Sân bay xịn hàng top thế giới ở Việt Nam có tin vui, sắp đón loạt chuyên cơ VVIP cho siêu sự kiện 2027
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng mới đây đã chủ trì cuộc họp về việc mở rộng sân bay này.
Cơ bản thống nhất nội dung Dự thảo đầu tư mở rộng Cảng hàng không Phú Quốc
Chiều 21/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Nghị quyết đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cơ bản nhất trí với các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết về đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, khẩn trương triển khai đồng thời nhiều công việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đồng ý chủ trương mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc phục vụ APEC 2027 theo hình thức đầu tư; phân cấp hay ủy quyền cho UBND tỉnh quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo trình tự, thủ tục.

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cơ bản nhất trí với 4 nội dung trong Dự thảo đầu tư mở rộng Cảng hàng không Phú Quốc. Ảnh: Chinhphu.vn
Cùng với đó, UBND tỉnh Kiên Giang phải triển khai nhiệm vụ trên tinh thần trách nhiệm cao, tích cực và không để xảy ra sai sót, sai phạm gì. Với mục tiêu đảm bảo tiến độ và để lại dấu ấn đặc sắc, có ý nghĩa lâu dài, trở thành điểm đến tầm cỡ, xứng tầm, Phó Thủ tướng đề nghị tạo điều kiện tốt nhất để huy động tối đa mọi nguồn thực hiện công trình.
Trước đó, ngày 16/5, Đảng ủy Chính phủ đã ban hành Công văn số 209-CV/ĐU về cơ chế, chính sách cho các dự án. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 948/QĐ-TTg ngày 17/5/2025 về giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Kiên Giang chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức thành công Hội nghị APEC 2027, cùng với đó là 6 cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ảnh phối cảnh sân bay Phú Quốc tương lai. Nguồn: CPG
Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và UBND tỉnh Kiên Giang hoàn thành dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Nghị quyết gồm 4 nội dung chính:
Thứ nhất, thống nhất chủ trương đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc phục vụ APEC 2027 theo hình thức đầu tư quy định tại Luật Đầu tư (không áp dụng hình thức PPP).
Thứ hai, phân cấp cho UBND tỉnh Kiên Giang thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo trình tự, thủ tục như các dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Thẩm quyền này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư, tuy nhiên Chính phủ ra Nghị quyết để điều chỉnh phân cấp cho tỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Khoản 2 Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ.
Thứ ba, quy định việc chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng sân bay từ Bộ Xây dựng về UBND tỉnh Kiên Giang.
Thứ tư, đề xuất cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian triển khai dự án, đảm bảo hoàn thành trước tháng 10/2027.
Mở rộng Cảng hàng không Phú Quốc để chuẩn bị cho APEC 2027
Tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là nhiệm vụ chính trị quốc gia quan trọng, gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững của Phú Quốc, khẳng định vị thế của Việt Nam và Phú Quốc trên trường quốc tế.
Vì vậy, việc mở rộng Cảng HKQT Phú Quốc là vô cùng quan trọng, làm cơ sở sớm triển khai đầu tư, kịp thời đưa vào khai thác phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2027.
Video viễn cảnh sân bay Phú Quốc trong tương lai do AI ChatGPT tạo ra dựa trên phối cảnh chính thức từ Công ty CPG
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đã lập quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc, bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, quy hoạch của tỉnh Kiên Giang.
Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ có tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.050ha, với vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 26.572 tỷ đồng, tầm nhìn đến năm 2050 cần thêm 25.791 tỷ đồng. Với số vốn này, sân bay sẽ được mở rộng với mục tiêu đạt công suất 18 triệu hành khách/năm, gấp 4,5 lần so với hiện trạng (4 triệu khách/năm). Mục tiêu tới năm 2050, cảng hàng không được nâng cấp với công suất 50 triệu khách/năm.
Điểm nhấn của cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là nhà ga hành khách. Nơi này được xây dựng dựa trên ý tưởng từ cánh chim phượng hoàng sải cánh, tượng trưng cho vị thế quốc gia và niềm kiêu hãnh dân tộc. Nhà ga còn được trang bị công nghệ vận hành hiện đại nhất thế giới, bao gồm check-in không cần đến sân bay, phân loại hành lý tự động, công nghệ nhận dạng sinh trắc học giúp thời gian xuất nhập cảnh còn 15-30 giây/người…

Ảnh phối cảnh sân bay Phú Quốc tương lai. Nguồn: CPG
Đáng chú ý, sân bay Phú Quốc sẽ có hai đường cất hạ cánh, trong đó đường băng hiện hữu sẽ được kéo dài lên 3.500m, đồng thời xây dựng thêm một đường băng mới dài 3.300m.Hệ thống sân đỗ sẽ được mở rộng lên hơn 100 vị trí, bao gồm 45 vị trí đỗ máy bay thân rộng bao gồm cả những vị trí có ống lồng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác và phục vụ hành khách quốc tế lẫn nội địa.
Đặc biệt, nhà ga VVIP của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được xây dựng mới, với mục tiêu trở thành nơi đạt chuẩn để đón tiếp chuyên cơ của các nguyên thủ quốc gia tới tham dự tuần lễ cấp cao APEC. Khi APEC kết thúc, nhà khách VVIP sẽ được sử dụng để khai thác quốc tế hoặc khai thác hàng không cho những sự kiện quan trọng.
Công trình nhà ga VVIP được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý - Marco Casamonti, "cha đẻ" của công trình biểu tượng Cầu Hôn tại Phú Quốc. Thiết kế của nhà ga được lấy cảm hứng từ loài cá đại bàng biển, tượng trưng cho sự tự do và uyển chuyển giữa đại dương.
Còn đơn vị thiết kế Cảng HKQT Phú Quốc là CPG Singapore và được trực tiếp chắp bút bởi kiến trúc sư Steven Thor - Phó Chủ tịch điều hành CPG Consultants. Được biết ông Thor đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc.
Với việc đồng loạt triển khai những dự án chiến lược, trong đó có quy hoạch mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc lên công suất 18 triệu khách/năm trước APEC 2027, thành phố đảo đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, du lịch và hội nghị quốc tế mới của khu vực và thế giới. Không chỉ phục vụ APEC 2027, các công trình này còn là nền tảng để Phú Quốc bứt phá, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng trong giai đoạn tới.
Đời sống và Pháp luật