MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc gia Đông Nam Á chìm trong ‘đại dịch’ lừa đảo: Dân bị lừa nhiều tiền nhất thế giới, chuyên gia thu hồi tài sản phải thốt lên "họ vừa giàu vừa ngây thơ"

27-05-2025 - 14:53 PM | Tài chính quốc tế

Singapore là mục tiêu hấp dẫn của tội phạm mạng toàn cầu bởi dân số giàu có, mức số hóa cao và người dân có xu hướng tin tưởng chính quyền.

Quốc gia Đông Nam Á chìm trong ‘đại dịch’ lừa đảo: Dân bị lừa nhiều tiền nhất thế giới, chuyên gia thu hồi tài sản phải thốt lên "họ vừa giàu vừa ngây thơ"- Ảnh 1.

Laurence Pang, 78 tuổi, là một diễn viên kỳ cựu người Singapore. Ông luôn tự nhủ phải cảnh giác với các hình thức lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, ông vẫn sập bẫy sau khi trò chuyện qua một ứng dụng hẹn hò với một phụ nữ trẻ người Philippines tên Mika.

Sau nhiều tháng trao đổi, Pang đã bị thuyết phục đầu tư gần 40.000 SGD (30.000 USD) tiền mã hóa vào một “dự án thương mại điện tử”. Khi không thể rút tiền, ông yêu cầu gọi video với Mika và phát hiện người trong cuộc gọi không giống với ảnh trên mạng.

Ông Pang chỉ là một số hàng chục nghìn nạn nhân của các vụ lừa đảo tại Singapore trong năm 2024. Theo số liệu cảnh sát, tổng thiệt hại lên đến 1,1 tỷ SGD, tăng 70% so với năm trước. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều bởi hơn 2/3 nạn nhân không trình báo, theo tổ chức Global Anti-Scam Alliance.

Singapore là mục tiêu hấp dẫn của tội phạm mạng toàn cầu bởi dân số giàu có, mức số hóa cao và người dân có xu hướng tin tưởng chính quyền. Theo lời một chuyên gia thu hồi tài sản thì “họ vừa giàu vừa ngây thơ”.

Nhiều trung tâm lừa đảo quy mô lớn hoạt động tại Campuchia, Myanmar và Lào thường sử dụng chính những người bị buôn bán lao động làm nhân viên. Nick Court, Phó giám đốc tội phạm tài chính của Interpol, xác định khu vực Đông Nam Á là điểm nóng của các loại hình lừa đảo tình cảm, mạo danh và lừa đảo qua mạng.

Theo Interpol, người Singapore là nhóm thiệt hại bởi lừa đảo nhiều nhất thế giới trong năm 2023, với mức thiệt hại trung bình 4.031 USD/người, cao hơn Thụy Sĩ (3.767 USD) và Áo (3.484 USD). Dù con số này giảm trong năm 2024, số vụ được báo cáo tăng 10% lên 51.501 vụ.

Lừa đảo đã trở nên phổ biến đến mức chính phủ Singapore thậm chí tính đến hình phạt roi vọt để răn đe tội phạm.

Phần lớn các vụ việc liên quan đến số tiền dưới 2.000 SGD, nhưng hàng nghìn nạn nhân đã mất toàn bộ tiền tiết kiệm vào tay những kẻ lừa đảo thường đóng giả là nhân viên ngân hàng hoặc viên chức. Các hình thức phổ biến gồm lừa đảo thương mại điện tử, tuyển dụng giả, lừa đảo tình cảm, giả danh công chức, cài phần mềm độc hại và giả mạo email doanh nghiệp.

Hơn 80% nạn nhân tự nguyện chuyển tiền hoặc tài sản mã hóa sau khi bị thao túng tâm lý. Ngày càng nhiều vụ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và video deepfake. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cũng cảnh báo tội phạm mạng dùng AI giả danh cơ quan quản lý để lừa chuyển tiền từ tài khoản doanh nghiệp.

Việc các ngân hàng Singapore đầu tư mạnh vào công nghệ khiến giao dịch diễn ra quá nhanh, tiền bị chuyển ra khỏi hệ thống trước khi có thể chặn lại. Hiện nay, một số ngân hàng đang chủ động tạo thêm “độ trễ” trong giao dịch nhằm tăng cường kiểm soát.

Trung bình, chỉ mất 30 phút để tội phạm rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng Singapore. “Khi nạn nhân đến ngân hàng, họ đã bị thao túng tâm lý nặng, rất khó ngăn chặn giao dịch, đặc biệt trong các vụ lừa đảo tình cảm, đầu tư hay giả danh chính quyền”, bà Yuen, Giám đốc pháp chế và tuân thủ của OCBC, cho biết.

Cảnh sát Singapore xác nhận phần lớn tội phạm lừa đảo tiếp cận nạn nhân các nền tảng thuộc Meta như Facebook, WhatsApp và Instagram. Meta cho biết từ đầu năm 2024 đã phát hiện và ngăn chặn hơn 7 triệu tài khoản liên quan các ổ lừa đảo tại Myanmar, Lào, Campuchia và Philippines.

Thậm chí, trung tâm phòng chống lừa đảo của cảnh sát Singapore cũng bị giả mạo. Cảnh sát cho biết đã có hơn 1.500 vụ lừa đảo mạo danh viên chức chính phủ trong năm ngoái.

Nhìn lại sự việc, ông Pang chia sẻ: “Tôi đã bỏ qua những dấu hiệu bất thường như nhận được cuộc gọi từ những người tự nhận là nhân viên công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Philippines nhưng lại dùng số điện thoại Nhật Bản. Ông kết luận: “Chỉ cần nhắc đến chuyển tiền hoặc tiền mã hóa, đó là dấu hiệu rõ ràng nhất của một vụ lừa đảo”.

Tham khảo: FT

Y Vân

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên