phí và không yêu cầu xác thực ngay về số lượng sản xuất thực tế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa hồ sơ công bố và hoạt động thực tế. Trong khi đó, lực lượng hậu kiểm tại các địa phương còn hạn chế cả về nhân lực lẫn kinh phí, khiến công tác kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, một trong những nguyên nhân khiến thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn lưu hành và có chiều hướng diễn biến phức tạp là do chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, giá trị của một hộp thuốc giả bị phát hiện có thể chỉ ở mức vài trăm ngàn đồng, nên mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định chỉ từ 1 đến vài triệu đồng.

Đối phó với nạn hàng giả, cần triển khai giải pháp đồng bộ

Để ngăn chặn vấn nạn hàng giả và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.

Bà Trần Việt Nga nhấn mạnh rằng để đảm bảo người dân được sử dụng thực phẩm an toàn và chất lượng, cần có sự chung tay từ ba phía. Trước hết, các cơ sở sản xuất phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu và tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bà Trần Việt Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi nhận định đây là những vụ việc nghiêm trọng và hi vọng các tổ chức, cá nhân phi đạo đức kinh doanh sẽ thay đổi hành vi sau những vụ triệt phá này. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang và có ý định sản xuất, kinh doanh hàng giả" .

Tiếp đến là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, cùng với việc trang bị các công cụ hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm lưu thông trên thị trường, là yếu tố then chốt để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cần được thực hiện nghiêm minh và thường xuyên.

Sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả... nhưng ung thư là thật: Vì sao người tiêu dùng dễ "sập bẫy", bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân tiếp theo- Ảnh 8.

Liên quan đến cơ chế tự công bố, Bà Trần Việt Nga cũng cho biết, Bộ Y tế đang tích cực tham mưu sửa đổi Nghị định 15 theo hướng tăng cường điều kiện công bố, phân loại chặt chẽ nhóm sản phẩm và nâng cao hiệu quả hậu kiểm. Bên cạnh đó, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng đang được rà soát để sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung quy định về quảng cáo, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều sản phẩm được quảng bá sai sự thật trên mạng xã hội, thậm chí giả danh bác sĩ hoặc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.

Cuối cùng, người tiêu dùng cũng cần chủ động trang bị kiến thức, biết cách chọn lựa sản phẩm thông minh, theo dõi các cảnh báo từ cơ quan chức năng để đưa ra những quyết định sáng suốt, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Có thể thấy, hàng giả, từ sữa bột, thuốc chữa bệnh, đến TPCN và mỹ phẩm giả, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Những vụ việc bị phát giác là minh chứng cho sự tàn nhẫn của tội phạm và lỗ hổng trong quản lý. Hậu quả của việc sử dụng hàng giả không chỉ dừng lại ở bệnh tật mà còn đe dọa sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng. Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa. Đừng để một ngày nào đó, hậu quả từ món hàng "giá rẻ bất ngờ" biến thành chẩn đoán "ung thư không ngờ".

Theo Minh Anh

Thanh niên Việt

Trở lên trên